Cuộc thi hội họa về Di sản văn hóa Việt Nam trở lại với giải thưởng lớn
Ngày 16.5, tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Ban Tổ chức (BTC) công bố Cuộc thi vẽ tranh 'Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ II - năm 2025'. Thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 30.9.2025. Đáng chú ý, cuộc thi năm nay mở rộng cơ cấu giải thưởng.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, phát biểu tại buổi công bố
Cuộc thi “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ II - năm 2025” do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam và Công ty CP Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu phối hợp tổ chức, hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thông qua ngôn ngữ hội họa.
Theo đại diện BTC, cuộc thi dành cho tất cả những người yêu hội họa, đặc biệt khuyến khích sự tham gia của các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành mỹ thuật và văn hóa - nghệ thuật trên toàn quốc, cũng như du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là sân chơi nghệ thuật ý nghĩa để thế hệ trẻ tìm hiểu, thể hiện tình yêu và sáng tạo với các giá trị di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời lan tỏa phong trào gìn giữ và tôn vinh di sản trong cộng đồng.

Đại diện BTC công bố Thể lệ cuộc thi
Cuộc thi không giới hạn số lượng tác phẩm gửi tham dự. Chủ đề tranh tập trung thể hiện các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và danh lam thắng cảnh trên khắp các vùng miền của Việt Nam, với phong cách thể hiện tự do.
Tác phẩm có thể sử dụng nhiều chất liệu hội họa như: sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu, màu nước, bút sắt, acrylic… cùng các thể loại và kỹ thuật như: tranh đồ họa, khắc gỗ, khắc cao su, khắc kim loại, in độc bản,…
Ban Giám khảo sẽ chấm sơ khảo qua ảnh chụp tác phẩm gửi về email. Những tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo sẽ được thông báo gửi bản gốc qua đường bưu điện về Văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội).
Tác phẩm gửi dự thi cần đóng khung theo đúng quy cách (trừ một số trường hợp đặc thù) và ghi rõ thông tin: tên tranh, thời gian vẽ, ý tưởng tác phẩm; họ tên, ngày sinh, địa chỉ, CCCD, số điện thoại, email tác giả.
Ngoài bưu phẩm cần ghi rõ: “Tranh dự thi Di sản Văn hóa Việt Nam qua hội họa lần thứ II - năm 2025”.

Ông Tô Văn Động – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trưởng BTC chia sẻ một số điểm mới tại cuộc thi năm nay
Cơ cấu giải thưởng với tổng trị giá 975 triệu đồng bao gồm: 1 giải Xuất sắc: 100 triệu đồng; 1 giải Nhất: 75 triệu đồng; 2 giải Nhì: mỗi giải 50 triệu đồng; 3 giải Ba: mỗi giải 40 triệu đồng; 20 giải Khuyến khích: mỗi giải 10 triệu đồng.
So với cuộc thi lần 1 - năm 2023, BTC bổ sung 3 giải Trẻ: mỗi giải 30 triệu đồng. Giải thưởng này dành riêng cho học sinh, sinh viên (độ tuổi từ 6-22 tuổi).
Ngoài ra, 70 tác phẩm vào Chung khảo sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/tác phẩm để chi trả chi phí sáng tác, kèm giấy chứng nhận từ BTC.
BTC lưu ý, trường hợp không chọn được giải thưởng Xuất sắc thì giá trị của giải thưởng này sẽ được bảo lưu và cộng dồn vào giải thưởng Xuất sắc cuộc thi năm tiếp theo.
Cuộc thi kéo dài từ tháng 9.2024 đến hết ngày 30.9.2025. Giai đoạn sau đó là chấm giải, tổng kết, triển lãm và trao giải – dự kiến tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11.2025).
Phát biểu tại buổi phát động, PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh: “Chúng ta cần xem cuộc thi không chỉ là hoạt động mỹ thuật đơn thuần, mà là một cuộc thi chuyên ngành, gắn liền với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Cuộc thi sẽ khơi gợi những ý tưởng mới, cách thể hiện mới trong hội họa”.
Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cũng đề xuất BTC nên bổ sung thành viên trẻ vào Ban Giám khảo để tạo sự gần gũi hơn với tâm lý thí sinh, đặc biệt là sinh viên.
Ông Tô Văn Động – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Trưởng BTC cuộc thi, cho biết: Cuộc thi là hoạt động cụ thể, thiết thực góp phần lan tỏa phong trào yêu di sản văn hóa, khơi dậy sự quan tâm trong các thế hệ họa sĩ, đặc biệt là họa sĩ trẻ.

Các đại biểu tham quan các tác phẩm tranh, tượng tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM sáng 16.5
“Điểm mới của năm nay là BTC cũng dành thêm các giải thưởng riêng cho sinh viên nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực từ giới trẻ. Bên cạnh đó, BTC sẽ tiếp thu các góp ý từ chuyên gia, họa sĩ, sinh viên để điều chỉnh, bổ sung thành phần Ban giám khảo cho phù hợp”, Trưởng BTC chia sẻ.
Theo ông Tô Văn Động, sau cuộc thi, các tác phẩm và các tác giả, sẽ được Hội Di sản Văn hóa Việt Nam hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá với nhiều hình thức đa dạng, nhằm…
Năm nay, sau khi đã chấm tranh, các tác phẩm đạt giải sẽ được lựa chọn để triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số địa chỉ văn hóa khác.