Cuộc chiến thuế quan ảnh hưởng lớn tới ngành quốc phòng Mỹ và Canada
Mức thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump sẽ giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp quốc phòng của Canada. Và ở chiều ngược lại, những biện pháp trả đũa của Ottawa có thể gây ra nhiều hệ lụy cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ.
Đòn giáng mạnh với Canada
Một ngày sau khi khi chính phủ mới Tổng thống Donald Trump áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa Canada vào ngày 1 tháng 2 năm 2025, Ottawa đã công bố mức thuế suất tương tự đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ trị giá 155 tỷ đô la Canada (105,5 tỷ USD).
Trong số những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thuế quan này, có thể kể đến công nghiệp quốc phòng. Đối với Canada, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Các công ty quốc phòng Canada phụ thuộc vào xuất khẩu, Mỹ là khách hàng lớn nhất của họ. Ước tính khoảng 60% doanh thu hàng năm của công nghiệp quốc phòng Canada là xuất khẩu sang Mỹ.

Máy bay tác chiến điện tử Global 6500 ISR của hãng Bombardier (Canada) đang được xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: Bombardier
Hiện nay, Mỹ cũng đang có nhiều hợp đồng mua sắm từ Canada. Chẳng hạn, theo công ty tư vấn GlobalData, chính phủ Mỹ đang trong quá trình mua 2 máy bay giám sát đường không và trinh sát và tác chiến điện tử của hãng Bombardier - dựa trên máy bay thương mại Global 6500 và Challenger 650 - từ Canada, có giá trị lần lượt là 642 triệu USD và 592 triệu USD.
Mức thuế quan mới có thể khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu như vậy mất khả năng cạnh tranh và hệ quả có thể khiến một số công ty quốc phòng Canada phá sản. Hơn nữa, việc tăng thuế quan sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với đầu tư.
Với chi phí cao hơn và mức độ chắc chắn của những thương vụ thấp hơn (do mức thuế quan mới), các công ty quốc phòng hoạt động tại Canada - bao gồm General Dynamics Land Systems (sản xuất xe bọc thép LAV 6.0 tại Ontario) và CAE (một công ty hàng đầu thế giới về máy bay mô phỏng quân sự được Không quân và Hải quân Mỹ sử dụng) - có thể chứng kiến cảnh thiếu hợp đồng trầm trọng.
Hệ quả của điều này sẽ là tình trạng sa thải quy mô lớn, cản trở sự đổi mới và thúc đẩy di cư của nhân tài sang Mỹ, làm rỗng ruột thêm ngành quốc phòng vốn đã thiếu vốn của Canada.
Trong bối cảnh như vậy, việc Mỹ áp thuế cao hơn với các sản phẩm quân sự từ Canada sẽ chỉ càng làm gia tăng trở lực cho sự phát triển của các công ty quốc phòng của nước láng giềng Bắc Mỹ này.
Nhưng Mỹ cũng ảnh hưởng không nhỏ
Ngành công nghiệp quốc phòng của Canada được tích hợp với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và được củng cố bằng các thỏa thuận chia sẻ sản xuất song phương lâu đời.
Nhiều công ty quốc phòng của Canada có mối liên hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng của Mỹ và đang sản xuất các thành phần quan trọng cho vũ khí của quân đội Mỹ, bao gồm máy bay phản lực chiến đấu, tàu chiến hay đạn dược.

Tiêm kích CF-188 (phiên bản Canada của tiêm kích hạm F/A18 Hornet) sẽ được Ottawa thay thế bằng một chiến đấu cơ Mỹ khác là F-35A. Ảnh: DND Canada
Các tập đoàn quốc phòng lớn của Mỹ như Lockheed Martin, Boeing và General Dynamics cũng phụ thuộc vào các nhà cung cấp Canada về một số thành phần công nghệ cao. Ví dụ, Magellan Aerospace, một công ty Canada, cung cấp các bộ phận quan trọng cho chương trình máy bay chiến đấu F-35. Tương tự, công ty IMP Aerospace ở Nova Scotia đang cung cấp dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa cho máy bay quân sự Mỹ.
Do đó, những thách thức với các công ty Canada cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những đối tác bên kia biên giới. Nhưng không chỉ có vấn đề về kỹ thuật. Thị trường xuất khấu cũng ảnh hưởng, bởi Canada, dù mới chi tiêu chưa tới 2% GDP cho quốc phòng, cũng là một khách hàng lớn của vũ khí Mỹ.
Hiện nay, Canada đang vận hành nhiều loại khí tài của Mỹ, đặc biệt là trong Không quân và Hải quân, bao gồm máy bay tuần thám biển và chống ngầm P-3C, tiem kích F/A-18, máy bay tiếp dầu KC-130H, máy bay huấn luyện T-6A Texan II hoặc tên lửa đối hạm RGM-84 Harpoon (trang bị cho tất cả các khu trục hạm của Canada).

Canada đang nhắm đến những tàu ngầm KSS-III từ Hàn Quốc. Ảnh: Wikipedia
Trong số các chương trình mua sắm đang diễn ra của Canada, tốn kém nhất cũng là hợp đồng mua 88 máy bay chiến đấu F-35A từ nhà sản xuất Mỹ, Lockheed Martin. Ngoài ra, còn có những hợp đồng lớn khác, chẳng hạn như mua hệ thống quang học chính xác cho tên lửa AIM-9X Sidewinder trị giá 1,9 tỷ USD, hoặc hợp đồng mua trực thăng Sikorsky CH-148 Cyclone trị giá 293 triệu USD.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Canada chỉ mới thực sự bắt đầu hiện đại hóa lực lượng vũ trang đang già cỗi của mình. Tháng 8 năm ngoái, Ottawa đã công bố chính sách quốc phòng mới có tên: “Miền Bắc của chúng ta, Mạnh mẽ và Tự do”, trong đó cam kết chi 8,1 tỷ đô-la Canada (5,7 tỷ USD) trong 5 năm tới và 73 tỷ đô-la Canada (51,5 tỷ USD) trong 20 năm tới.
Theo GlobalData, rất nhiều dự án mua sắm trong số đó vẫn chưa được tiết lộ hoặc trao cho các nhà thầu. Và nếu mức thuế quan đối với sản phẩm quốc phòng Mỹ tăng lên, Canada có thể sẽ phải hướng đến những đối tác khác, từ châu Âu và thậm chí cả châu Á.
Chẳng hạn, Ottawa đang nhắm đến những tàu ngầm KSS-III từ Hàn Quốc và nhà sản xuất Hanwha Ocean của quốc gia Đông Ấ này đã ký biên bản ghi nhớ với 4 công ty Canada có thể tham gia vào chuỗi cung ứng nếu tập đoàn Hàn Quốc thắng thầu.