Cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc với giới công nghệ mang ý nghĩa như thế nào?
Các tập đoàn công nghệ Alibaba, Huawei, Xiaomi, BYD và CATL đã tham gia cuộc họp cấp cao của Chủ tịch Tập Cận Bình. Sự hiện diện của họ cho thấy sự chú trọng của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế dựa trên công nghệ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp đại diện doanh nghiệp tư nhân tại Bắc Kinh vào ngày 17/2. Ảnh: SCMP.
Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân
Việc Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón các ông trùm công nghệ Trung Quốc trong một phiên họp công khai hiếm thấy đang làm dấy lên hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi lập trường để trao cho khu vực tư nhân quyền tự do hơn khi họ phải chiến đấu trong cuộc chiến thương mại với chính quyền Trump.
Hội nghị chuyên đề về khu vực kinh tế tư nhân được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 17/2 có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng các doanh nhân hàng đầu Trung Quốc. Đây là cuộc gặp hiếm hoi giữa các quan chức cấp cao và các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc.
Danh sách tham dự sự kiện diễn ra hôm đầu tuần bao gồm một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc như Jack Ma (đồng sáng lập Alibaba), Lei Jun (nhà sáng lập và CEO của Xiaomi), Pony Ma (nhà sáng lập và CEO của Tencent), Wang Chuanfu (nhà sáng lập và CEO của hãng sản xuất ô tô điện BYD) và Ren Zhengfei (nhà sáng lập và CEO của Huawei).
Những doanh nhân nổi bật khác cũng tham dự hội nghị gồm Zeng Yuqun (nhà sáng lập và chủ tịch của công ty sản xuất pin khổng lồ CATL), Leng Youbin (chủ tịch và CEO của nhà cung cấp sữa bột trẻ em Feihe), Wang Xingxing (nhà sáng lập công ty robot Unitree) và Yu Renrong (nhà sáng lập và chủ tịch của Will Semiconductor).
Ngoài ra, trong danh sách khách mời còn có những ngôi sao đang lên, từ công ty khởi nghiệp về robot Unitree, gã khổng lồ ô tô điện BYD Co. và công ty mới trong lĩnh vực AI DeepSeek - những công ty tung ra những đổi mới hàng đầu thế giới bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.
Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi nỗ lực thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và chất lượng cao của khu vực tư nhân trong nước.
“Khu vực tư nhân có nhiều triển vọng và tiềm năng to lớn trên chặng đường mới trong thời kỳ mới. Đây là thời điểm tốt nhất để các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân phát huy hết khả năng của mình”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói.
“Hội nghị chuyên đề gửi đi một thông điệp rõ ràng: Bắc Kinh nhận ra rằng khu vực tư nhân mạnh mẽ là điều cần thiết cho sự ổn định kinh tế và dẫn đầu về công nghệ”, Marina Zhang, Phó giáo sư tại Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), nhận định.
Trong năm 2018, chính quyền Bắc Kinh cũng thể hiện sự ủng hộ tương tự, và việc phát triển các công ty công nghệ hàng đầu quốc gia là trọng tâm trong kế hoạch phát triển nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn. Theo phân tích của Bloomberg Economics, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đi đúng hướng là các ngành công nghệ cao đã đóng góp với 15% GDP trong năm 2024 và dự kiến sẽ vượt qua lĩnh vực nhà ở vào năm 2026.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình triệu tập người đứng đầu các doanh nghiệp hàng đầu, trong đó có đồng sáng lập Alibaba Jack Ma, lần đầu tiên kể từ năm 2018. ảnh: CCTV.
Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới
Cuộc chiến thuế quan với Mỹ cũng đang làm tăng thêm tính cấp bách cho sứ mệnh tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc.
“Bắc Kinh đang tái định vị khu vực tư nhân như một trụ cột cho khả năng cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh có những trở ngại về kinh tế và địa chính trị”, Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, nhận định.
Điều này sẽ mở đường cho những hỗ trợ chính sách có chừng mực hơn đối với khu vực tư nhân, ông Xing nói thêm, đồng thời lưu ý rằng các bước đi lấy tiêu dùng làm trung tâm của nền kinh tế Trung Quốc vẫn là điều cần thiết để tiếp tục lấy lại niềm tin của giới doanh nghiệp.
Chỉ số cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong đã tăng hơn 2% tính đến thời điểm nghỉ giao dịch giữa ngày hôm 18/2, trong đó các cổ phiếu công nghệ bao gồm Alibaba Group Holding Ltd. và Xiaomi Corp. đóng góp nhiều nhất vào mức tăng này.
Các nhà đầu tư có thể đang chuyển nguồn vốn sang cổ phiếu, khiến lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 năm của Trung Quốc tăng 8 điểm cơ bản lên 1,5%, một mức chưa từng thấy kể từ tháng 8 năm ngoái.
Theo Bloomberg, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế khi nước này chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại thứ hai, trong bối cảnh Mỹ dựa vào vào xuất khẩu nhiều hơn so với đợt thương chiến đầu tiên, và tiêu dùng trong nước của Trung Quốc vẫn chậm chạp.
Gần đây, như một minh chứng làm rõ vai trò của lĩnh vực công nghệ trong việc vực dậy tinh thần ở trong nước, cú đột phá của DeepSeek trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã gây ra làn sóng tăng giá 1,3 nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán trong và ngoài Trung Quốc mà không cần bất kỳ sự kích thích nào của chính phủ.
“Đối với một nền kinh tế đang có niềm tin bị suy yếu, đây là liều thuốc cực mạnh. Đội hình của công ty cũng đáng chú ý - bị thống trị bởi các giám đốc điều hành công nghệ và không có các ông trùm bất động sản. Các nhà hoạch định chính sách dường như đang tập trung hơn bao giờ hết vào việc chuyển đổi nền kinh tế sang các động lực công nghệ cao và tránh xa việc phát triển bất động sản”, Eric Zhu, nhà kinh tế học của Bloomberg, nhận định.
Những dấu hiệu khác về cách mà Trung Quốc ứng phó với cuộc chiến thương mại mới có thể xuất hiện trong phiên họp thường niên của Quốc hội vào tháng 3, trong đó Bắc Kinh dự kiến sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 4,5% trong năm nay.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hiện phải đối mặt với những thách thức từ vòng xoáy giảm phát kéo dài nhất từ trước đến nay và sự phản đối ngày càng tăng đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc ra nước ngoài, từ các đối tác thân thiện cho tới Mỹ.
“Ông Tập đang gửi một thông điệp tới ông Trump rằng ông có thể có Elon Musk nhưng tôi có đội ngũ lãnh đạo công nghệ hùng hậu ở Trung Quốc”, George Chen, đồng chủ tịch phụ trách thực hành kỹ thuật số tại The Asia Group, một công ty tư vấn chính sách và kinh doanh, cho biết.