Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Ai đang thực sự thắng thế?

Từ thế bị động, Trung Quốc đã từng bước xoay chuyển cục diện cuộc chiến thương mại với Mỹ bằng chiến lược kép: tự chủ công nghệ, kiểm soát tài nguyên và phản công quyết liệt. Liệu Mỹ có đang rơi vào thế khó?

Kể từ khi xung đột thương mại Trung-Mỹ nổ ra, Trung Quốc đã tăng cường khả năng tự chủ, cải thiện các chiến lược của mình và biến thuế quan của Tổng thống Donald Trump thành động lực cho khả năng phục hồi toàn cầu lâu dài của nước này (trong ảnh: Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Ảnh: THX/TTXVN

Kể từ khi xung đột thương mại Trung-Mỹ nổ ra, Trung Quốc đã tăng cường khả năng tự chủ, cải thiện các chiến lược của mình và biến thuế quan của Tổng thống Donald Trump thành động lực cho khả năng phục hồi toàn cầu lâu dài của nước này (trong ảnh: Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Ảnh: THX/TTXVN

Bình luận với tờ Thời báo Nhật Bản (japantimes.co.jp) ngày 17/7, Zongyuan Zoe Liu, nghiên cứu viên cao cấp về Nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Phó Giáo sư thỉnh giảng về các vấn đề quốc tế và công cộng tại Khoa Các vấn đề Quốc tế và Công cộng thuộc Đại học Columbia cho rằng, các cuộc đàm phán thương mại gần đây nhất giữa Mỹ và Trung Quốc tại Geneva và London chỉ mang lại sự giải tỏa tạm thời cho xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm quảng bá các biện pháp tạm thời như một "thỏa thuận" có lợi cho nước Mỹ, Trung Quốc lại nhìn nhận vấn đề theo cách khác — và tin rằng mình đang thắng thế. Từ góc nhìn của mình, Trung Quốc đã vượt qua được "cơn bão" và trở nên tự tin hơn, tự chủ hơn và tin tưởng hơn rằng "ván cờ dài hạn" của mình đang mang lại kết quả.
Sự chuyển mình chiến lược của Trung Quốc

Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2018, nhiều người đã nhận định rằng Trung Quốc đang phải chịu áp lực nặng nề. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, và dựa trên các diễn biến thực tế, có thể thấy Bắc Kinh đang dần chiếm ưu thế, không chỉ vượt qua những thách thức ban đầu mà còn tận dụng xung đột để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.

Theo đó, Bắc Kinh đã triển khai một chiến lược kết hợp giữa "phòng thủ và tấn công" nhằm giảm thiểu rủi ro từ thuế quan và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Về mặt phòng thủ, Trung Quốc đã chủ động chuyển hướng dòng chảy thương mại, phát triển các biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với hệ thống tài chính toàn cầu dựa trên đồng USD, và đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ nội địa. Việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa cũng được xem là một phương tiện để củng cố các lĩnh vực chiến lược như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ xanh.

Về mặt tấn công, Trung Quốc đã thể hiện sự sẵn sàng đáp trả nhanh chóng và quyết liệt. Việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là đối với khoáng sản đất hiếm, cho thấy một công cụ mạnh mẽ để gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ, vốn phụ thuộc nhiều vào các nguyên liệu đầu vào này. Phản ứng kiên quyết và gần như ngay lập tức của Trung Quốc trước những lời đe dọa và leo thang thuế quan từ chính quyền Trump cho thấy sự linh hoạt về mặt chiến thuật và quyết tâm không nhân nhượng.

Đòn bẩy tự lực và khả năng phục hồi

Mặc dù thuế quan của Trump gây ra những khó khăn nhất định, đặc biệt đối với ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp như may mặc và giày dép, nhưng Trung Quốc đã biến thách thức này thành cơ hội để đẩy nhanh quá trình hợp nhất công nghiệp, loại bỏ các doanh nghiệp kém hiệu quả và cải thiện hiệu suất tổng thể. Các nhà lãnh đạo, doanh nhân và doanh nghiệp Trung Quốc đã tập trung vào việc xây dựng khả năng phục hồi và tự lực, giảm sự phụ thuộc vào thị trường và công nghệ Mỹ.

Sự trở lại đáng kinh ngạc của Huawei sau các lệnh trừng phạt và hạn chế của Mỹ là một minh chứng rõ nét cho khả năng thích ứng và đổi mới của các công ty Trung Quốc. Khi các công ty Trung Quốc nhận thấy cơ hội cạnh tranh tại Mỹ và tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ gần như bằng không, họ chuyển hoạt động theo hướng trên, thúc đẩy sự phát triển nội địa. Chính sách của Tổng thống Trump vô tình đã phơi bày sự phụ thuộc của các ngành công nghiệp Mỹ vào Trung Quốc về khoáng sản đất hiếm và các nguyên liệu thô khác, khiến các nhà sản xuất Mỹ phải chật vật và trả giá quá cao.

Những động thái thuế quan thất thường của chính quyền Trump đã mang lại cho Bắc Kinh một chiến thắng về mặt truyền thông và quan trọng hơn là một lợi thế chiến lược. Đối với nhiều chính phủ ở "Nam bán cầu" (các nước đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây) vốn hoài nghi về mô hình phát triển của phương Tây, khả năng phục hồi của Trung Quốc trước áp lực của Mỹ càng củng cố tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng thế giới đang trải qua "những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ".

Chuyên gia Liu cho rằng Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại hay tách rời kinh tế, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro mà Mỹ có thể cùng chịu tổn thất, và họ thà tách rời còn hơn là "khuất phục". Khi môi trường bên ngoài ngày càng xấu đi, giới lãnh đạo Trung Quốc và các nhà công nghiệp trong nước tiếp tục đổ nguồn lực vào công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các hệ sinh thái sản xuất tiên tiến được hỗ trợ bởi AI, với hy vọng tránh được sự sụt giảm năng suất.

Chuyên gia Liu kết luận, việc Trung Quốc đặt cược lớn vào việc phát triển công nghệ nội địa, được thúc đẩy mạnh mẽ từ khi Tổng thống Trump khơi mào cuộc chiến thương mại vào năm 2018, không phải là một chiến thắng chắc chắn. Tuy nhiên, khi Mỹ cố gắng dồn Trung Quốc vào chân tường, ít ai thấy được lối thoát nào khác cho Bắc Kinh ngoài việc đẩy mạnh tự chủ. Điều này càng củng cố niềm tin rằng Trung Quốc đang dần chiếm thế thượng phong trong cuộc đối đầu thương mại này.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-ai-dang-thuc-su-thang-the-20250718104754393.htm
Zalo