Cuộc chơi bất ngờ đảo chiều giữa Nga, Mỹ, EU và Ukraine?

Ngày 18/2, Saudi Arabia trở thành quốc gia trung lập tổ chức cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa các quan chức Nga - Mỹ sau nhiều năm. Cuộc họp là diễn biến tiếp theo của một loạt các động thái ngoại giao nhanh chóng được khởi động bởi cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước.

Các quan chức Mỹ và Nga hội đàm tại Saudi Arabia ngày 18/2. Ảnh: REUTERS

Các quan chức Mỹ và Nga hội đàm tại Saudi Arabia ngày 18/2. Ảnh: REUTERS

Cuộc họp diễn ra sau khi Phó Tổng thống J.D.Vance chỉ trích các nhà lãnh đạo Tây Âu tại Munich và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đưa ra tối hậu thư kinh tế cho Ukraine. Điều này cho thấy sự phân nhóm bất ngờ giữa một bên là Nga - Mỹ hợp tác, còn một bên là EU - Ukraine cản trở.

Với những mâu thuẫn, bất đồng thời gian gần đây giữa Nga và phương Tây, sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc gặp cấp cao Nga - Mỹ ở Riyadh là điều dễ hiểu. Một số nhà quan sát có thể thất vọng khi Marco Rubio và Sergei Lavrov không xuất hiện sau cuộc đàm phán để công bố những đột phá mang tính lịch sử. Thay vào đó, cả hai bên đều rất thận trọng trong các tuyên bố của mình.

Vậy phải chăng cuộc gặp ở Riyadh đã thất bại? Nhiều ý kiến cho rằng, thành công của một cuộc đàm phán khó có thể được đo lường bằng kết quả ngay lập tức. Thậm chí trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu, Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov chỉ đặt ra một mục tiêu khiêm tốn ở Riyadh là “thống nhất về cách bắt đầu đàm phán”. Theo tiêu chuẩn đó, cuộc gặp cấp cao lần này về cơ bản đã đạt được mục đích đề ra.

Những điểm nhấn từ Riyadh

Theo truyền thông phương Tây, cuộc gặp cấp cao Nga - Mỹ đã kéo dài trong 4,5 giờ và các bên đã đạt được một số đồng thuận sau:

1- Khôi phục các kênh ngoại giao: Nga - Mỹ đã nhất trí bắt đầu quá trình khôi phục hoàn toàn hoạt động của đại sứ quan.

2- Tạo ra cơ chế tham vấn: Đối thoại có cấu trúc để giải quyết những bất đồng trong quan hệ song phương.

3- Khởi xướng các nhóm đàm phán về Ukraine: Mặc dù các cuộc đàm phán về Ukraine hiện nay là rất hạn chế, song nền tảng đã được đặt ra cho các cuộc thảo luận trong tương lai.

Trên đây là những kết quả cơ bản, song nhiều ý kiến cho rằng, một kết quả thậm chí còn quan trọng hơn là giọng điệu chung của các cuộc đàm phán. Lần đầu tiên sau nhiều năm, các quan chức Nga và Mỹ đã ngồi tiếp xúc trực tiếp với nhau để thảo luận về những vấn đề trong quan hệ hợp tác song phương, cũng như tình hình an ninh khu vực. Sự thay đổi trong bầu không khí đàm phán rất rõ ràng đến mức đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump, Steve Witkoff, đã khẳng định ông “không thể tưởng tượng ra một kết quả tốt hơn”. Sự thay đổi trong nhận thức theo hướng tích cực về quan hệ hợp tác Nga - Mỹ sẽ là động lực thực sự cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Con đường hòa bình cho Ukraine vẫn còn nhiều chông gai

Tuy nhiên, bất chấp giọng điệu tích cực, các cuộc đàm phán ở Riyadh không thể giúp chấm dứt nhanh chóng xung đột Ukraine. Điều này đã được giới phân tích dự đoán từ trước. Moscow và Washington đã tham gia cuộc họp tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ của riêng hai nước trước. Vấn đề Ukraine có vẻ như vẫn là thứ yếu.

Bất chấp việc Tổng thống Donald Trump nhanh chóng định hình lại bối cảnh ngoại giao, song con đường hòa bình vẫn còn nhiều chông gai. Trong 3 năm qua, chiến lược của các nước phương Tây rất rõ ràng: đàm phán một thỏa thuận hòa bình nội bộ giữa Ukraine và các đồng minh, sau đó cố gắng gây sức ép buộc Nga phải chấp nhận. Nhưng sự quay trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump đã thay đổi điều này. Ông Trump đã đảo ngược hoàn toàn khi lựa chọn đàm phán trực tiếp với Moscow, trong khi gạt cả Kiev và Brussels sang một bên.

Do đó, chiến lược từng là “đàm phán Ukraine với tất cả mọi đối tác trừ Nga” giờ đã trở thành “đàm phán Ukraine với Nga nhưng không có châu Âu”. Sự thay đổi này phù hợp với cả Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin. Nhưng nó khó tránh khỏi việc khiến nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky và giới lãnh đạo EU tức giận.

Sự phản đối từ Brussels và Kiev

Nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ tính hợp pháp của bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Nga mà không tính đến lợi ích của Kiev. Trong khi đó, các quan chức châu Âu ngày càng coi Washington là “đối thủ” hơn là đồng minh. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý trong cục diện chính trị quốc tế kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ngay cả khi Moscow và Washington đạt được sự đồng thuận, nhất trí nào đó, thì Ukraine, dưới ảnh hưởng của EU và Anh, có thể từ chối tuân thủ và sẵn sàng tiếp tục chiến đấu.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng, mặc dù viện trợ của Mỹ đang giảm dần, song Lực lượng vũ trang Ukraine (AFU) có thể vẫn có đủ nguồn lực để tiếp tục chiến đấu, ít nhất là trong 6 tháng nữa. Ngoài ra, khả năng duy trì chiến tranh của quân đội Ukraine phụ thuộc vào việc EU và Anh có thể khôi phục sản xuất ngành công nghiệp quốc phòng của họ hay không, song điều này có vẻ rất khó xảy ra. Cuối cùng, các nước châu Âu sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận bất kỳ giải pháp nào đạt được do không thể gánh thêm những gánh nặng tài chính.

Chờ đợi cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Putin

Có ý kiến cho rằng, hòa bình sẽ được dàn xếp nhanh chóng, phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó quyết định sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, nơi một khuôn khổ cho lệnh ngừng bắn có thể được hoàn thiện. Đối với cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình, đây là kịch bản được mong đợi nhất.

Hiện nay, điểm bế tắc lớn nhất là cách thức xây dựng lệnh ngừng bắn. Mỹ muốn chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, sau đó là tổ chức cuộc bầu cử ở Ukraine. Trong khi đó, với cục diện chiến sự đang nghiêng về phía Nga như hiện nay, một thỏa thuận như vậy là không thể chấp nhận được. Không có gì có thể bảo đảm rằng Ukraine sẽ không lợi dụng thời gian ngừng bắn để tổ chức lại lực lượng và tiếp tục chiến đấu.

Hiện vẫn chưa rõ Moscow và Washington sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào. Nhưng rõ ràng là những bước đi đầu tiên hướng tới hòa bình Ukraine đã được thực hiện, bất kể con đường phía trước còn rất dài. Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã thay đổi toàn bộ phương trình ngoại giao, nhưng thực tế là hòa bình không thể được lập lại chỉ sau một đêm. Thay vào đó, tiến trình hòa bình cho Ukraine sẽ là một quá trình dài, từng bước một. Động thái đầu tiên đã được thực hiện và bây giờ, cộng đồng quốc tế cùng chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

HÙNG ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cuoc-choi-bat-ngo-dao-chieu-giua-nga-my-eu-va-ukraine-405660.html
Zalo