Cuộc đấu không người thắng
Chính trường Hàn Quốc, vốn chia rẽ sâu sắc đã thực sự rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật.
Dù lệnh thiết quân luật chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, song những hệ lụy để lại có thể nói đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Câu hỏi lớn nhất hiện nay là tình bất ổn này đến bao giờ mới kết thúc?
Hệ lụy khó lường
Việc áp đặt thiết quân luật trong thời gian ngắn của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã kéo theo những hệ lụy khó lường, cả ở góc độ đối nội và đối ngoại, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập niên ở Hàn Quốc
Về đối nội, chính trường Hàn Quốc chao đảo với toàn bộ nội các, gồm Thủ tướng Han Duck Soo và các bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun và Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang Min đã từ chức, bị bắt, bị điều tra hoặc bị luận tội. Cùng với đó là hệ thống lãnh đạo cấp cao quốc phòng gồm hàng loạt tướng lĩnh, kể cả Đại tướng Park An Su, Tham mưu trưởng lục quân Hàn Quốc, đã bị bắt.
Hoạt động kinh tế là lĩnh vực dễ dàng nhìn thấy tác động tiêu cực. Thị trường chứng khoán, ngoại hối đồng loạt lao dốc ngay sau khi thiết quân luật được áp đặt. Cho dù Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để ổn định thị trường, trấn an tâm lý nhà đầu tư, song đồng won của Hàn Quốc trong phiên giao dịch ngày 19/12 đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm. Tỷ giá hối đoái giữa đồng won của Hàn Quốc và đồng USD vượt quá 1.450 won/USD lần đầu tiên sau kỷ lục ngày 13/3/2009. Trong bối cảnh nhu cầu trong nước trì trệ, xuất khẩu có xu hướng giảm, các yếu tố như lãi suất cao, tỷ giá hối đoái cao kèm theo các yếu tố bất ổn trên chính trường đã làm gia tăng áp lực đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong và ngoài Hàn Quốc.
Về đối ngoại, Ngoại trưởng Cho Tae Yul phải thừa nhận lệnh thiết quân luật đã làm suy yếu “động lực chính trị” trong liên minh Hàn – Mỹ và đã có một số gián đoạn liên lạc trong hai tuần sau thiết quân luật. Một điều dễ dàng nhận thấy là các chuyến thăm cấp cao của các nước đến Hàn Quốc đã bị hủy bỏ hoặc trì hoãn. Điều này phần nào ảnh hưởng đến các nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc. Trong bối cảnh Hàn Quốc đang triển khai chiến lược để trở thành Quốc gia Trụ cột toàn cầu (GPS), tăng cường vai trò trên các diễn đàn song phương và đa phương để phù hợp với vị thế của nền kinh tế thứ 12 trên thế giới, biến động trên chính trường đã kéo lùi tiến trình.
Cuộc khủng hoảng chính trị này diễn ra vào thời điểm không thích hợp khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc cần tham gia vào các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để thiết lập khuôn khổ hợp tác chặt chẽ với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Chuyên gia Troy Stangarone tại Viện Wilson Center (Mỹ) cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc đã làm suy yếu khả năng của Seoul trong hợp tác với chính quyền Trump 2.0 về các chính sách quan trọng liên quan đến thương mại, cuộc xung đột Nga -Ukraine và vấn đề Trung Quốc. Cũng theo chuyên gia này, nếu không có cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, Seoul sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ để bảo vệ lợi ích kinh tế và công nghệ của Hàn Quốc khi chính quyền Mỹ sắp tới xây dựng kế hoạch áp thuế quan mới hoặc kiểm soát xuất khẩu đối với Bắc Kinh. Trong khi đó, cả Seoul và Washington ngày càng cần duy trì sự phối hợp an ninh chặt chẽ để ứng phó hiệu quả với cái họ gọi là các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của Triều Tiên cũng như mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc của nước này với Nga.
Triển vọng mịt mờ
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc có 180 ngày để đưa ra phán quyết cuối cùng về việc có luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol hay không? Tiến trình này cần có đủ thời gian để thu thập chứng cứ và đi đến kết luận. Trong trường hợp vượt qua được cuộc luận tội, ông vẫn tiếp tục làm tổng thống. Tuy nhiên, việc phe đối lập kiểm soát 192 ghế ở Quốc hội và có12 nghị sĩ của đảng cầm quyền bỏ phiếu để thông qua kiến nghị luận tội chắc chắn sẽ khiến nhà lãnh đạo này trở thành "tổng thống vịt què" trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ. Những mâu thuẫn trong nội bộ đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền sẽ khiến đảng suy yếu. Trong kịch bản Tổng thống Yoon Suk Yeol bị kết án, mọi thứ có thể phức tạp hơn nhiều. Một cuộc bầu cử sớm tổ chức sau đó sẽ là một cuộc chạy đua đầy căng thẳng của chính phe đối lập.
Dù muốn hay không thì các đảng phái chính trị lớn ở Hàn Quốc - cụ thể ở đây là PPP cầm quyền và đảng Dân chủ (DP) đối lập - đều phải chuẩn bị cho kịch bản bầu cử tổng thống sớm trong trường hợp Tổng thống Yoon Suk Yeol bị tuyên có tội. Những bất ổn trong nội bộ cho thấy chính trường Hàn Quốc sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ trong thời gian tới.
Các chuyên gia kinh tế nghiêng về luận điểm rằng một cuộc bầu cử tổng thống sớm sau khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ là một kịch bản thân thiện nhất, giúp thị trường nhanh chóng vượt qua biến động để ổn định trở lại. Ông Kang Seung Won, một nhà phân tích tại Ngân hàng Investment & Securities, cho biết nhiều phân tích dự đoán rằng một tổng thống và chính phủ mới sẽ theo đuổi các biện pháp kích thích kinh tế thông qua các chính sách tài khóa nới lỏng. Cho dù các yếu tố không chắc chắn sẽ kéo dài trong khoảng 3 tháng Tòa án Hiến pháp tiến hành luận tội, nhưng khung thời gian dường như đã được xác định và thị trường ban đầu sẽ tiêu cực theo tâm lý nhưng sau đó sẽ phản ứng theo chu kỳ kinh tế toàn cầu.
DP đối lập chính được cho là sẽ bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sớm. Nếu Tòa án Hiến pháp quyết định phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol, cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày. Theo đó, có khả năng DP sẽ có động thái đưa Chủ tịch đảng Lee Jae Myung trở thành ứng cử viên tổng thống duy nhất của phe đối lập. Một quan chức của DP cho biết chính trị gia này dự kiến sẽ tập trung vào chương trình kinh tế dân sinh để làm nổi bật vai trò và khả năng cầm quyền của mình. DP đang nỗ lực tập hợp đoàn kết để thay đổi chính phủ. Tuy nhiên, khi Tổng thống Yoon Suk Yeol đang đối mặt với tiến trình luận tội, thì ông Lee Jae Myung cũng phải đối mặt với những rủi ro pháp lý khác liên quan đến tổng cộng 5 vụ án, trong đó có phiên tòa phúc thẩm liên quan đến tội danh gian lận bầu cử, tham nhũng...
Có thể thấy rằng, các phe phái càng đấu tranh thì bất ổn chính trị càng rộng và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt từ kinh tế xã hội đến an ninh quốc phòng và cả an sinh của người dân. Đây là lý do nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng sẽ không có bên thắng cuộc trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Hàn Quốc lần này.