Cuộc gặp lại của những phóng viên chiến trường giữa Sài Gòn - TP.HCM
Cuộc gặp lại của những phóng viên chiến trường trong nước và quốc tế đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một lần nữa khẳng định giá trị của hòa bình và sự tri ân của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế đã đứng về phía Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong những lúc khó khăn.
Chiều 27/4 tại TP.HCM, 47 cựu phóng viên chiến trường quốc tế từng đưa tin về chiến tranh tại Việt Nam và phóng viên Kiều bào cùng một số phóng viên chiến trường Việt Nam tham dự buổi giao lưu do Sở Ngoại vụ tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Buổi giao lưu đã trở thành cuộc trò chuyện thân tình của những người đồng nghiệp từng hoạt động cho hai phía nhưng đều có chung tình yêu Việt Nam.
Phóng viên chiến trường và tình yêu Việt Nam
Mở đầu buổi giao lưu, ông Tom Fox, phóng viên New York Times and Time Magazine trong chiến tranh Việt Nam, kể câu chuyện của mình bằng tiếng Việt.
Năm 1966, là thanh niên Mỹ, ông không tham gia quân đội mà xin được đến Việt Nam làm tình nguyện viên, đến giúp đỡ người dân, điểm đến là Tuy Hòa.
Nhưng trong 2 năm làm việc, ông dần thấy cuộc chiến tranh mà người Mỹ từng nói là để giúp người Việt không phải là sự thật. Người dân rất khổ, không được giúp đỡ gì cả nên ông học tiếng Việt, ăn uống như người Việt và trở thành phóng viên chiến trường.

Ông Tom Fox, phóng viên New York Times and Time Magazine
"Hồi đó ở bên Mỹ người ta nói sang đây là làm điều tốt cho người Việt nhưng rồi tôi biết đó là nói láo. Sự thật không phải như vậy, đau khổ lắm. Nên 2 năm sau tôi bắt đầu học tiếng Việt, dùng nước mắm như người Việt...Từ đó đến bây giờ, tôi yêu người Việt", ông Tom Fox nói.
Có mặt tại buổi giao lưu, nhà văn, nhà báo cách mạng Đoàn Minh Tuấn, 94 tuổi, từng là phóng viên chiến trường từ năm 1961 đến ngày thống nhất đất nước. Ông Tuấn đã tham gia chống Pháp, chống Mỹ, đã có mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 và ông cũng ghi nhận tình cảm của những người bạn Mỹ yêu Việt Nam, yêu hòa bình.

Nhà báo cách mạng Đoàn Minh Tuấn, 94 tuổi
"Rất cám ơn những người bạn Mỹ đã luôn ở bên cạnh Việt Nam. Các bạn phóng viên chiến trường, dù phía bên kia hay bên này, chúng ta đều là những người bạn. Việt Nam có chính sách hòa hợp dân tộc và ngoại giao cây tre, dù gió nào thì rạp xuống rồi cũng vùng dậy, không thể đè bẹp được cây tre".
Nghĩa tình còn mãi
Bà Edith Madelen Ledever cho biết, bà được hãng tin AP giao nhiệm vụ đưa tin về chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1972- 1973. Bà đã chứng kiến, đưa tin cảnh quân đội Mỹ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973.
Năm 1993, đúng 20 năm sau, bà đã trở lại thăm Việt Nam và ấn tượng nhất với bà lúc đó là người Việt Nam không còn thù hằn gì với người Mỹ, bản thân bà cũng được chào đón nồng nhiệt.
Sau đó, bà còn nhiều lần đến Việt Nam, đến TP.HCM vào các dịp kỷ niệm 35 năm, 40 năm và bây giờ là 50 năm.
Trước kia, bà Edith quen với cái tên Sài Gòn và hiện nay là TP.HCM. Bà đã đi dọc chiều dài đất nước để cảm nhận vẻ đẹp của Việt Nam, vẻ đẹp của hòa bình.

Bà Edith Madelen Ledever, nguyên phóng viên hãng tin AP
"Tôi thấy TP.HCM và Việt Nam đang ngày càng trở nên hiện đại, tôi ấn tượng nhất với sự cởi mở của Việt Nam. Và như quý vị thấy thì càng phát triển nhưng TP.HCM lại gặp với một số vấn đề về phát triển đô thị như ùn tắc giao thông. Tôi rất vui khi hôm nay được gặp lại các phóng viên chiến trường, những người đã cùng tôi đưa tin về cuộc chiến này", bà Edith cho biết.
Đạo diễn, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Xuân Phượng, từng là phóng viên chiến trường trong chiến tranh, không dấu được sự xúc động khi trò chuyện với các cựu phóng viên chiến trường quốc tế.
Bà Xuân Phượng kể, cách đây đúng 50 năm, đoàn phóng viên chiến trường, trong đó có bà, đi từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Ngày 1/5/1975, bà và cả đoàn có mặt tại sân thượng của khách sạn Caravelle- địa điểm họp mặt, làm việc của phóng viên nước ngoài tại Sài Gòn.

Đạo diễn, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Xuân Phượng, 96 tuổi
Theo bà, phóng viên chiến trường của cả hai phía đều là những phóng viên dày dạn, có nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng hy sinh vì đặc thù nghề nghiệp.
Cuộc giao lưu lần này được tổ chức đúng tại sân thượng của khách sạn Caravelle, sau 50 năm, khiến bà Xuân Phượng không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến đến các phóng viên chiến trường đã mất, cả phóng viên Việt Nam lẫn phóng viên quốc tế.

Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí ấm áp, vui vẻ, đúng tại nơi hơn 50 năm trước các phóng viên quốc tế thường tác nghiệp
"Các anh chị ấy không còn có dịp để dự ngày vui hôm nay. Tôi nhiều lần nhận được thư của người nhà các phóng viên chiến trường đã mất, họ mong rằng có dịp đến thăm Việt Nam. Có con trai một phóng viên chiến trường Pháp đã mất, viết thơ cho tôi nói rằng, bố của anh ấy có khuyên anh “Phải một lần đến Việt Nam, thăm lại những nơi bố đã đi qua để hiểu vì sao bố lại tự nguyện đi vào con đường giúp đỡ Việt Nam trong những năm ấy”, bà Xuân Phượng nói.
Cuộc gặp lại của những phóng viên chiến trường trong nước và quốc tế đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một lần nữa khẳng định giá trị của hòa bình và sự tri ân của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế đã đứng về phía Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong những lúc khó khăn.

Các nguyên phóng viên chiến trường mượn đạo cụ của đài truyền hình để ôn lại kỷ niệm
Một cuộc gặp mặt với nhiều điều đặc biệt như tại cùng một địa điểm sau 50 năm, với những phóng viên chiến trường của hai phía và đặc biệt là ngôn ngữ được dùng để trò chuyện với nhau. Đó là, trong cuộc gặp, người Mỹ đã nói tiếng Việt và người Việt nói tiếng Mỹ, thể hiện những tình cảm đẹp đẽ trong lòng mỗi người.