'Cuộc chiến nước' của Ấn Độ và Pakistan
Cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan không chỉ diễn ra bằng súng đạn hay tên lửa. Đôi khi, vũ khí lại chính là nước.

Tháng này, Ấn Độ đã cho thế giới thấy sức mạnh của “vũ khí nước” khi giảm lưu lượng một nhánh sông chảy vào sông Indus (sông Ấn) - nguồn sống cho an ninh lương thực của Pakistan.
Trước đó vài tuần, New Delhi đã đình chỉ hiệp ước chia sẻ nguồn nước tồn tại nhiều thập kỷ với quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân, nhằm đáp trả vụ tấn công du khách ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
“Dòng nước của Ấn Độ sẽ chảy vì lợi ích của Ấn Độ, được bảo tồn cho Ấn Độ và phục vụ cho sự phát triển của Ấn Độ”, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố hôm 6/5.
Chỉ một ngày sau, Ấn Độ tiến hành hàng loạt cuộc không kích vào lãnh thổ Pakistan. Hai bên tiếp tục đấu pháo, phóng tên lửa và điều máy bay không người lái xâm phạm không phận lẫn nhau, khiến gần 50 người thiệt mạng.
Với Pakistan - một quốc gia hạ lưu phụ thuộc hơn 75% nguồn nước tái tạo từ bên ngoài – thông điệp vài tuần qua rất rõ ràng: nước là quyền lực, và quyền lực có thể bị khai thác như một vũ khí chiến lược, theo SCMP.

Người dân kiểm tra đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy bởi cuộc tấn công bằng tên lửa của Ấn Độ ở Muridke, một thị trấn gần Lahore, Pakistan, vào ngày 8/5. Ảnh: Xinhua.
Vũ khí hóa nguồn nước
Việc Ấn Độ sử dụng nước như một công cụ gây sức ép không phải là trường hợp cá biệt. Theo Viện Thái Bình Dương, một tổ chức nghiên cứu tại California chuyên về bảo tồn nước, số vụ tranh chấp liên quan đến nước đã vượt xa số thỏa thuận chia sẻ kể từ năm 2017.
Từ sông Nile ở châu Phi, Euphrates-Tigris ở Trung Đông đến Mekong ở Đông Nam Á, các dòng sông đang trở thành “chiến trường” mới của địa chính trị. Các chuyên gia cảnh báo, nhu cầu sử dụng nước tăng cao sẽ kéo theo làn sóng xung đột gia tăng trong thập kỷ tới.
“Khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung nước càng lớn, quốc gia kiểm soát nguồn nước càng nắm lợi thế chiến lược”, David Michel, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.
Ông cũng cảnh báo rằng các quốc gia thượng nguồn sẽ ngày càng sử dụng nước không chỉ để giải quyết các vấn đề tài nguyên mà còn để mặc cả trong các cuộc đàm phán kinh tế và chính trị.
Tại Afghanistan, các dự án đập nước và kênh đào dọc các sông Harirud, Helmand, Kabul và Kunar đang làm dấy lên căng thẳng với Iran, Pakistan và Turkmenistan - những nước cáo buộc chính quyền Taliban đang biến nước thành con bài thương lượng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực Trung Á, nơi các dự án tưới tiêu trên sông Amu Darya khiến quan hệ giữa Afghanistan và các quốc gia hạ lưu như Uzbekistan và Turkmenistan trở nên căng thẳng.
Ấn Độ cũng không nằm ngoài nỗi lo thiếu nước. Một siêu đập của Trung Quốc đang được xây dựng trên sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng (phía hạ lưu là sông Brahmaputra ở Ấn Độ) có nguy cơ làm gián đoạn dòng chảy. Còn đập Farakka của Ấn Độ trên sông Hằng lâu nay vẫn là điểm nóng trong quan hệ với Bangladesh.
Sự thiếu vắng các hiệp định vững chắc như Hiệp ước Nước sông Indus do Ngân hàng Thế giới làm trung gian - nay đã bị Ấn Độ đình chỉ - đang khiến căng thẳng leo thang trên khắp châu Á.
Trên sông Mekong, Trung Quốc nhiều lần gây tranh cãi với các quốc gia hạ lưu như Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tại Trung Đông, các đập nước của Thổ Nhĩ Kỳ trên sông Euphrates và Tigris làm giảm lưu lượng nước đến Iraq và Syria. Ở châu Phi, đập Đại Phục Hưng của Ethiopia trên sông Nile cũng gây mâu thuẫn gay gắt với Ai Cập và Sudan.
Pakistan: Khủng hoảng hiện hữu
Tại Pakistan, cuộc khủng hoảng nước không còn là giả định mà đã trở thành hiện thực. Hệ thống nông nghiệp lạc hậu, phụ thuộc nặng nề vào tưới tiêu, khiến quốc gia này đặc biệt dễ tổn thương trước các gián đoạn nguồn nước.
Trận “siêu lũ” năm 2022 từng nhấn chìm một phần ba lãnh thổ, đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân ở tỉnh Sindh. Nhiều người vẫn chưa thể phục hồi sau thảm họa này. Trước đó, trận lũ năm 2010 từng khiến sản lượng lúa ở Sindh giảm gần 30%, cho thấy tác động nghiêm trọng của các biến động thủy văn.
Tình trạng hạn hán kéo dài sau mùa mưa năm ngoái tiếp tục tàn phá các vụ mùa quan trọng như lúa mì và cà chua, đồng thời làm chậm tiến độ gieo trồng lúa và mía.

Một người nông dân đang làm việc trên cánh đồng khô cằn ở Hyderabad, tỉnh Sindh của Pakistan. Ảnh: Reuters.
Tỉnh Sindh - khu vực sản xuất nông nghiệp lớn thứ hai của Pakistan - đang chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Ngay cả trước khi Ấn Độ đình chỉ chia sẻ nước, năng suất cây trồng ở Sindh đã thấp hơn 20-40% so với Punjab, vùng thượng lưu giàu nước.
Theo Hiệp ước Nước sông Indus năm 1960, Pakistan được quyền sử dụng nguồn nước từ ba con sông phía tây (Indus, Jhelum và Chenab), trong khi Ấn Độ khai thác từ các sông phía đông (Ravi, Sutlej và Beas). Tuy nhiên, việc Ấn Độ kiểm soát dòng chảy các nhánh sông đang đe dọa trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu nông dân Pakistan.
“Với các hộ nông dân sống nhờ vào dòng sông, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng: mất mùa, mất thu nhập, mất an ninh lương thực”, Birkman nhấn mạnh. Đa phần họ không đủ tài chính hay công nghệ để thích nghi, và hậu quả là nhiều người buộc phải rời bỏ quê hương.
Sau siêu lũ năm 2022, nhiều người ở nam Punjab và bắc Sindh đã tham gia các băng nhóm tội phạm hoạt động dọc sông Indus - thường được gọi là “cướp sông Indus”. Tình trạng này khiến việc di chuyển gần sông vào ban đêm trở nên nguy hiểm, phản ánh sự tuyệt vọng của người dân trước áp lực của biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, các phản ứng của chính phủ Pakistan bị đánh giá là chưa tương xứng với quy mô khủng hoảng. Dù nước này đang triển khai các dự án nông nghiệp quy mô lớn trên đất quân đội với sự hỗ trợ từ Trung Quốc, các chuyên gia cảnh báo rằng chừng đó là chưa đủ.
Tái cấu trúc hay sụp đổ?
“Pakistan cần điều chỉnh toàn bộ chiến lược an ninh lương thực, từ bỏ ảo tưởng về dòng nước ổn định”, chuyên gia Ehab Ansari từ Dubai nhận định, lưu ý nguy cơ Ấn Độ xây thêm các đập trữ nước trên sông Chenab và Jhelum - những địa điểm mà nước này đã khai thác khoảng 20% lưu lượng.
Theo Ansari, Pakistan chỉ còn chưa đầy một thập kỷ để cải tổ hệ sinh thái nông nghiệp - khí hậu một cách toàn diện bao gồm: hiện đại hóa kênh mương, thúc đẩy nông nghiệp chính xác, xây dựng chuỗi bảo quản lạnh quốc gia và định hình lại thói quen tiêu dùng.
“Nếu bỏ lỡ cơ hội này, mọi sự thích nghi chỉ còn là đối phó khủng hoảng. Và sống sót sẽ là cuộc chơi của kẻ mạnh”, ông cảnh báo.

Chuyên gia cho rằng Pakistan cải tổ toàn diện hệ thống nông nghiệp và quản lý nguồn nước để thoát khỏi những mối đe dọa về các "cuộc chiến nước" trong khu vực. Ảnh: Reuters.
Ansari kết luận: nền kinh tế nông nghiệp của Pakistan đang tiến gần điểm gãy. Khả năng thích ứng của nước này với biến đổi khí hậu và sự bất ổn thủy văn sẽ không theo tuyến tính, mà sẽ là những cú sốc, những điều chỉnh bất đắc dĩ và sự hoảng loạn trong giới tinh hoa.
Nếu không có những điều chỉnh chính sách đáng kể cả ở cấp quốc gia lẫn toàn cầu các tác động domino sẽ lan rộng.
“Tình trạng bất ổn khu vực, khủng hoảng nhân đạo và căng thẳng địa chính trị sẽ gia tăng”, Birkman nói, đồng thời viện dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới dự đoán Nam Á có thể có tới 40 triệu người di cư vì khí hậu vào năm 2050.
Dù phần lớn di cư hiện tại là nội địa, Birkman cho rằng xu hướng này sẽ mang tính xuyên biên giới khi áp lực trong nước gia tăng, đòi hỏi các quốc gia như Ấn Độ và Pakistan xây dựng cơ chế hợp tác để quản lý cả di cư nội địa lẫn xuyên quốc gia.
Và bài toán này không chỉ của riêng Nam Á. Châu Âu và châu Phi, Mỹ và Trung Mỹ - cũng cần bắt tay để đối phó làn sóng di cư do áp lực khí hậu.
“Cuối cùng, chỉ khi hợp tác, các quốc gia mới có thể vượt qua thách thức này”, Birkman nhấn mạnh.