Cuộc hội ngộ tình yêu Huế qua hội họa
HNN - Đó là cuộc 'hội ngộ' vào những ngày cuối tháng Tư, kéo dài xuyên suốt qua tháng Năm thông qua hội họa và được đặt cái tên rất ngắn gọn nhưng đầy đủ: 'Yêu Huế'.

Một góc không gian “Yêu Huế”
Trong không gian của tầng 4 Sốngcentre Huế (đường Bà Triệu, quận Thuận Hóa), 15 họa sĩ đã có cuộc hội ngộ đầy cảm xúc khi đưa những tác phẩm vẽ về đề tài Huế để giới thiệu đến công chúng. Họ - dù bước vào tuổi thất thập cổ lai hy hay còn khá trẻ và có người sinh ra ở Huế hay người đến Huế rồi nặng lòng chọn làm quê hương thứ hai, nhưng điểm chung là dành tình yêu Huế vô bờ bến. Và không khó để thấy được tình yêu của họ thông qua 50 tác phẩm được bài trí một cách trang trọng, cuốn hút những ai đặt chân vào không gian triển lãm.
Bằng nhiều chất liệu, góc nhìn và bút pháp khác nhau, nhưng ngôn ngữ chung của mỗi tác phẩm đều xoay quanh chuyện Huế. Đó là rêu phong cổ kính của những danh thắng di sản, những giá trị văn hóa lịch sử, tà áo dài mộng mơ, những điệu múa hoa đăng, hay những khoảnh khắc đời thường rất đỗi yên bình của Huế.
Xem tranh, có thể thấy rõ Huế không chỉ là một vùng đất, mà còn là một cảm xúc, một hoài niệm, một bản hòa ca của lịch sử và văn hóa, được chạm khắc qua từng nét cọ, từng gam màu của những người nghệ sĩ. Dù ở không gian hay chiều kích nào, Huế vẫn luôn ẩn hiện và có sức hút kỳ lạ không chỉ ở đời thực mà ngay ở trong tác phẩm của triển lãm lần này.
Những người yêu nghệ thuật luôn tin rằng, các tác phẩm về Huế không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ, mà còn là những chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giấc mơ và hiện thực. Qua từng giai đoạn lịch sử, Huế đã chứng kiến biết bao biến chuyển của thời cuộc và các bức tranh về Huế chính là một cách để lưu giữ những câu chuyện ấy, để những vẻ đẹp tinh tế, sâu lắng của Huế không bao giờ bị lãng quên.
Họa sĩ Phan Thanh Bình trong cuộc hội ngộ lần này chia sẻ, đối với ông, Huế là những gì lắng đọng, âm thầm bên trong. Ông không chỉ vẽ về Huế với mái nghiêng thành cổ hay phố ngoại ô mà còn vẽ về nhiều miền quê khác, những ký ức Champa, ngọn lửa đêm ở đại ngàn A Lưới, cô gái Huế giữa sương sớm Măng Đen, Kon Tum… Trong đó, là những cảm nhận và sự xao động mang âm sắc từ Huế, của Huế và vì vậy Huế vẫn luôn ẩn hiện gần như trong tất cả các sáng tác của ông.
“Tôi cảm nhận Huế bằng sự khám phá, tìm thấy bóng thời gian của Huế trong sự bình lặng và nhiều khi bất chợt nhận ra có một Huế khác, Huế của nội tâm, Huế của nỗi hoài nhớ da diết và một Huế luôn ẩn giấu những điều bí ẩn kỳ thú”, họa sĩ Phan Thanh Bình trải lòng.
Cũng tâm niệm như thế, nhưng với họa sĩ Đặng Mậu Tựu chất Huế không thể định nghĩa và định nghĩa thế nào cũng không trọn nghĩa. Mỗi người có những cái để nhớ, ăn sâu vào căn cốt, cả cái đáng yêu và cả cái dễ ghét, từ bầu trời, dòng sông, bờ cỏ, tiếng nói, dáng đi của các nàng, cả những cơn mưa, những bức tường rêu phong mướt mát, những ly cà phê nhỏ giọt…
Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng gần như phần đời của mình ông Đặng Mậu Tựu đã sống ở Huế và xem mảnh đất này là quê hương của mình. Vì thế, hầu hết những sáng tác của người họa sĩ gốc Bình Định này đều “nhuốm màu” Huế và được ông đúc kết một cách ngắn gọn: “Nếu có ai hỏi cái gì làm anh nhớ đến Huế, tôi sẽ nói: Dáng Huế, thế thôi!”.
Ở triển lãm “Yêu Huế”, họa sĩ Đặng Mậu Tựu cũng chia sẻ với người xem rằng 15 họa sĩ góp mặt đều có chung một ngôn ngữ đó chính là “tình yêu Huế”, còn yêu như thế nào họ đã thể hiện trên từng tác phẩm và người xem có thể cảm nhận theo cách riêng.
Là 1 trong 2 nữ họa sĩ góp mặt trong triển lãm này, họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hòa cũng gửi gắm tác phẩm và như là thông điệp của phái nữ về Huế khi xoay quanh đề tài áo dài. Áo dài theo chị chính là nét Huế. “Qua các tác phẩm trong triển lãm này, tôi thể hiện các những góc nhìn về áo dài và người phụ nữ. Khi ngắm nhìn những cô gái trong trang phục áo dài, cảm xúc thật hoài niệm. Đó cũng là điều ấp ủ yêu thích trong tôi khi sáng tạo và gửi đến thông điệp: “Nơi đâu thấy áo dài thì ở đó là Huế”, họa sĩ Hải Hòa trải lòng.
Chậm rãi giữa 50 tác phẩm có chung tên gọi “Yêu Huế”, mọi người như có một cuộc du hành quanh Huế qua hội họa. Nơi đó biết bao câu chuyện đang được kể bằng nét cọ với nỗi niềm, chất chứa cảm xúc, sự rung động của không chính người nghệ sĩ mà như một trải nghiệm của chính người xem.