Cuộc cạnh tranh ngầm giữa các cường quốc về xây dựng tiêu chuẩn toàn cầu
Trong các tổ chức tiêu chuẩn hóa, việc áp đặt một tiêu chuẩn đến từ sự cân bằng tinh tế giữa sự nhượng bộ đối với đối thủ cạnh tranh và sự kiên định trong các vấn đề then chốt.
Bình luận về cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc hàng đầu trên thế giới, tạp chí Le Monde Diplomatique của Pháp cho rằng cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đã diễn ra trên những phương tiện truyền thông, trong những tổ chức quốc tế và tại các vòng đàm phán ngoại giao. Cuộc cạnh tranh này cũng đang diễn ra trong một lĩnh vực khác ít ồn ào hơn nhưng không kém phần gay cấn, đó là chi phối các tiêu chuẩn mang tính quyết định tương lai của thương mại quốc tế.
Hiện nay, các tiêu chuẩn và quy định ở cấp quốc gia của Pháp được xây dựng bởi Hiệp hội Tiêu chuẩn hóa Pháp (Afnor), ở quy mô châu Âu là dưới sự bảo trợ của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa châu Âu (CEN) - hoặc ở tầm quốc tế là do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) thiết lập nhằm giúp giao dịch quốc tế trơn tru và góp phần định hướng giao thương xuyên biên giới.
Trong một nền kinh tế được tổ chức theo chuỗi giá trị toàn cầu, việc thiết lập tiêu chuẩn cho phép các nhà lãnh đạo quản lý được việc những nhà cung cấp tung ra thị trường sản phẩm gì và sản xuất như thế nào thông quy trình kiểm soát tiêu chuẩn.
Tất cả các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật áp dụng cho một lãnh thổ đều hình thành nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật của lãnh thổ đó. Muốn bán được hàng, các công ty phải tích hợp nó vào thiết kế sản phẩm của họ. Nhưng những doanh nghiệp mạnh, có khả năng cạnh tranh, không chỉ cập nhật thông tin thường xuyên về sự phát triển của các tiêu chuẩn, mà họ còn cố gắng tác động đến nội dung của những tiêu chuẩn này theo cách sao cho nó phù hợp nhất có thể với các sản phẩm mà họ đã phát triển. Vì vậy, cạnh tranh không chỉ bắt đầu khi nó được đưa ra thị trường mà diễn ra ngay từ thượng nguồn, khi các công ty đóng góp vào việc soạn thảo một quy định về tiêu chuẩn.
Trong các tổ chức tiêu chuẩn hóa, việc áp đặt một tiêu chuẩn đến từ sự cân bằng tinh tế giữa sự nhượng bộ đối với đối thủ cạnh tranh và sự kiên định trong các vấn đề then chốt. Trong lĩnh vực này, một công ty muốn đạt được mục tiêu kiểm soát tiêu chuẩn cần phải có nguồn lực tài chính mạnh, năng lực kỹ thuật sẵn có và sự thông thạo quy trình soạn thảo.
Do đó việc đề xuất bản dự thảo đầu tiên hoặc chủ trì ủy ban kỹ thuật chịu trách nhiệm xác định thông số kỹ thuật là rất quan trọng.
Ngay từ các bước khởi đầu, một loạt lựa chọn mang tính quyết định sẽ được đưa ra. Những ai tham gia muộn hoặc đứng ngoài quá trình này sẽ phải trả giá: họ sẽ phải xem xét lại thiết kế sản phẩm của mình và chịu chi phí điều chỉnh, thậm chí phải từ bỏ thị trường vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra. Ngược lại, bất kỳ công ty nào có khả năng thúc đẩy nội dung của một tiêu chuẩn đều có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh để tiếp cận thị trường một cách phù hợp. Đó là lý do các tập đoàn đa quốc gia rất tích cực đầu tư vào lĩnh vực này.
Mỗi quốc gia có cơ quan tiêu chuẩn hóa riêng. Nhưng một mặt, hoạt động của các cơ quan quốc tế ngày càng mạnh mẽ hơn - đặc biệt là trong tổ chức chính, ISO; mặt khác, toàn cầu hóa đã nhân rộng hiệu ứng của những lợi thế cạnh tranh. Do đó, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế mới tiến triển với tốc độ chưa từng có.
Trong lịch sử, các công ty lớn từ một nhóm nhỏ gồm bốn nước Bắc Đại Tây Dương - Đức, Mỹ, Pháp và Anh - điều hành phần lớn các ủy ban kỹ thuật của ISO và có ảnh hưởng quyết định đến việc soạn thảo tiêu chuẩn. Để có thể hội nhập toàn cầu, Trung Quốc phải áp dụng rộng rãi chúng, ít nhất là cho đến giữa những năm 2000. Tuy nhiên, từ hai chục năm trở lại đây, thế cờ đã có nhiều sự thay đổi. Nếu vào năm 2004, bốn nước xuyên Đại Tây Dương quản lý 60% ban thư ký của các ủy ban và tiểu ban kỹ thuật của ISO, thì đến năm 2019 tỷ lệ này giảm xuống còn 52%.
Đồng thời, tỷ trọng của Trung Quốc tăng từ 1% lên hơn 10%, dù một số tập đoàn đa quốc gia phương Tây chưa ủng hộ các tập đoàn Trung Quốc đảm nhận trách nhiệm. Xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy tại Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), tổ chức song sinh với ISO. Hơn nữa, vị trí ngày càng lớn của Trung Quốc không chỉ được thấy trong các ban thư ký, mà còn trong hoạt động của những ủy ban kỹ thuật.
Hiện nay, họ tham gia tích cực hơn bất kỳ quốc gia nào khác vào các tổ chức này. Việc sử dụng các thể chế tiêu chuẩn hóa này để hỗ trợ sự nghiệp toàn cầu hóa công nghệ có nguồn gốc từ Trung Quốc là mục tiêu được xác định trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của nước này, trong đó các tài liệu về "Made in China 2025" và kế hoạch "China Standards 2035" đã được tinh chỉnh.
Đáng chú ý là Trung Quốc không chỉ điều hành một số ủy ban hiện có, mà còn chủ động thúc đẩy việc thành lập các cơ cấu mới quyết định những công nghệ tiên tiến. Như đã được giải thích trong "Kế hoạch Phát triển Trí tuệ Nhân tạo" công bố năm 2017, cũng như các tài liệu chiến lược được soạn thảo cùng với những gã khổng lồ công nghệ địa phương, Bắc Kinh có tham vọng trở thành người dẫn dắt của thế giới về tiêu chuẩn hóa vào năm 2030.
Trong lĩnh vực đầy triển vọng này, họ cũng có ảnh hưởng nhất định đến các quyết định trong ngành viễn thông. Chẳng hạn, 35% đóng góp cho các tiêu chuẩn liên quan đến mạng 5G đến từ các công ty Trung Quốc, so với 32% từ châu Âu và 16% từ Mỹ. Giống như các doanh nghiệp đối thủ Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, những công ty này, đặc biệt là Huawei, đã thành công trong việc đưa vào tiêu chuẩn 5G việc sử dụng các bằng sáng chế mà họ nắm giữ. Do đó, các động thái này không chỉ tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp cận thị trường một cách thuận lợi mà còn giúp nước này thu được lợi nhuận từ đó.
Việc quốc tế hóa các tiêu chuẩn Trung Quốc trên thực tế được áp dụng rất nhiều. Các nhà nghiên cứu kinh tế Tim Nicholas Rühlig và Tobias ten Brink giải thích: "Trung Quốc cung cấp các khoản vay và công ty xây dựng, nhưng yêu cầu những nước thụ hưởng phải chấp nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật như điều kiện tiên quyết cho sự tham gia của họ".
Mặc dù Trung Quốc đã đạt được những ảnh hưởng đáng kể trong 15 năm qua, Mỹ và các đối tác Tây Âu hiện vẫn kiểm soát cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn cầu. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang có tham vọng tạo ra một cơ sở hạ tầng mới. Và trong lĩnh vực công nghệ mới nổi, vốn ít bị chi phối bởi liên minh xuyên Đại Tây Dương đơn giản vì tính mới mẻ của nó, Trung Quốc đang giữ vị trí trung tâm.