Cuộc xung đột Nga - Ukraine: Khi hiệu lệnh hòa bình đã vang (Kỳ 1)

Những hoạt động ngoại giao của chính quyền Trump thời gian gần đây đang diễn ra rất sôi động, đặc biệt xoay quanh cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga ngày 12/2, cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến các cuộc đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn cấp cao hai nước tại Riyadh của Saudi Arabia vào ngày 18/2.

Không khí xây dựng, tích cực bao trùm các cuộc đàm phán

Đúng như cam kết, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nối lại các kênh đối thoại với Nga. Ngày 12/2, ông Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin kéo dài gần một giờ rưỡi, thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có giải quyết tình hình xung đột ở Ukraine. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, cuộc điện đàm giũa hai nhà lãnh đạo diễn ra trong bầu không khí thân thiện và mang tính xây dựng. Động thái cho thấy Nga và Mỹ sẽ tập trung thảo luận “về hòa bình, chứ không phải xung đột”, và đó là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy hai nước sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.

Giới phân tích cho rằng, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đặt nền móng quan trọng cho tiến trình hòa bình Ukraine sẽ được thúc đẩy thời gian tới. Không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang, mà hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ còn đạt được nhiều đồng thuận trong vấn đề Ukraine. Ví dụ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rõ ràng rằng, việc Ukraine tham gia NATO là không phù hợp và không thực tế. Như vậy, Washington về cơ bản đã đồng ý với một trong những yêu cầu quan trọng của Moscow trong suốt thời gian qua.

Ngày 18/2, các phái đoàn cấp cao của Nga-Mỹ đã có cuộc đàm phán trực tiếp tại Riyadh/Saudi Arabia, nhằm cụ thể hóa những đồng thuận mà Tổng thống hai nước đạt được trước đó. Tại các cuộc đàm phán, các bên thống nhất 3 điểm chính là: 1- Khôi phục hoàn toàn hoạt động của đại sứ quán hai nước; 2- Đối thoại để giải quyết những bất đồng trong quan hệ song phương; 3- Khởi xướng các nhóm đàm phán về Ukraine. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, một kết quả thậm chí còn quan trọng hơn là giọng điệu chung của các cuộc đàm phán. Lần đầu tiên sau nhiều năm, các quan chức Nga-Mỹ đã ngồi lại với nhau để thảo luận về những vấn đề trong quan hệ hợp tác song phương, cũng như tình hình an ninh khu vực. Sự thay đổi trong bầu không khí đàm phán rất rõ ràng đến mức đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump, Steve Witkoff, đã khẳng định ông “không thể tưởng tượng ra một kết quả tốt hơn”. Sự thay đổi trong nhận thức theo hướng tích cực về quan hệ hợp tác Nga-Mỹ sẽ là động lực thực sự cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Đằng sau sự tích cực, chủ động của chính quyền Trump

Có lẽ ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể tưởng tượng các kênh đàm phán giữa Nga và Mỹ lại diễn ra sớm đến thế. Mặc dù chưa đạt được kết quả nào mang tính đột phá, những không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực mà các cuộc đàm phán mang lại. Như các nhà đàm phán Nga, đặc biệt là Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã lưu ý, bước đột phá chính trong quan hệ giữa Moscow và Washington chính là việc các cường quốc ngồi vào bàn đàm phán và sẵn sàng trao đổi quan điểm. Trong 3 năm qua, hầu như mọi kênh tương tác đều bị phá hủy do sự đồng thuận cao của Mỹ và các nước châu Âu trong vấn đề Ukraine khi tăng cường cô lập ngoại giao và siết chặt cấm vận kinh tế Nga. Cùng với đó, việc các nước phương Tây không ngừng viện trợ quân sự cho quân đội Ukraine càng đẩy tình hình thêm rối ren, bế tắc.

Cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump ở đây được cho là rất thực tế. Đầu tiên, ông Trump muốn kết thúc xung đột nhanh chóng. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump từng tuyên bố rằng ông có thể giải quyết chiến tranh Nga-Ukraine “trong vòng 24 giờ” nếu tái đắc cử. Ông đề xuất một thỏa thuận mà cả Nga và Ukraine đều có thể chấp nhận, có thể bao gồm nhượng bộ lãnh thổ hoặc cam kết về an ninh. Giờ đây, khi quay trở lại Nhà Trắng, ông Trump ngay lập tức đã cụ thể hóa cam kết bằng các bước đi đầu tiên. Ông hiểu rằng, để có thể chấm dứt cuộc chiến tranh này thì không thể không đàm phán trực tiếp với Nga.

Thứ hai, với chủ trương thực dụng, không khó hiểu khi ông Trump muốn giảm sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine. Tổng thống Donald Trump nhiều lần chỉ trích chính quyền tiền nhiệm về việc viện trợ quân sự và tài chính lớn của Mỹ cho Ukraine. Theo dữ liệu từ công cụ Ukraine Support Tracker của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel), tính từ ngày 24/1/2022 tới 31/12/2024, viện trợ của Mỹ cho Ukraine là gần 120 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với viện trợ của các định chế thuộc Liên minh châu Âu (EU). Do đó, bằng cách nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine có thể giúp giảm gánh nặng tài chính cho Mỹ và chính quyền Trump có thêm nguồn lực để giải quyết các vấn đề trong nước, như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nợ công, tạo thêm việc làm cho người dân, giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp,... Ngoài ra, việc nhanh chóng giải quyết xung đột còn có thể giúp ông Trump ghi điểm trong mắt cử tri, cả những người đã từng ủng hộ ông trong chiến dịch bầu cử, đến những người còn hoài nghi về năng lực của ông.

Thứ ba, xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Nga và tập trung kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump thường nhấn mạnh mong muốn có mối quan hệ tốt hơn với Nga và tránh đối đầu trực tiếp. Một thỏa thuận với Nga về Ukraine có thể giúp cải thiện quan hệ Mỹ-Nga, vốn đang chạm đáy. Tổng thống Trump hiểu rằng, trong giải quyết các thách thức an ninh khu vực và thế giới hiện nay, như vấn đề hạt nhân của Iran, khủng bố quốc tế hay vấn đề biến đổi khí hậu, Mỹ không thể bỏ qua vai trò của Nga. Hơn nữa, ở góc độ chiến lược, nếu Nga bị lôi kéo quá sâu vào chiến tranh Ukraine, theo Mỹ, nước này có thể dựa nhiều hơn vào Trung Quốc. Ông Trump muốn kéo Nga ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc bằng một thỏa thuận hòa bình; từ đó, thiết lập thế chân vạc Mỹ-Nga-Trung “vừa hợp tác, vừa đề phòng” và định hình trật tự thế giới.

Rõ ràng, con đường hòa bình cho Ukraine vẫn còn rất nhiều chông gai, nhưng những động thái ngoại giao của chính quyền Trump gần đây cho thấy Washington đang thực sự muốn giải quyết nhanh chóng cuộc chiến tranh này. Các cuộc đàm phán với Nga có thể là “hiệu lệnh” về hòa bình mà Tổng thống Donald Trump muốn gửi đến các đồng minh châu Âu và chính quyền Kiev.

(Còn tiếp)

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cuoc-xung-dot-nga-ukraine-khi-hieu-lenh-hoa-binh-da-vang-ky-1-240443.htm
Zalo