Cuộc xung đột Ukraine: Hòa bình đang đến gần?

Thế giới đang dõi theo mọi động thái ngoại giao tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga được cho sẽ có cuộc gặp trực tiếp tại đây để bàn về cuộc xung đột ở Ukraine và chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước.

Mỹ - Nga gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên sau 3 năm

Truyền thông Mỹ đưa tin, tân Ngoại trưởng nước này Marco Rubio dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Mỹ tới Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 17-2 để tham dự cuộc đàm phán với các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga để thảo luận về cuộc xung đột quân sự hiện nay tại Ukraine và chuẩn bị nội dung cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông Steve Witkoff, Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã xác nhận rằng ông đến Saudi Arabia vào tối 16-2 để tham gia phái đoàn Mỹ và kỳ vọng sẽ có tiến triển nghiêm túc trong việc giải quyết xung đột Ukraine. Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz được cho cũng tham gia phái đoàn ngoại giao cấp cao của Mỹ để gặp các quan chức của Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio lên đường tới Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để đàm phán với phái đoàn Nga về tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio lên đường tới Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để đàm phán với phái đoàn Nga về tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine

Trong khi đó, báo Kommersant của Nga ngày 16-2 dẫn các nguồn tin cho biết, các cuộc đàm phán về Ukraine với sự tham gia của phái đoàn Nga dự kiến diễn ra tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 18-2. Hiện chưa xác định quan chức cấp cao nào sẽ dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự cuộc đàm phán với phía Mỹ tại Riyadh, song nhiều người cho rằng nhiều khả năng là Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Nhà ngoại giao kỳ cựu này của Nga vào ngày 15-2 đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và đi tới nhất trí về “các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa hai bên, bao gồm cả các cuộc tiếp xúc để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Nga - Mỹ”.

Các cuộc đàm phán ở Riyadh là cuộc thảo luận cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Nga kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022 tới nay. Cuộc đàm phán này, theo các nhà ngoại giao, tập trung vào hai nội dung chính là giải quyết cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin.

Cuộc đàm phán giữa các giới chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga diễn ra ngay sau cuộc điện đàm Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin hôm 12-2. Cuộc điện đàm này được đích thân Tổng thống Donald Trump công bố khi tuyên bố ông đã có cuộc điện đàm “rất hiệu quả” kéo dài 1,5 giờ với người đồng cấp Nga nhằm “sớm kết thúc cuộc chiến ở Ukraine”. Vị chủ nhân Nhà Trắng cho biết thêm, ông và Tổng thống Vladimir Putin đã nhất trí hợp tác chặt chẽ về vấn đề Ukraine, bao gồm cả một cuộc gặp trực tiếp trong thời gian tới, có thể ở Saudi Arabia.

Về phía Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm để trao đổi về nhiều vấn đề giữa Nga và Mỹ. Ông Dmitry Peskov cho biết, hai Tổng thống Nga - Mỹ cùng nhất trí rằng một thỏa thuận lâu dài tại Ukraine có thể đạt được thông qua đàm phán hòa bình và đã mời người đồng cấp Mỹ tới thăm Matxcơva.

Việc cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Mỹ diễn ra ngay sau cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước phần nào cho thấy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự khốc liệt kéo dài 3 năm qua với những tổn thất nặng nề tại Ukraine đang được rốt ráo phác thảo và có thể sớm thực thi. Hãng tin Bloomberg ngày 16-2 dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách để các bên liên quan đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine trước Lễ Phục sinh năm nay (ngày 20-4).

“Phát súng báo hiệu” bắt đầu đàm phán

Tổng thống Donald Trump khi tranh cử cũng như sau khi đắc cử đã nhiều lần tuyên bố rằng, ông muốn “chấm dứt ngay” cuộc xung đột chết chóc tại Ukraine. Việc tiến hành điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin cũng như tổ chức ngay cuộc đàm phán trực tiếp giữa các nhà ngoại giao hàng đầu hai nước tại Riyadh cho thấy tân Tổng thống Donald Trump đang bắt tay ngay vào thực hiện cam kết của mình và coi đây là một chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu trong lần thứ hai trở lại nắm quyền ở Nhà Trắng.

Động thái trên cũng chính thức đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn trong cách tiếp cận vấn đề Ukraine của chính quyền Tổng thống Donald Trump so với người tiền nhiệm. Chính quyền Tổng thống Joe Biden trước đó khẳng định, chỉ Ukraine mới có quyền quyết định thời điểm và cách thức đàm phán, đồng thời ưu tiên huy động các nguồn lực mạnh mẽ nhất có thể để hậu thuẫn cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga.

Không lâu sau khi chiến sự bùng phát cuối tháng 2-2022, Nga và Ukraine từng tổ chức nhiều vòng đàm phán cả trực tiếp và trực tuyến nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, những nỗ lực đàm phán sớm chấm dứt bởi chiến sự leo thang khốc liệt trong khi lập trường hai bên quá cách biệt. Phía Nga muốn Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập liên minh quân sự NATO, duy trì trạng thái trung lập cũng như duy trì lực lượng vũ trang ở mức vừa phải; chấp nhận thực tế mới với 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập tháng 9-2022 cũng như bán đảo Crimea mà Matxcơva tuyên bố sáp nhập hồi năm 2-2014.

Trong khi đó, phía Ukraine kiên quyết đòi Nga phải rút quân khỏi các khu vực đang kiểm soát, khẳng định không chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Lập trường này của Ukraine được chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump lại có quan điểm khác với chính quyền tiền nhiệm. Vị chủ nhân mới của Nhà Trắng công khai khẳng định đồng ý với quan điểm của Nga rằng Mỹ không cho rằng “Ukraine không thể gia nhập NATO” và Ukraine “khó có thể” khôi phục biên giới trước năm 2014.

Quan điểm của tân Tổng thống Donald Trump cùng cuộc điện đàm trực tiếp giữa hai Tổng thống Mỹ và Nga, vì thế được xem “là phát súng báo hiệu” bắt đầu đàm phán chấm dứt cuộc chiến 3 năm qua tại Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump điện đàm xong với người đồng cấp Nga mới tiến hành điện đàm với ông Volodymyr Zelensky, và châu Âu không hề hay biết biết về các cuộc điện đàm này cho tới khi được các bên liên quan công bố.

Giới quan sát do đó cho rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky và châu Âu có thể bị Mỹ và Nga “gạt ra ngoài” cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ngay trong lòng châu Âu. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng trấn an và khẳng định, Ukraine sẽ tham gia cuộc đàm phán hòa bình với Nga về chấm dứt xung đột. Lên tiếng từ Nhà Trắng, ông Donald Trump nêu rõ: “Ukraine là một phần của cuộc đàm phán. Chúng ta sẽ có Ukraine, Nga và rất nhiều bên khác cùng tham gia”. Có thể thấy, Ukraine cũng như châu Âu chắc chắn sẽ tham gia vào cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự tại Ukraine.

Tất nhiên, việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho một cuộc xung đột khốc liệt, quy mô lớn với nhiều vấn đề phức tạp, liên quan tới địa chính trị trọng yếu như tại Ukraine hiện mới chỉ là giai đoạn khởi đầu, còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các bên liên quan, đặc biệt là tìm kiếm điểm chung cho những khác biệt còn quá lớn. Một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine là đòi hỏi cấp bách và bức thiết, song cần không chỉ nỗ lực, thiện chí mà cả thời gian, nhưng dù sao vẫn hy vọng có thể trước hết đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trước ngày 20-4 tới để không còn ai phải đổ máu.

Mỹ - Nga bước vào đàm phán cấp cao tại Saudi Arabia

Đại diện Nga - Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu nhóm họp tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia từ ngày 18-2 để bàn về xung đột tại Ukraine và chuẩn bị cho hội đàm cấp cao. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky trước đó đã tuyên bố rằng Kiev không được mời tham gia các cuộc đàm phán ở Arab Saudi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Yulia Svirydenko ngày 16-2 đăng trên Facebook rằng một phái đoàn chính phủ Ukraine đã đến vương quốc này. Bà thông báo “sẽ có hàng chục cuộc họp trong những ngày tới để chuẩn bị cho chuyến thăm Arab Saudi của ông Vladimir Zelensky”.

Đề cập đến những lo ngại rằng Ukraine đang bị gạt ra ngoài lề, đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff đã bác bỏ ý tưởng này, nhấn mạnh rằng các quan chức Ukraine đã tiếp xúc với một số quan chức cấp cao của Mỹ trong Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần qua.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, trong một cuộc phỏng vấn với CBS vào ngày 16-2, đã đề cập rằng khi các cuộc đàm phán thực sự về hòa bình bắt đầu, Ukraine và EU sẽ được đưa vào cuộc đối thoại.

Yên Vũ

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoc-xung-dot-ukraine-hoa-binh-dang-den-gan-post603710.antd
Zalo