Hiệp hội ô tô đề xuất chính sách kích thích thị trường
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa có văn bản gửi tới Chính phủ và Bộ Tài chính đề xuất chính sách hỗ trợ ổn định thị trường và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Thuế và phí chiếm tỷ lệ khoảng 50% giá xe
VAMA cho biết trong quý I/2025, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam ghi nhận một số tín hiệu phục hồi so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xét trong dài hạn, mức tăng trưởng của thị trường ô tô có sự biến động lớn qua các năm.

VAMA cho biết thuế và phí đang chiếm khoảng 50% giá bán lẻ ô tô.
"Cụ thể theo số liệu bán hàng của VAMA, trong năm 2022, tổng doanh số bán hàng của các thành viên đạt 404.635 xe, tăng 33% so với 2021. Nhưng năm 2023 chỉ đạt 301.989 xe, sụt giảm 25% so với năm 2022. Sang năm 2024 đạt 340.142 xe, tăng 12,6% so với năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn 16% so với năm 2022", VAMA dẫn chứng.
VAMA cho rằng, ngành công nghiệp ô tô thực sự cần những chính sách ưu đãi nhằm kích thích thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định, lâu dài.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình ô tô hóa, với dung lượng thị trường ô tô còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp (khoảng 4.700USD/ người/ năm) trong khi thuế và phí đang chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 50% giá bán lẻ của xe ô tô, thuộc nhóm những nước có tỷ lệ cao nhất trong khu vực, khiến cho người dân khó tiếp cận được.

VAMA đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng với các ngành hàng ô tô.
Đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng
Trước tình hình nêu trên và các dự báo về kinh tế, VAMA đánh giá chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiến thuê đất áp dụng cho tới cuối năm 2025 là một giải pháp thiết thực, góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô.
Tuy vậy, VAMA vẫn đề xuất thêm một số giải pháp về chính sách thuế, phí để duy trì ổn định và tăng dung lượng thị trường.
Trong đó để tăng sức mua và kích cầu thị trường, VAMA đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (hiện là 10%) áp dụng chung cho tất cả các ngành hàng, bao gồm cả ô tô, phụ tùng ô tô, dịch vụ sửa chữa, bảo trì và bảo dưỡng ô tô.
Đồng thời, VAMA đề xuất Chính phủ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó có định hướng và chính sách hỗ trợ để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thêm vào đó có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và phát triển cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước như ưu đãi thuế, phí cho các dự án đầu tư thêm cho việc sản xuất, lắp ráp các dòng xe thân thiện môi trường; Phát triển quan hệ đối tác công tư (PPP) cho xây dựng trạm sạc pin cho xe điện…

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới nhất, xe hybrid được áp dụng thuế suất bằng 70% mức thuế hiện hành đối với xe cùng loại chạy bằng xăng, dầu.
Ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hybrid
VAMA cũng cho biết với xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thế giới và Việt Nam có quy định, các dòng xe thân thiện môi trường là hybrid tự sạc (HEV), hybrid sạc ngoài (PHEV) và xe điện (BEV)… Các dòng xe này đều đóng góp và việc giảm phát thải ra môi trường.
"Tuy nhiên, các dòng xe hybrid chưa nhận được những chính sách ưu đãi tương xứng, nên giá xe vẫn ở mức cao. Do đó các dòng xe hybrid cũng cần được ưu đãi nhằm giảm giá bán, khuyến khích người dân sử dụng, đóng góp và việc giảm khí thải của phương tiện giao thông và mục tiêu bảo vệ môi trường", VAMA nêu trong văn bản.
Vì vậy, để khuyến khích khách hàng chuyển đổi sang các dòng xe thân thiện môi trường, VAMA tiếp tục đề xuất áp dụng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe HEV và PHEV với các mức lần lượt bằng 70% và 50% thuế suất áp dụng cho xe chạy bằng xăng, dầu cùng loại.
Nhưng tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), được Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 9/5 vẫn quy định: áp dụng thuế suất cho xe hybrid bằng 70% mức thuế hiện hành đối với xe cùng loại chạy bằng xăng, dầu, không phân biệt xe hybrid tự nạp (HEV) hay xe hybrid có hệ thống nạp điện ngoài (PHEV).
Đại diện VAMA cho biết, quy định tại dự thảo như vậy đã đạt được một nửa đề xuất với dòng xe hybrid, khi xe HEV cũng sẽ được hưởng thuế suất bằng 70% mức thuế hiện hành với xe cùng loại chạy bằng xăng dầu. Tuy nhiên đề xuất tăng ưu đãi thuế với xe PHEV vẫn chưa được ghi nhận vào dự thảo.
Trước đó trao đổi với Báo Xây dựng bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) đánh giá cao dự thảo lần này đã ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt mà không phân biệt xe hybrid sạc trong và sạc ngoài.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, với tiến trình tăng thuế và mức thuế suất bằng 70% mức thuế xe xăng cùng loại là chưa đủ lớn để kích thích, hấp dẫn người tiêu dùng vì giá thành xe hybrid vẫn còn đắt.
"Mục tiêu quản lý Nhà nước chưa rõ trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những công cụ để thúc đẩy hành vi tiêu dùng, hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm thân thiện môi trường", ông Hiếu nói.
Theo ông, cần có ưu đãi đủ lớn cho xe hybrid, có thể giảm về mức 50% mức thuế xe xăng cùng loại để giúp giá xe giảm hẳn xuống, khi đó mới tạo sức cạnh tranh giữa xe hybrid, xe xăng và thu hút người tiêu dùng.
"Như vậy, thuế mới thực sự là công cụ đáp ứng đúng mục tiêu quản lý Nhà nước. Nếu không, cũng không giải quyết được việc gì, nằm ở giữa nửa tăng thu, nửa kích thích ưu đãi", ông Hiếu nói.