Cuộc hạnh ngộ sau nửa thế kỷ
Côn Đảo ngày nay đã khác xưa rất nhiều, nhưng dấu tích của quá khứ vẫn còn đó, nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt. Với những người từng trải qua năm tháng lao tù khắc nghiệt tại Côn Đảo, hòn đảo này đã trở thành một phần máu thịt, gắn liền với ký ức không thể nào quên.
Phá gông cùm, đứng lên giải phóng
Tháng 4 về, cái nắng bỏng rát của biển trời Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) không làm nao núng tinh thần của những cựu tù đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”. Dẫu chân đã yếu, lưng đã còng, mắt đã kém nhưng họ vẫn dìu nhau trở về chốn cũ, nơi giam cầm và tra tấn khét tiếng của chế độ Mỹ - ngụy đối với những người Cộng sản kiên trung, bất khuất. 50 năm đã qua, ký ức bi hùng của cuộc đấu tranh trong xà lim chuồng cọp cho đến thời khắc giải phóng hòn đảo vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm của những cựu tù Côn Đảo.

Các cựu tù Côn Đảo gặp lại nhau sau 50 năm Ngày giải phóng Côn Đảo.
Được mệnh danh là người tù “già” nhất Côn Đảo, ông Phạm Hồng (91 tuổi, quê Quảng Ngãi) có hơn 18 năm ngồi trong xà lim chuồng cọp. Đây là lần thứ 3 ông trở lại thăm nhà tù đã giam cầm mình, lòng ông vẫn không thôi xúc động: “Hai cánh cửa sắt kia, song đan chéo tạo thành ô hình thoi đều tăm tắp. Bên trên đổ bê tông, áp trần rất thấp, đòn tra tấn tù nhân được Mỹ - ngụy sử dụng là sự khắc nghiệt của thời tiết Côn Đảo. Khu vực này là động cát gần hốc núi, ban ngày nóng bức, nền nhiệt bỏng rát, nhưng ban đêm nhiệt độ lại giảm đột ngột, cộng thêm gió từ hốc núi vòng lại tạo thành một vùng gió độc khiến người khỏe mạnh còn không chịu đựng được, huống hồ người tù thân thể đã suy kiệt do bị đòn roi, nhục hình, đói khát từ các trại khác chuyển về”, cựu tù Phạm Hồng hồi tưởng lại cảnh sống trong chuồng cọp ở Trại Phú An năm xưa.
Những ngày tháng 4/1975, tình hình ở Côn Đảo có nhiều hiện tượng khác thường. Để làm xáo trộn tổ chức của anh em tù chính trị, cứ vài ngày cai ngục khám xét và bắt chuyển phòng, chuyển khu, chuyển trại. Chúng cắt đứt hết mọi tin tức từ bên ngoài vào, lùng sục việc cất giấu máy thu thanh đến giấy báo cũ gói đồ, ngăn chặn nghiêm ngặt không cho tù chính trị tiếp xúc với nhau.
Trong 2 ngày, 24 và 25/4/1975, tất cả tù chính trị đều bị tập trung về 3 khu để cai ngục dễ bề đàn áp. Trong khi đó, 3 cuộc họp kéo dài giữa phủ đặc ủy Trung ương tình báo và chỉ huy các đơn vị cảnh sát dã chiến, địa phương quân, lính phòng thủ… để nghe Trung tá Lâm Hữu Phương, tỉnh trưởng Côn Sơn cắt đặt công việc. Ngày 28/4, trên bầu trời Côn Đảo, tiếng máy bay gầm thét liên tục. Đến 17h chiều hôm đó, trong xà lim ở Trại 7 nhận được tin nhắn: Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sụp đổ.

Đoàn cựu tù thắp hương, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Keo, Côn Đảo.
Vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 29/4, nhóm cố vấn Mỹ đóng ở Côn Đảo rút theo chạy hướng biển để thoát thân. Đêm 29/4, Tỉnh trưởng Lâm Hữu Phương, Thiếu tá Trần Văn Tức, Trưởng ty cảnh sát lái xe chở vợ con qua khu Bến Đầm, xuống ca nô trốn ra tàu di tản, bỏ lại 1.500 sĩ quan cấp dưới, lính, cai tù đang nhớn nhác, lo sợ. Lực lượng bảo an lúc này chỉ còn một trung đội đã xin được theo anh em tù chính trị.
“Bọn quyền thế còn lại cùng đám cai ngục ác ôn đã ngồi lại với nhau tìm cách đối phó. Chúng quyết định khóa chặt các phòng giam, bố trí canh gác nghiêm ngặt, tổ chức di tản quân lính ra tàu ngoài khơi bằng mọi phương tiện”, ông Sầm Thanh Liêm, Bí thư Đoàn thanh niên Nguyễn Văn Trỗi, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị Trại 6B nhớ lại.
Sáng ngày 30/4, các trại tù vẫn bị canh gác chặt chẽ. Trên nét mặt của gác ngục, trật tự, an ninh hiện rõ sự căng thẳng. Trại 6B là nơi chúa ngục giam giữ trên 500 tù chính trị nữ, có chị đã giấu được chiếc đài radio từ đất liền mang ra nên biết tin Sài Gòn giải phóng trưa ngày 30/4, chị em trong trại đồng thanh reo hò, hô khẩu hiệu đòi giám thị phải mở khóa.

Trung tướng Châu Văn Mẫn thăm lại bạn tù Nguyễn Xuân Viên tại di tích Trại 6B.
Ngay trong đêm 30/4, Ban An ninh của trại 6B được phát triển thêm một bước về tổ chức, quy mô hơn. Đồng chí Phan Văn Minh giữ chức Trưởng ban, đồng chí Bùi Hóa làm Chánh văn phòng. 1 giờ sáng ngày 1/5, cửa các xà lim đều bật tung, tất cả tù chính trị như chim sổ lồng, ôm chặt lấy nhau chứa chan lệ trào. “Đó là khoảnh khắc tôi như được sinh ra lần thứ hai khi hơn 18 năm phải sống trong ngục tù đầy thống khổ, bị giam cầm hết xà lim này đến chuồng cọp khác. Ánh nắng đầu tiên của ngày tự do tràn vào các cửa trại, chúng tôi ôm nhau vui sướng không nói thành lời”, cựu tù Phạm Hồng rưng rưng nhớ lại ngày thoát khỏi xà lim chuồng cọp.
Sáng ngày 1/5, lực lượng tù chính trị làm chủ Côn Đảo. Lực lượng An ninh Trại 6B đã nhanh chóng tiếp quản Ty cảnh sát quốc gia tỉnh Côn Sơn, cùng các lực lượng khác tiếp quản cơ sở vật chất, đài ra đa vô tuyến điện, kho tàng tài liệu của địch. Lực lượng vũ trang đã phát triển thành một đại đội, toàn thể tù chính trị được quân sự hóa, cầm vũ khí đứng lên bảo vệ Côn Đảo.
Chiều ngày 2/5, đài vô tuyến điện Côn Đảo phát sóng, chuyển bức điện của chính quyền Côn Đảo về đất liền với nội dung: “Ủy ban hòa giải hòa hợp dân tộc ở Côn Sơn đã thành lập lúc 7 giờ sáng ngày 1/5/1975. Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng thành phố Sài Gòn đã được giải phóng. Sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.
Sáng ngày 4/5/1975, tàu hải quân chở bộ đội ra tiếp quản Côn Đảo, tàu mang theo 500 ảnh Bác Hồ được các tù nhân giải phóng rước về các phòng, các trại. Anh em tù chính trị ở các trại truyền tin nhau kéo về trụ sở ủy ban hô vang trời, mừng vui không sao kể xiết.
Côn Đảo giải phóng, đoàn cựu tù Côn Đảo đầu tiên gồm những người tử tù và người bệnh nặng được đưa xuống tàu về đất liền. Là một trong những cựu tù được về đất liền trên chuyến tàu sớm nhất, ông Mai Hồng (87 tuổi, quê Bình Định) nhớ lại: “Bước lên tàu, thật như mơ, tôi không ngờ trải qua bao nhiêu lần chết đi sống lại, từ Côn Đảo, địa ngục trần gian, chúng tôi được tự do thật rồi. Tôi không ngờ mình còn được sống, được trở về trong đoàn quân chiến thắng, cùng toàn dân hát khúc khải hoàn Đại thắng mùa Xuân 1975. Thật là kỳ diệu và vô cùng hạnh phúc khi ngày hôm nay tôi còn được sống, được đứng tại nơi đây”.
Những người ở lại
Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam cũng là ngày chấm dứt chế độ lao tù khắc nghiệt nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Dẫu xa cách quê hương, gia đình đã lâu và trải qua 5 năm bị giam cầm dưới chế độ lao tù khắc nghiệt, nhưng đáp lời kêu gọi của Đảng, Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng LLVT Nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND (Bộ Công an) là một trong 156 tù chính trị tình nguyện ở lại Côn Đảo phục vụ nhiệm vụ cách mạng. Đây chính là lực lượng nòng cốt để xây dựng chính quyền Côn Đảo trong những ngày đầu giải phóng.
Tại Côn Đảo, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau như, cán bộ Ty An ninh, Phó trưởng Công an Côn Đảo, Phó Phòng Bảo vệ chính trị, Công an Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Nhớ lại những ngày làm nhiệm vụ tiếp quản Côn Đảo, Trung tướng Châu Văn Mẫn cho biết: “Côn Đảo lúc đó còn khoảng 2.500 dân ở, chủ yếu là vợ con của binh lính, giám thị, công chức chế độ cũ, tù thường phạm của chế độ cũ thụ án tù chung thân hoặc tử hình. Việc đầu tiên sau giải phóng là gom thường phạm vào quản lý trong các trại, phân loại, chia thành nhiều nhóm. Những người tội nhẹ thì tiếp tục lao động cải tạo, tội nặng thì cho học tập chính trị, lao động cải tạo. Đồng thời, phải bảo đảm an ninh trật tự trên toàn đảo để ổn định tình hình, bảo vệ nhà tù khỏi bị đập phá...”.
Nặng lòng với Côn Đảo, cựu tù Nguyễn Xuân Viên (sinh năm 1944) đã quay trở lại đảo chỉ 3 năm sau khi về đất liền. Câu chuyện của ông Viên vẫn được các cựu tù nhắc đến, như một biểu tượng về tình yêu với hòn đảo lịch sử này.
Ông Nguyễn Xuân Viên thời tuổi trẻ là du kích địa phương tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 1968, trong những thời khắc ác liệt nhất của cuộc chiến, ông bị địch bắt, giam giữ ở nhiều nơi như: Lao xá Hội An, khám Chí Hòa, Tân Hiệp. Năm 1970, ông bị đày ra Côn Đảo. Chuyến đi lần đó, ông xác định là sẽ không có ngày trở về, nhưng may mắn giải phóng miền Nam, ông vẫn còn sống sót. “Tôi ở cả "chuồng cọp Mỹ", "chuồng cọp Pháp". Tôi ở phòng cuối cùng. Ngày giải phóng, ở vòng ngoài người ta hoan hô nhiều lắm, hoan hô Chính phủ cách mạng lâm thời, hoan hô miền Nam giải phóng. Mình ở trong cùng, nghe reo hò thế, chứ cũng không biết rõ điều gì đang xảy ra. Cho đến ngày 1/5, các cánh cửa buồng giam được phá ra, lúc đó tôi mới tin giải phóng thật sự. Chúng tôi chạy lại ôm chầm lấy nhau, hạnh phúc ngỡ như một giấc mơ”, cựu tù Nguyễn Xuân Viên nhớ về ngày tự do của đời mình.

Một trong những phòng giam giữ tù nhân hơn 50 năm về trước.
Vào đất liền, được nghỉ dưỡng sức khỏe ổn định, cựu tù chính trị Nguyễn Xuân Viên về làm Công an xã tại quê hương Quảng Nam. “Làm được 3 năm, nhớ đảo, tôi lại xin chuyển ra Côn Đảo. Tôi tự nhủ rằng, mình chuyển ra đảo là để tới thăm các đồng đội của mình đã hy sinh được thường xuyên hơn, chứ nếu ở trong đất liền, xa xôi và đi lại khó khăn thì không biết có thể ra thăm được bao nhiêu lần. Chính quyền bố trí cho tôi làm công tác thông tin, văn hóa, rồi được giao làm Phó Trưởng ban Quản lý di tích huyện Côn Đảo”, ông Nguyễn Xuân Viên chia sẻ.
3 người con của ông sau khi tốt nghiệp đại học, trung cấp đều tình nguyện quay lại Côn Đảo. Đó là sự kế thừa, tiếp nối của thế hệ hôm nay với thế hệ đi trước. Ông Viên luôn dạy các con của mình phải hiểu để yêu hòn đảo hơn, góp sức xây dựng đảo cho xứng với ý nguyện của hàng nghìn cựu tù đã nằm lại vĩnh viễn nơi này.
Những ngày tháng 4 lịch sử năm nay, ông Viên tuy sức khỏe đã yếu, chân không còn đi lại bình thường được nữa, nhưng ông vẫn nhờ con cháu dìu đi thăm các trại tù, gặp gỡ những đồng đội ở đất liền ra, nắm tay nhau, ôm nhau cho thỏa nỗi mong chờ.