Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung tác động thế nào đến thị trường toàn cầu?
Giới quan sát lo ngại cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu và đề nghị hai nền kinh tế hàng đầu ngồi lại đàm phán.
Từ 0 giờ 01 ngày 9-4 (giờ Mỹ), thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên các nền kinh tế trên toàn cầu bắt đầu có hiệu lực.
Một trong những vấn đề đáng chú ý nhất trong đợt áp thuế của ông Trump chính là phản ứng từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là quốc gia hiếm hoi tuyên bố sẵn sàng đáp trả đến cùng các đòn thuế quan của Mỹ.
Giới quan sát lo ngại những động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc về thuế quan sẽ đe dọa nền kinh tế toàn cầu.
Chưa có dấu hiệu lùi bước
Chuỗi diễn biến căng thẳng bắt đầu khi Tổng thống Trump ngày 2-4 công bố sẽ áp thuế đối ứng lên hơn 100 nền kinh tế trên toàn cầu, trong đó, mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc là 34% và có hiệu lực từ ngày 9-4.
Do phải chịu các mức thuế trước đó từ Mỹ, cộng thêm mức 34% này nữa thì mức thuế mà hàng Trung Quốc phải gánh chịu lên tới 54%.
Rất nhanh sau khi ông Trump công bố áp thuế, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 3-4 cho biết Bắc Kinh phản đối việc Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Trung Quốc và sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
“Trung Quốc kêu gọi Mỹ giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng” - theo người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc.
Sang ngày 4-4, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng đúng 34% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và mức thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 10-4. “Kể từ 0 giờ 01 phút ngày 10-4 (giờ Bắc Kinh), Trung Quốc sẽ áp thuế 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ” - theo tuyên bố từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Bộ này nêu rõ rằng “các lô hàng đã khởi hành trước 0 giờ 01 phút ngày 10-4 và nhập khẩu vào Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 0 giờ 01 phút ngày 10-4 đến hết ngày 13-5 sẽ không bị áp mức thuế bổ sung này”.
Phía Trung Quốc cũng tiếp tục chỉ trích Mỹ sau đòn thuế đối ứng, gọi động thái của Washington là vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, gây tổn hại nghiêm trọng đến các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của Bắc Kinh.

Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung sẽ tác động thế nào đến thị trường toàn cầu? Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST
Đáp lại, Tổng thống Trump ngày 7-4 cảnh báo nếu Trung Quốc không rút lại mức thuế 34% trước ngày 8-4 thì Mỹ sẽ áp thêm “thuế bổ sung 50% đối với Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 9-4”.
“Ngoài ra, toàn bộ các cuộc đối thoại với Trung Quốc liên quan đến các buổi làm việc do họ đề xuất sẽ bị hủy bỏ! Mỹ sẽ lập tức bắt đầu đàm phán với các quốc gia khác cũng đã đề nghị gặp gỡ chúng tôi” - ông Trump tuyên bố thêm.
Ngay sau đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ không khuất phục trước áp lực từ phía Mỹ. “Chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng gây sức ép hoặc đe dọa Trung Quốc không phải là cách đúng đắn để hợp tác với chúng tôi. Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình” - người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ nói với hãng tin AFP.
“Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng nếu phía Mỹ vẫn quyết tâm đi theo con đường sai lầm” - Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc.
Trước phản ứng cứng rắn của Trung Quốc, Mỹ đã chính thức áp mức thuế tổng cộng lên đến 104% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó bao gồm 84% thuế đối ứng, bắt đầu từ ngày 9-4 (giờ Mỹ).
Ngày 9-4, Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện “các biện pháp kiên quyết và hiệu quả” để bảo vệ quyền lợi sau khi Mỹ áp thuế 104% lên hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9-4, theo tờ China Daily.
“Mỹ vẫn tùy tiện áp thuế và liên tục gây sức ép cực đoan. Trung Quốc kiên quyết phản đối và không bao giờ chấp nhận hành vi bắt nạt như vậy” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh.
Ông Lâm cảnh báo nếu Washington tiếp tục theo đuổi cuộc chiến thuế quan, Bắc Kinh “sẽ chiến đấu đến cùng”.
Hiện Trung Quốc chưa công bố biện pháp đáp trả cụ thể, song thông điệp từ chính phủ, truyền thông và giới học giả nước này đều cho thấy lập trường kiên quyết và sẵn sàng phản công.
Tác động của cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung với kinh tế toàn cầu
Theo tờ First Post, để hiểu một cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến thế giới như thế nào, trước hết cần nắm rõ các con số giao thương giữa hai nước này.
Theo dữ liệu từ các tổ chức quốc tế, hai nền kinh tế này đã trao đổi hàng hóa trị giá khoảng 585 tỉ USD trong năm 2024. Mỹ nhập khẩu hàng hóa trị giá 440 tỉ USD từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc nhập khẩu khoảng 145 tỉ USD hàng hóa từ Mỹ.
Trong số này, mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất là đậu tương, tiếp theo là dược phẩm và dầu mỏ. Ngược lại, Mỹ nhập khẩu một lượng lớn hàng điện tử, máy vi tính và đồ chơi từ Trung Quốc. Pin cho xe điện cũng chiếm tỉ trọng đáng kể trong lượng hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại một khi bùng phát giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của hai nước này, kéo theo tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Nguyên nhân theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ và Trung Quốc chiếm khoảng 43% quy mô nền kinh tế toàn cầu và gần 48% sản lượng sản xuất toàn cầu.

Các container vận chuyển tại Cảng container quốc tế Diêm Điền ở TP Thâm Quyến (Trung Quốc) vào ngày 7-4. Ảnh: BLOOMBERG
Thị trường Trung Quốc và Mỹ đã ngay lập tức phản ứng sau khi thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực. Cổ phiếu Trung Quốc đại lục và Hong Kong đều giao dịch trong sắc đỏ vào sáng 9-4. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc giảm 1,11%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,22% tính đến 10 giờ sáng (giờ địa phương). Cổ phiếu tại Đài Loan giảm 5,8% trong phiên giao dịch chiều 9-4.
Các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Mỹ đã giảm liên tiếp bốn phiên liên tiếp từ ngày 2-4.
Dù vậy, các chuyên gia dự đoán rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ không chùn bước trong cuộc chiến thuế quan này. Đài PBS News dẫn lời bà Elizabeth Economy - cựu Cố vấn cấp cao về Trung Quốc thuộc Bộ Thương mại Mỹ - rằng Trung Quốc sở hữu một bộ công cụ đáp trả khá mạnh mẽ.
“Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục áp thuế trả đũa. Họ chắc chắn sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các loại khoáng sản quan trọng mà Mỹ cần cho các ngành công nghệ và quốc phòng. Họ sẽ nhắm vào thêm một số công ty Mỹ, và có thể sẽ đưa thêm doanh nghiệp Mỹ vào danh sách ‘thực thể không đáng tin cậy’, đồng nghĩa với việc các công ty đó không còn được phép giao thương với Trung Quốc” - theo bà Economy.
Chuyên gia này cho rằng Bắc Kinh đang thực hiện vai trò rất chủ động và cứng rắn để cố gắng giữ cho nền kinh tế Trung Quốc không chệch hướng.
Trong bối cảnh trên, giới quan sát dự đoán rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chuyển hướng phần lớn hàng xuất khẩu của mình sang các thị trường khác để bù đắp cho thị phần có nguy cơ mất tại Mỹ - tương tự như cách Bắc Kinh đã làm sau cuộc chiến thương mại đầu tiên do ông Trump khởi xướng, theo trang tin Bloomberg.
Thách thức lần này là Trung Quốc sẽ phải thực hiện điều đó trong bối cảnh các nền kinh tế khác cũng đang gặp khó khăn vì mất thị trường xuất khẩu vào Mỹ.
Theo các nhà phân tích, chính vì những lý do đó mà hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cần ngồi lại đàm phán. Nếu không, điều này có thể phá vỡ hệ thống thương mại toàn cầu, làm chậm lại quá trình đổi mới sáng tạo và khiến ngay cả những mặt hàng thiết yếu cũng trở nên đắt đỏ hơn ở khắp nơi trên thế giới.