Cước vận tải tăng khiến lợi nhuận doanh nghiệp thủy sản 'bốc hơi'
Theo báo cáo tài chính quý II của nhiều doanh nghiệp thủy sản, nhiều doanh nghiệp dù có doanh thu tăng vọt nhưng lợi nhuận lại giảm, do tác động từ chi phí vận chuyển tăng.
Cước vận chuyển tăng bằng lần
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã cho biết, một loạt hãng tàu thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, châu Âu và các nước. Nguyên nhân là do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải của nhiều hãng tàu, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên.
Ông Trương Đình Hòe -Tổng Thư ký VASEP thông tin, từ tháng 1/2024, giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và một số nước khác đã được điều chỉnh tăng cao. Ông Hòe cho biết thêm, khoảng 80% lượng hàng hóa đi bờ Đông của Mỹ, Canada và EU đều phải qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, do căng thẳng bởi chiến tranh, bao gồm cả những bất ổn từ việc tấn công tàu hàng đi vào Biển Đỏ để qua kênh đào Suez, cho nên tàu hàng phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. Điều này khiến hành trình kéo dài thêm 7-10 ngày, tức chi phí phát sinh sẽ nhiều hơn, bao gồm cả vòng quay của tàu.
Doanh nghiệp thủy sản còn chịu tác động lớn hơn nhiều, bởi đặc thù xuất khẩu hàng chế biến đông lạnh là phải thuê container lạnh, trong khi việc thuê container lạnh cũng không dễ. “Đặt được container lúc này rất khó. Các hãng tàu lớn đang giảm chuyến, giảm số lượng tàu, nên chi phí logistics bị đẩy lên rất cao”, đại diện VASEP nhấn mạnh.
Theo VASEP, đây có thể là thách thức mới cho ngành Thủy sản trong năm nay. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí đầu tư vào khâu sản xuất hơn, khiến lợi nhuận giảm. Cộng đồng doanh nghiệp nói chung vẫn đang phải nỗ lực rất nhiều để thích ứng với những thách thức này.
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp giảm mạnh
Đúng như dự báo của VASEP, cước tàu tăng cao đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Tác động này đã thể hiện rõ trong báo cáo tài chính quý II/2024 của nhiều doanh nghiệp.
Đầu tiên phải kể đến CTCP Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn, mã ck: VHC) - một trong những doanh nghiệp bị giảm lãi khá “sâu”. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, VHC đã ghi nhận doanh thu gần 3.196 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.
Dù doanh thu tăng mạnh nhưng do biên lợi nhuận lao dốc dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 20% so với cùng kỳ, còn 462 tỷ đồng. Kết quả, VHC báo lãi ròng quý II/2024 đạt 336 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Lũy kế trong nửa đầu năm 2024, VHC ghi nhận doanh thu đạt 6.051 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, lãi ròng 525 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ 484 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Lý giải lợi nhuận tiếp tục suy giảm trong quý II/2024 bất chấp doanh thu tăng, VHC cho biết do giá bán nhóm sản phẩm cá tra giảm. Đáng nói, trong nửa đầu năm 2024, chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí khác đã tăng 56%, lên 100 tỷ đồng.
Áp lực chi phí cước tàu tăng cao làm lãi ròng CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia - IDI (mã ck: IDI) giảm mạnh. Trong báo cáo tài chính quý II/2024 của doanh nghiệp này cho thấy, doanh thu thuần đạt 1.934 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng do giá vốn hàng bán tăng mạnh, vượt qua biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp của IDI ghi nhận giảm nhẹ xuống còn 154 tỷ đồng.
Trong kỳ, do chi phí vận chuyển, giá cước tàu cao đã đẩy chi phí bán hàng của công ty lên 46 tỷ đồng, tăng 42%. Ngoài ra, các khoản thu nhập khác của IDI cũng sụt giảm 45% xuống còn gần 3 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, IDI báo lãi 18 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, IDI ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.564 tỷ đồng, giảm nhẹ so cùng kỳ.
Tương tự, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã ck: FMC) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 842 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ tăng 30,6%, đạt 87,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí bán hàng trong quý tăng mạnh, đạt 37 tỷ đồng, so với mức âm 9 tỷ của quý II/2023. Do đó, lợi nhuận sau thuế quý II của FMC giảm nhẹ gần 5% so với cùng kỳ, còn 72,4 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.901 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023, phần lớn đến từ hoạt động kinh doanh tôm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đi ngang, đạt 114 tỷ đồng.
CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã ck: ACL) có doanh thu tăng 150%, đạt 562 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay; lãi vay giảm một nửa, gần 8 tỷ đồng. Điểm trừ duy nhất là chi phí vận chuyển và phí khác tăng thêm 12 tỷ đồng trong quý II và gấp 4 lần cùng kỳ; làm lãi giảm 26%, còn 3,2 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Thủy sản Mekong (mã ck: AAM) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý II với doanh thu đạt 34 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước đó. Giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu, ở mức gần 34,2 tỷ đồng nên công ty bị lỗ gộp 155 triệu đồng.
Trong quý II/2024, AAM bị lỗ sau thuế hơn 1,6 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 864 triệu đồng. Đây là quý lỗ thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra này dù bối cảnh ngành được dự báo có sự hồi phục.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, AAM ghi nhận doanh thu giảm nhẹ 3% về dưới 69 tỷ đồng và vẫn lỗ gộp 918 triệu đồng. Lỗ sau thuế từ đầu năm là gần 3,7 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước đó lãi 2,1 tỷ đồng.
Về triển vọng cuối năm, CTCP Chứng khoán KB (mã ck: KBS) dự báo ngành Thủy sản sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2024, khi ngân hàng trung ương của các thị trường chính phát tín hiệu giảm lãi suất, tác động tích cực đến khả năng tiêu dùng.
Tuy nhiên, KBS cũng cho rằng, những áp lực từ yếu tố bên ngoài như mức thuế chống bán phá giá, căng thẳng địa chính trị làm giá cước tăng phi mã… vẫn còn đó.