Đức vẫn cần tiếp tục giảm lượng khí thải carbon

Các quốc gia trên khắp thế giới đang nỗ lực giảm lượng khí thải CO2 khiến Trái đất nóng lên. Đức chỉ phát thải chưa đến 2% lượng khí CO2 toàn cầu, nhưng như vậy cũng vẫn còn quá nhiều. Tại sao?

Khói thải bốc lên từ một nhà máy ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Khói thải bốc lên từ một nhà máy ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo DW (Đức),một nghiên cứu mới chỉ ra rằng sản lượng điện năm 2024 của Đức được coi là “sạch nhất từ trước đến nay“, với tỷ trọng năng lượng tái tạo lên tới 62,7%. Sự thay đổi này, nhờ gia tăng năng lượng xanh và giảm nhiệt điện than, là một phần của xu hướng dài hơi giúp “bà đầm già châu Âu” giảm một nửa lượng khí thải từ sản xuất điện kể từ năm 2014.

Theo ông Andreas Löschel, một nhà kinh tế học môi trường tại Đại học Ruhr Bochum, nhiều lĩnh vực đã cắt giảm được khí thải mặc dù có quan điểm chính trị khác nhau về sản xuất điện sạch hơn.

Ông Löschel, người đồng thời là Chủ tịch Ủy ban chuyên gia về giám sát quá trình chuyển đổi năng lượng của chính phủ, nói: "Chưa bao giờ có ai mảy may nghi ngờ về chủ đề chung của quá trình chuyển đổi năng lượng. Điều đó được tất cả các đảng đồng thuận trong hơn ba thập kỷ qua, tôi nghĩ đây là điểm khá độc đáo và phản ánh sự cống hiến chung của người dân Đức".

Tuy nhiên, khi Đức chuẩn bị cho cuộc bầu cử bất thường vào tháng Hai tới, điều này có chút thay đổi. Đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò, Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cho biết họ sẽ chấm dứt các nỗ lực phi carbon hóa và các kế hoạch hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Mặc dù vậy, do các đảng lớn của Đức hiện đang từ chối xem xét việc thành lập chính phủ liên minh với đảng AfD nên khả năng đảng này lên nắm quyền là rất thấp.

Mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính của Đức đã bị đình trệ phần nào trong năm 2024. Mặc dù đã giảm 3% xuống mức thấp kỷ lục, nhưng mức giảm này chậm hơn đáng kể so với mức giảm 10% của năm 2023.

Toán học thuần túy về lượng khí thải carbon

Năm 2022, Đức phát thải khoảng 1,75% lượng khí thải CO2 toàn cầu. Để so sánh, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới - Trung Quốc - chiếm tới gần một phần ba lượng CO2 thải ra khí quyển trong cùng năm. Khoảng một phần ba khí thải CO2 nữa là của các quốc gia phát thải hơn 2%, như Mỹ, nước chiếm khoảng 13%.

"Một phần ba còn lại hoàn toàn là của các quốc gia có lượng khí thải dưới 2% trên thế giới", bà Hannah Ritchie, Phó Tổng biên tập và nhà nghiên cứu chính tại nền tảng khoa học Our World in Data (Thế giới bằng dữ liệu) trực thuộc Đại học Oxford cho biết. Bà nói: "Tất cả các quốc gia phát thải nhỏ cộng lại sẽ nhiều hơn lượng khí thải của Trung Quốc".

Bà cho biết đó là một trong những lý do tại sao ngay cả các quốc gia công nghiệp phát thải tương đối thấp như Đức cũng cần phải tiếp tục nỗ lực khử cacbon: "Chỉ cần tính toán đơn giản cũng cho thấy, mục tiêu chung sẽ không đạt được nếu chúng ta không hành động".

Và mặc dù Đức đã đạt được nhiều tiến bộ, nước này vẫn nằm trong số 10 quốc gia phát thải lớn nhất trên toàn cầu. Là nơi sinh sống của hơn 1% dân số thế giới, cư dân Đức thải ra trung bình khoảng 7,1 tấn CO2 mỗi người vào năm 2023, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 4,7 tấn.

Góc nhìn đạo đức về trách nhiệm

Các nhà phân tích lập luận rằng là một trong những quốc gia đầu tiên công nghiệp hóa, Đức có nghĩa vụ phải dọn dẹp sạch sẽ những gì mình đã gây ra. Vào thời kỳ đỉnh cao cuối những năm 1800, quốc gia này phát thải khoảng 17% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Chuyên gia Ritchie chia sẻ: "Lượng khí thải trong lịch sử của Đức lớn hơn nhiều so với lượng khí thải hiện nay. Điều đó đã mang lại cho người dân Đức mức sống cao hơn nhiều".

Và vì CO2 có thể tồn tại trong khí quyển trong khoảng từ 300 đến 1.000 năm, nên lượng khí thải từ quá trình công nghiệp hóa của các quốc gia như Đức, Anh và Pháp vẫn đang làm nóng hành tinh ngày nay, ảnh hưởng đến cuộc sống ở cả những vùng xa xôi.

Năng lượng cho tương lai

Vào đầu những năm 2000, Đức đã sử dụng sự giàu có của mình để tiên phong trong công nghệ mới khi đó nhằm giảm lượng khí thải, sử dụng trợ cấp của chính phủ để khuyến khích sử dụng năng lượng Mặt trời.

"Nếu không có chính sách của Đức về năng lượng tái tạo, chúng ta sẽ không thấy công nghệ năng lượng Mặt trời được sử dụng trên toàn thế giới và trở thành một yếu tố thành công lớn, một yếu tố phát triển, đối với nhiều quốc gia trên thế giới", ông Löschel nói với DW.

Ông cũng cho biết thêm rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu nên tiếp tục tập trung vào cắt giảm khí thải để thúc đẩy đổi mới công nghệ sạch ở những nơi khác. Ông nói: "Chúng ta phải chứng minh rằng có thể có một quốc gia công nghiệp hóa đối phó được với các thách thức về khí hậu và phát triển công nghệ, phát triển các giải pháp hệ thống chứng minh được rằng đây không phải là lý do khiến nền kinh tế suy thoái, mất khả năng cạnh tranh".

Theo quy định hiện hành, Đức có nghĩa vụ phải giảm 65% lượng khí thải so với mức năm 1990 vào năm 2030. Ông David Ryfisch, đồng Giám đốc bộ phận tài chính khí hậu quốc tế tại tổ chức phi chính phủ về môi trường và quyền con người Germanwatch, lên tiếng, ngoài việc giúp Đức đạt được các mục tiêu về khí hậu, cách tiếp cận hướng tới tương lai cũng sẽ phục vụ cho các lợi ích quốc gia khác.

Ông nói: "Chúng tôi thấy rằng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng Mặt trời, pin, máy điện phân v.v…, tất cả đều đi theo cùng một con đường công nghệ đã thành công trong lịch sử. Vì vậy rất có thể những công nghệ này sẽ thành công. Đức có lợi khi đầu tư vào các công nghệ này và trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực để có được lợi thế cạnh tranh".

Thu Hằng (P/v TTXVN tại Berlin)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/duc-van-can-tiep-tuc-giam-luong-khi-thai-carbon/359939.html
Zalo