Cuộc đời bi kịch của thần đồng 13 tuổi đã vào đại học bắt nguồn từ một sai lầm trong cách nuôi dạy của mẹ

Quá yêu con và đặt nhiều kỳ vọng, người mẹ này lại không hề biết rằng phương pháp giáo dục của mình sẽ hủy hoại tương lai con sau này.

"Thần đồng Phương Đông"

Ngụy Vĩnh Khang sinh năm 1983 trong gia đình khó khăn ở huyện Hoa Dung (thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc).

Cha của Vĩnh Khang là cựu chiến binh bị thương tật nặng nề, không có sức lao động.

Cuộc sống gia đình anh chỉ dựa vào tiền trợ cấp thương binh của cha và đồng lương ít ỏi từ việc làm thuê cho một cửa hàng tạp hóa của mẹ.

Với quan niệm "kiến thức thay đổi vận mệnh", mẹ của Vĩnh Khang dồn hết tâm huyết để dạy dỗ con trai.

Bà bắt đầu dạy Vĩnh Khang viết chữ khi mới một tuổi. Dù còn rất nhỏ nhưng Vĩnh Khang đã bộc lộ tài năng học tập thiên phú.

13 tuổi Ngụy Vĩnh Khang đã học đại học

13 tuổi Ngụy Vĩnh Khang đã học đại học

Năm 2 tuổi, cậu đã thành thạo 1.000 ký tự tiếng Trung, học xong cấp hai khi mới lên 4. Năm 8 tuổi, cậu đỗ vào trường cấp ba trọng điểm của tỉnh.

Năm 13 tuổi, Vĩnh Khang tham gia kỳ thi tuyển sinh Cao Khảo gắt gao và trở thành sinh viên khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm với điểm số rất cao.

Năm 17 tuổi, cậu được Trung tâm Vật lý năng lượng cao thuộc Viện Khoa học quốc gia đặc cách nhận vào học khóa thạc sĩ liên thông tiến sĩ.

Truyền thông Trung Quốc đặt cho Vĩnh Khang biệt danh "thần đồng Phương Đông" 10 năm hiếm gặp.

Hàng xóm của nhà Vĩnh Khang từng cho biết, ở nơi họ sống, tên của quan chức đứng đầu huyện, tỉnh có thể không biết nhưng riêng tên thần đồng Ngụy Vĩnh Khang, không một ai không nhớ.

Vĩnh Khang không chỉ là niềm hy vọng của gia đình mà còn trở thành sự kỳ vọng của cả nước. Ai cũng tin rằng khi trưởng thành, cậu sẽ có tương lai tươi sáng và giúp cha mẹ thoát khỏi tình cảnh nghèo khó.

Nhưng niềm tin ấy lại chính là con dao 2 lưỡi khiến cuộc đời của thần đồng "tuột dốc".

Ngụy Vĩnh Khang cùng cha mẹ.

Ngụy Vĩnh Khang cùng cha mẹ.

Cuộc đời bi kịch

Ở nhà Ngụy Vĩnh Khang, trên các bức tường đều ghi chi chít các công thức toán học, tiếng Anh... để cậu có thể dễ dàng ghi nhớ và học hỏi mọi lúc.

Chính nhờ phương pháp giáo dục đặc biệt này mà cậu liên tiếp đoạt các giải thưởng lớn, trở thành hình mẫu mà hàng triệu phụ huynh muốn noi theo.

Tuy nhiên, bà Tăng Học Mai - mẹ của Ngụy Vĩnh Khang - chỉ mải dạy con phát triển trí tuệ IQ mà quên đi trí tuệ xúc cảm.

Theo bà, "phải tập trung học hành thì con mới có tương lai". Bởi thế bà Tăng không bao giờ bắt Vĩnh Khang động tay vào công việc nhà. Bà muốn con trai tập trung tất cả thời gian, công sức vào việc học.

Nhiều người cho rằng điều đó hoàn toàn bình thường bởi những công việc như giặt giũ, dọn dẹp không quá nặng nhọc, ai làm cũng được.

Tuy nhiên mãi sau này người ta mới biết, kể cả những công việc vệ sinh cá nhân như tắm, rửa mặt... Vĩnh Khanh đều được mẹ chăm chút.

Để không làm tốn thời gian học hành của con, bà thậm chí đút cho Vĩnh Khang ăn từng thìa cơm.

Thần đồng và mẹ luôn ở cạnh nhau cả ngày. Ngoại trừ học, mọi việc khác của Vĩnh Khang đều do mẹ lo liệu.

Thậm chí, bà mẹ này còn không cho phép Vĩnh Khang ra ngoài chơi mà bắt ở nhà học. Mỗi khi có bạn bè đến, bà đều lấy cớ cậu bận học để từ chối.

Vì thế, Vĩnh Khang dần dần thu mình lại, không nói chuyện với ai, khiến cho bạn bè càng thêm xa lánh.

Từ nhỏ tới lớn, cuộc sống của Ngụy Vĩnh Khang đều có bàn tay mẹ bao bọc. Bà cho rằng cậu thông minh như vậy ắt sẽ học hỏi nhanh khi ra đời.

Tuy nhiên, Tăng Học Mai không biết rằng con trai mình đã hình thành một thói quen dựa dẫm không thể thay đổi.

Trong suốt thời gian con học đại học, bà cũng đi theo để tự mình chăm sóc. Tuy nhiên, khi Vĩnh Khang theo học chương trình thạc sĩ tại Viện Khoa học Hàn lâm Trung Quốc, nhà trường yêu cầu cậu phải sống và học tập một mình.

Thế nhưng, do từ trước đến nay đều có mẹ phục vụ, giờ phải tự làm mọi thứ, Ngụy Vĩnh Khang không thể thích nghi.

Cậu không biết cởi quần áo khi nóng, không biết mặc thêm đồ vào mùa Đông. Phòng ốc luôn bẩn thỉu vì không được dọn.

Quần áo vứt mỗi nơi một chỗ vì không được giặt. Thậm chí, Vĩnh Khang còn phải nhận điểm 0 vì quên nộp luận án ngày tốt nghiệp do không có ai nhắc nhở, khiến cậu mất cơ hội học lên tiến sĩ.

Năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang bị trường buộc thôi học, với lý do không thể thích nghi với cuộc sống học tập tại đây.

Vì được mẹ chăm sóc từ bé, Vĩnh Khang không có khả năng tự chăm sóc bản thân.

Vì được mẹ chăm sóc từ bé, Vĩnh Khang không có khả năng tự chăm sóc bản thân.

Nghe tin, bà Tăng Học Mai tức tốc đến trường tìm con. Bà lôi cậu ra ngoài hành lang tòa nhà, chỉ ra ngoài và hét lên: "Con nhảy lầu hay đâm vào xe mà chết đi. Con khiến mẹ điên chết mất!". Sau đó, bà bỏ về quê nhà, cắt đứt liên lạc với con trai.

Bị đuổi học, Ngụy Vĩnh Khang chẳng còn mặt mũi nào về nhà nên đành đi lang thang khắp 16 tỉnh và thành phố. Trong túi cậu lúc ấy chỉ có vỏn vẹn 500 NDT (~1,7 triệu VND).

Cuối cùng, khi số tiền đã hết, Vĩnh Khang đành nhờ cảnh sát đưa mình về nhà. 39 ngày lang bạt này tuy khổ cực nhưng cũng đã dạy cho cậu biết chút ít về cuộc sống tự lập bên ngoài xã hội.

Làm lại

Chứng kiến con trai "tuột dốc" và trở nên thất bại, mẹ Vĩnh Khang nhận ra sai lầm của mình trong cách giáo dục con. Tình thương yêu, sự bao bọc của người mẹ đã khiến cậu con trai trở thành một người thụ động.

"Tôi không trách Vĩnh Khang, tôi chỉ trách phương pháp giáo dục của chính mình quá khắc nghiệt với con trai".

Bức tường kiến thức "huyền thoại" tại nhà Vĩnh Khang, nơi mẹ bắt cậu học mọi lúc mọi nơi.

Bức tường kiến thức "huyền thoại" tại nhà Vĩnh Khang, nơi mẹ bắt cậu học mọi lúc mọi nơi.

Suốt nhiều năm chỉ làm bạn với trang sách, Vĩnh Khang dần trở thành chàng trai cô độc, hoàn toàn không có kỹ năng sống, tâm lý cũng bất ổn. Mãi đến khi hậu quả ập đến, gia đình Vĩnh Khang mới nhìn thấu mọi việc.

Tuy nhiên thời điểm đó, Vĩnh Khang vẫn còn trẻ, mẹ cho rằng vẫn còn kịp để cả gia đình cũng thay đổi và giúp Khang làm lại cuộc đời.

Thần đồng bắt đầu được làm quen với công việc nhà và được động viên ra ngoài kết bạn. Vì thế mà Vĩnh Khang như được lớn lên thêm một lần.

Ở tuổi 20, anh đi học lại ở Đại học Công nghệ Bắc Kinh. Tuy đây không phải một ngôi trường nổi tiếng nhưng ở đó, anh được bắt đầu một cuộc sống mới, được trải nghiệm mọi cung bậc cảm xúc nên có ở tuổi sinh viên.

Sau này, Ngụy Vĩnh Khang cũng không lựa chọn học tiếp lên cao hay đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực chuyên sâu. Sau những thất bại trong quá khứ, anh chỉ mong muốn cuộc sống bình dị.

Hoàn thành chương trình đại học, Vĩnh Khang làm công việc bình thường, kết hôn và sinh con. Những ngày sau đó, anh ngày càng có trách nhiệm hơn với tư cách người cha.

Vĩnh Khang và con gái.

Vĩnh Khang và con gái.

Anh trân trọng cơ hội được làm việc và làm việc chăm chỉ, mong muốn con gái có cuộc sống tốt hơn và không đi vào vết xe đổ của mình.

Tuy nhiên cũng vì áp lực cuộc sống, Vĩnh Khang phải làm việc ngày đêm, giống như việc anh từng thức khuya học bài khi còn nhỏ.

Năm 2021, vợ Ngụy Vĩnh Khang bất ngờ đăng tải cáo phó trên Weibo, thông báo chồng đã qua đời ở tuổi 38 do bạo bệnh, kết thúc chặng đường vinh hiển nhưng cũng muôn phần tủi nhục của "thần đồng phương Đông".

Từ câu chuyện về cuộc đời Ngụy Vĩnh Khang, nhiều bậc cha mẹ đã rút ra bài học lớn trong việc nuôi dạy con cái.

Bên cạnh kiến thức sách vở, phụ huynh nên dành nhiều thời gian bồi dưỡng cho những con kỹ năng sống để con có thể học hỏi và phát triển một cách toàn diện.

Có như vậy, các con mới có thể tồn tại, không bị đẩy lại phía sau khi bước vào xã hội đầy khắc nghiệt.

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cuoc-doi-bi-kich-cua-than-dong-13-tuoi-da-vao-dai-hoc-bat-nguon-tu-mot-sai-lam-trong-cach-nuoi-day-cua-me-172250220113924022.htm
Zalo