Cuộc đua tiếp sức chuyển đổi xanh, 'sức' đâu để 'tiếp' cho doanh nghiệp?
Chuyển đổi xanh là cuộc đua tiếp sức, cần nhiều cơ chế, chính sách và sự chung tay của toàn xã hội để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Tốn tiền để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp tiếp tục phải tốn tiền để chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.
Nhận xét về tiến trình chuyển đổi xanh, TS. Nguyễn Quốc Việt, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, doanh nghiệp đang bắt nhịp rất nhanh với những yêu cầu mới đặt ra về tính bền vững, từ đó tạo ra không khí chuyển đổi mạnh mẽ.
Xác nhận điều này, tuy nhiên, ông Trịnh Đức Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, cũng thẳng thắn nhìn nhận, không ít doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện chuyển đổi xanh một cách qua loa, không “làm tận gốc”. Chẳng hạn, doanh nghiệp hô hào chuyển đổi xanh thông qua trồng cây, lắp hệ thống điện mặt trời nhưng vẫn dùng công nghệ sản xuất cũ gây tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng.
Nói về hiện tượng trên, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và môi trường, cho biết, doanh nghiệp đã có nhận thức về chuyển đổi xanh, chịu áp lực chuyển đổi xanh từ thị trường nhưng gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là bài toán cân bằng với giá trị kinh tế và câu chuyện chi phí cho chuyển đổi.
Lấy ví dụ thực tế cho ngành nông nghiệp, ông Thắng chỉ ra, đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ mất rất nhiều khâu, tiêu tốn thời gian và tiền của. Thế nhưng khi đã sản xuất thành công sản phẩm hữu cơ, doanh nghiệp, nông dân còn phải tốn khoản tiền không nhỏ để chứng nhận cho những sản phẩm của mình.
Điều này đặt ra bài toán làm sao để có cơ chế hiệu quả giúp doanh nghiệp triển khai các giải pháp chuyển đổi xanh, qua đó đáp ứng tiêu chuẩn và giữ vững thị trường.
Chuyển đổi xanh là ‘cuộc đua tiếp sức’
Bình luận về giải pháp cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ông Việt nhận xét, chuyển đổi xanh là “cuộc đua tiếp sức”, tức cần có sự vào cuộc, chung tay hỗ trợ của cả hệ thống, từ doanh nghiệp cho đến cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng các viện nghiên cứu, nhà khoa học.
Riêng đối với câu chuyện chi phí, theo vị chuyên gia kinh tế này, doanh nghiệp lớn có thể tìm hiểu, tiếp cận một số nguồn tài chính xanh quốc tế, bao gồm các khoản tài trợ, đầu tư, trái phiếu xanh.
Bằng cách tiếp cận và đáp ứng các tiêu chuẩn nhận tài chính xanh, doanh nghiệp đã phần nào trang bị thêm năng lực về kiến thức, kinh nghiệm cho công cuộc chuyển đổi xanh của mình.
Khi nhận vốn xanh từ các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp phải đối diện với không ít rủi ro, bao gồm cả rủi ro về tỷ giá. Do đó, ông Việt đề nghị Nhà nước cần có cơ chế giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro, có thể tham khảo cơ chế hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu đã phát huy vai trò tốt trong những năm qua.
Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã, hộ kinh doanh, việc đáp ứng nguồn vốn còn khó khăn hơn bởi không thể đáp ứng các yêu cầu từ nguồn vốn vay quốc tế, cũng khó lòng tiếp cận tín dụng với quy mô đủ lớn ở trong nước.
Thực tế, mô hình bảo lãnh tín dụng đã và đang được triển khai ở nhiều địa phương, một số hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể vay vốn thông qua các tổ chức như hội phụ nữ nhưng chỉ với số vốn không quá cao, trong khi một dự án chuyển đổi xanh có thể tiêu tốn chi phí hơn rất nhiều.
Mặt khác, vay tiền để đầu tư tài sản thì có thể dùng tài sản đó thế chấp ngân hàng, còn các dự án chuyển đổi xanh không có tài sản thế chấp nên doanh nghiệp nhỏ hay hộ kinh doanh khó có thể vay vốn.
Nói về giải pháp cho nhóm doanh nghiệp, hộ kinh doanh quy mô nhỏ, vị chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất cơ chế để gom nhu cầu của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp lại, tạo ra một dự án quy mô lớn và nhận bảo lãnh tín dụng với quy mô đủ lớn.
Còn TS. Lại Văn Mạnh, Viện Chính sách nông nghiệp và môi trường, nhìn nhận, chi phí lớn cho chuyển đổi xanh một phần đến từ Việt Nam không có đủ các cơ quan, đơn vị đủ khả năng chứng nhận cho doanh nghiệp. Các đơn vị quốc tế lấy giá khá cao cho dịch vụ chứng nhận bền vững, có thể lên đến 25 nghìn USD cho một chứng nhận nhỏ.
Vì vậy, để giải tỏa áp lực vốn cho chuyển đổi xanh, ông Mạnh đề xuất cần có sự chung tay của Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng đội ngũ làm công tác chứng nhận đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế, có chất lượng tương xứng với quốc tế nhưng giá dịch vụ rẻ hơn.