Cuộc sống ở thành phố cao nhất thế giới
Lịch sử của nền văn minh La Paz có từ hàng nghìn năm trước và khu vực này ban đầu có người Aymara sinh sống.

La Paz - thành phố thủ đô cao nhất thế giới.
Được bao quanh bởi những ngọn núi cao chót vót và thung lũng dốc, thành phố La Paz (Bolivia) nằm ở độ cao 3.657 mét so với mực nước biển tự hào có lịch sử phong phú kéo dài hàng nghìn năm. Theo thời gian, La Paz đã trở thành một trung tâm văn hóa và kinh tế thịnh vượng, kết hợp độc đáo giữa truyền thống và sự phát triển hiện đại.
Lịch sử lâu đời
Lịch sử của nền văn minh La Paz có từ hàng nghìn năm trước và khu vực này ban đầu có người Aymara sinh sống. Vào năm 400, Đế chế Tiahuanaco - nổi tiếng với đồ gốm, các công trình tôn giáo và nền nông nghiệp tiên tiến, cũng nổi lên gần đó. Đế chế thịnh vượng cho đến khoảng năm 1000 và khi người Inca trỗi dậy vào thế kỷ 15, khu vực này đã bắt đầu xây dựng các tuyến đường bộ và khai thác mỏ vàng.
Sau khi người Tây Ban Nha đến vào thế kỷ 16, đế chế Inca nhanh chóng sụp đổ. Vào ngày 20/10/1548, nhà chinh phục người Tây Ban Nha, Alonso de Mendoza, đã thành lập thành phố La Paz tại một khu định cư trước đây của người Inca và gọi nơi này là “Nuestra Senõra de La Paz” hay “Đức mẹ Hòa Bình”.
Năm 1555, vua Charles I đã ban cho La Paz huy hiệu riêng của mình, biến nơi này thành một thành phố chính thức của Tây Ban Nha ở Tân thế giới. Quyền kiểm soát của Tây Ban Nha đối với thành phố và phần còn lại của Bolivia vẫn ổn định cho đến thế kỷ 19, khi Pedro Domingo Murillo, một lãnh đạo kháng chiến người
Creole, tiến hành cuộc nổi dậy. Nhưng chiến dịch không thành công và ông bị treo cổ vào năm 1810. 15 năm sau, Bolivia giành được độc lập từ Tây Ban Nha và tên của thành phố được đổi thành “La Paz de Ayacucho”.
La Paz đã phát triển mạnh mẽ hơn các thành phố quan trọng khác của Bolivia như Potosi và Sucre, cả hai đều là những trung tâm kinh tế. Năm 1898, La Paz trở thành trụ sở của chính phủ Bolivia sau các cuộc xung đột vũ trang giữa các phe phái. Ngày nay, đây là thủ đô hành chính của Bolivia, trong khi Sucre là thủ đô theo hiến pháp.

Một lễ hội ở La Paz.
Cuộc sống sôi động
La Paz hiện là nơi sinh sống của gần hai triệu người, đông dân thứ ba của Bolivia và tiếp tục phát triển về quy mô, khi ngày càng có nhiều người từ nông thôn tìm đến lập nghiệp. Trong khi Bolivia là một trong những quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ, La Paz lại có sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhờ sự gia tăng các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thành phố cao nhất thế giới này lại có sự phân tầng xã hội rõ rệt, những người giàu có sống trong các tòa nhà cao tầng ở trung tâm, tầng lớp trung lưu sống ở các khu phố xung quanh và những người nghèo sống trên các sườn núi của thành phố.
Du khách đến La Paz sẽ thấy những chủ doanh nghiệp đang điều hành cửa hàng của họ dọc theo những con phố đông đúc. Thành phố này nổi tiếng với các khu chợ - đặc biệt là Chợ Phù thủy do các thầy phù thủy địa phương điều hành - ngành công nghiệp dệt may và cuộc sống về đêm sôi động, cũng như hệ thống cáp treo, là tuyến cáp treo đô thị dài nhất thế giới.
Khách du lịch thường đổ xô đến phố Jaén, một con hẻm ở La Paz hầu như không thay đổi kể từ thời thuộc địa, mang đến cho du khách cơ hội đi dạo ngược thời gian. Các khu vực khác như Sopocachi và Chullauma nổi bật với những tòa nhà đầy màu sắc rực rỡ cũng được ghé thăm.
Độ cao của La Paz khiến nơi này không giống bất kỳ trung tâm đô thị nào khác trên Trái đất. Thành phố nằm bên trong một vùng trũng địa chất, ẩn mình giữa dãy núi Cordillera Real và Altiplano của Bolivia. Vì nằm ở rìa thung lũng nên nó có khí hậu rất ôn hòa, trái ngược hoàn toàn với điều kiện thời tiết thất thường ở xa hơn về phía Bắc.
Trong khoảng 4 tháng đầu năm, thành phố trải qua mùa mưa, lượng mưa trung bình là 560 mm một năm. Do nằm ở Nam bán cầu, mùa đông của Bolivia rơi vào nửa cuối năm, với thời tiết lạnh nhất vào tháng 6 và 7.
Mặc dù khí hậu ôn hòa so với các khu vực lân cận khác, La Paz vẫn phải trải qua một số điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt dễ bị ngập lụt sau những trận mưa lớn gây ra lở đất và nước tràn vào các khu dân cư. Ngoài mùa mưa, La Paz có nhiều nắng, nhận được trung bình tám giờ nắng mỗi ngày vào mùa đông, không tệ đối với một thành phố trên mây.
Về việc sống ở thành phố cao nhất thế giới ảnh hưởng đến cư dân thành phố như thế nào, có rất ít nghiên cứu về cách độ cao của La Paz tác động đến con người trong dài hạn.
Nhiều cư dân thành phố đã thích nghi với độ cao do tiếp xúc qua nhiều thế hệ, nhưng khách du lịch có thể phải vật lộn với chứng say độ cao, một căn bệnh tạm thời phát triển do cơ thể không thể nhanh chóng điều chỉnh để thích nghi với mức oxy thấp hơn. Nhưng đối với người dân địa phương cũng như khách du lịch, việc đi dạo trên những con phố của thành phố cao nhất thế giới cũng đáng để chấp nhận bất kỳ rủi ro nào.
Để phục vụ nhu cầu đi lại, các nhà quy hoạch đô thị cho xây dựng một hệ thống cáp treo 234 triệu USD từ 2014 để người dân đi quãng đường 500m từ El Alto đến trung tâm La Paz, với độ cao chênh lệch 700m. Mang tên Mi Teleferico, đây là hệ thống cáp treo đô thị dài nhất thế giới, giúp giảm chi phí xe cộ và xăng dầu cho người dân.
Theo Allthatsinteresting