Chiều lòng các 'thượng đế' hướng nội, dịch vụ im lặng nở rộ tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, có một xu hướng mới đang nổi lên trong các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Từ tiệm làm tóc, nhà hàng cho đến cửa hàng bán lẻ, ngày càng nhiều khách hàng lựa chọn dịch vụ im lặng thay vì giao tiếp khi họ tìm kiếm một không gian yên tĩnh và thoải mái trong những hoạt động thường ngày…
Từ làm tóc, đi taxi cho đến mua sắm và ăn uống nhà hàng, các dịch vụ im lặng đang ngày càng phổ biến tại Nhật Bản. Phong trào này được tạo ra nhằm phục vụ những khách hàng muốn tránh giao tiếp với người lạ một cách lịch sự.
Tại tiệm tóc Hair Works Credo ở quận Setagaya (Tokyo), khách hàng khi sử dụng dịch vụ có thể lựa chọn yêu cầu trò chuyện với nhân viên hoặc giữ im lặng. Có ba cấp độ được đưa ra: nói chuyện bình thường, ít nói và không nói. Sau khi tư vấn về kiểu tóc, trải nghiệm im lặng sẽ bắt đầu.
"Vào năm 2014, không có tiệm tóc nào ở Nhật Bản cung cấp lựa chọn độc đáo này. Ban đầu, tôi nghĩ mình sẽ phục vụ chủ yếu cho những người hướng nội và những người khó giao tiếp, nhưng theo thời gian, tôi nhận ra rằng nhiều người chỉ muốn có một ngày yên tĩnh”, chủ tiệm Takahiro Noguchi chia sẻ.
Dịch vụ "kaiwa nashi" (không trò chuyện) lần đầu tiên được Hair Works Credo giới thiệu tới khách hàng vào năm 2014 sau khi ông Noguchi vô tình đọc được một bài báo về xu hướng "chiếc ghế yên tĩnh" ở Vương quốc Anh.
Hiện tại, khoảng 60% khách hàng của ông Noguchi chọn dịch vụ im lặng ở mức độ ít nói hoặc không nói chuyện. Vậy, những khách hàng này - phần lớn ở độ tuổi 20 và 30 - làm gì trong lúc im lặng? "Họ thường sử dụng điện thoại thông minh, làm việc trên laptop, đeo tai nghe, đọc sách, nhìn vào gương hoặc đơn giản chỉ lắng nghe âm thanh cắt tóc nhẹ nhàng. Một số người cảm thấy âm thanh đó rất thư giãn”, ông Noguchi giải thích.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Học viện Hot Pepper Beauty của Recruit Group vào tháng 4/2024, 52,9% trong số 2.000 người tham gia cho biết khi đi làm tóc, họ thích ngồi im lặng hơn là trò chuyện xã giao. Nhiều người (43,5%) tiết lộ rằng lý do là bởi họ không giỏi trò chuyện và cảm thấy như bị ép buộc.
Yohei Hirai, một giáo viên âm nhạc 32 tuổi ở Tokyo, tự nhận mình là người hướng nội. Anh nói rằng bản thân sẽ thích ra ngoài nhiều hơn nếu có thể đi cắt tóc, mua sắm và thực hiện các công việc khác mà không phải trò chuyện với ai. “Đối với người hướng nội như tôi, việc phải tương tác xã hội liên tục có thể cảm thấy như một sự tra tấn. Tôi chưa trải nghiệm các dịch vụ im lặng, nhưng nghe có vẻ rất hấp dẫn. Tôi nghĩ đó là một chiến lược kinh doanh khá thông minh vì tôi biết có rất nhiều người giống tôi, thường cảm thấy mình là người lạ trong một thế giới được thiết kế dành cho người hướng ngoại”, anh Hirai bày tỏ.
Giống như nhiều nhà bán lẻ thời trang, Urban Research có trụ sở tại Osaka tin rằng việc mua sắm nên là một trải nghiệm thú vị và không căng thẳng, đó là lý do tại sao công ty cung cấp lựa chọn mua sắm yên tĩnh cho khách hàng.
Khi bước vào cửa hàng của Urban Research, bạn sẽ thấy 2 loại giỏ đựng đồ khác màu, một là trong suốt và một là màu xanh, với giỏ màu xanh có hàm ý "tôi không cần sự trợ giúp từ nhân viên". Điều này giúp khách hàng tránh phải liên tục nói lời từ chối với nhân viên khi họ đến gần. Ngày nay, cứ 10 khách hàng thì có 1 người sử dụng chiếc giỏ “không cần giúp đỡ" này và phản hồi về dịch vụ là khá tích cực.
Còn đối với những thực khách muốn thưởng thức bữa ăn trong yên tĩnh, với ít sự giao tiếp với nhân viên nhất có thể, Kura Sushi có thể là sự lựa chọn hoàn hảo. Thay vì phải gọi món qua nhân viên phục vụ hay đầu bếp sau quầy, chuỗi nhà hàng sushi hiện có hệ thống dịch vụ thông qua điện thoại di động.
Cụ thể, dịch vụ Smart Kura Sushi hoạt động như sau: Khách hàng tải ứng dụng để đặt bàn. Khi đến nơi, họ sử dụng máy tự check-in, tự chọn chỗ ngồi và hoàn thành các thao tác như đặt món, tính số đĩa và thanh toán qua điện thoại.
Ban đầu, ý tưởng được áp dụng nhằm tiết kiệm nhân lực và hạn chế tiếp xúc xã hội trong thời kỳ đại dịch, nhưng sau đó có rất nhiều khách hàng đã hết lời khen ngợi sáng kiến này trên mạng xã hội. "Các thiết bị cũng có thể hiển thị nội dung bằng tiếng Anh, giúp loại bỏ các rào cản giao tiếp với khách nước ngoài”, đại diện của Kura Sushi Akihiro Tsuji cho biết.