Dồi dào hàng hóa cung ứng dịp cuối năm

Thông thường, khoảng thời gian từ 3-4 tuần trước Tết Nguyên đán, người tiêu dùng cả nước bắt đầu rục rịch mua sắm Tết… Do đó, cùng với việc bình ổn giá hàng hóa, ngành công thương các tỉnh, thành và doanh nghiệp đã lên kế hoạch tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng.

Doanh nghiệp bán lẻ chủ động nguồn hàng cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán 2025.

Doanh nghiệp bán lẻ chủ động nguồn hàng cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán 2025.

Các địa phương chủ động

Nhận định từ các nhà sản xuất và bán lẻ, mặc dù theo chu kỳ, sức mua thị trường trong nước cuối năm sẽ tăng nhưng năm nay dự báo sẽ không quá cao như kỳ vọng. Nguyên nhân do hiện nay, nền kinh tế trong nước tiếp tục chịu tác động từ những yếu tố không mấy khả quan; trong đó, có cơn bão số 3 (bão Yagi) xảy ra vào giữa tháng 9/2024. Chính những biến động này đã và đang khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong vấn đề chi tiêu, thậm chí họ còn gia tăng độ nhạy cảm về giá.

Cụ thể, sau bão số 3, sức mua tại miền Bắc, miền Trung giảm, sức mua ở TPHCM cũng giảm bởi nhiều người tiêu dùng có xu hướng tích lũy đề phòng rủi ro, cắt giảm các khoản tiêu dùng cho bản thân. Trước những biến động của thị trường, Sở Công thương các tỉnh, thành phố cho biết đã có phương án bình ổn giá cả hàng hóa cuối năm và mục tiêu trọng tâm là quyết tâm giữ ổn định giá, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Sở Công thương TPHCM cho biết, chương trình bình ổn thị trường năm nay ngoài thu hút số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia nhiều hơn năm ngoái còn mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Đặc biệt, lượng hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường đủ sức điều tiết thị trường, giữ cho giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh việc kiểm tra và kiểm soát thị trường hàng hóa phục vụ Tết, Sở Công thương TPHCM còn phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng và hệ thống phân phối trên địa bàn để đàm phán các chính sách chiết khấu ưu đãi, giúp giảm áp lực tăng giá, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu trong tháng cao điểm Tết.

Đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) thông tin, năm nay đơn vị chuẩn bị nguyên vật liệu từ rất sớm để đáp ứng mọi yêu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, các xưởng sản xuất, khu vực chế biến của Vissan đang hết sức khẩn trương, dự kiến cung ứng ra thị trường 930 tấn thực phẩm tươi sống và gần 3.700 tấn thực phẩm chế biến cho hơn 120.000 điểm bán hàng chế biến trên cả nước. Với vai trò là doanh nghiệp bình ổn thị trường, VISSAN dự trữ thêm từ 10 - 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng trường hợp khan hiếm hàng hóa đột biến của thị trường Tết.

Còn tại An Giang, toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp chủ lực đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường (tăng trên 53% so năm 2023), với 444 cửa hàng ở địa phương. Tổng số tiền dự trữ hơn 4.562 tỷ đồng. Trong số đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa tiêu dùng, hóa mỹ phẩm… trị giá 954 tỷ đồng; xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng 3.608 tỷ đồng. Dự kiến, doanh nghiệp sẽ cung ứng 6.894 tấn gạo, 1.310 tấn thịt lợn, 1.118 tấn thịt gà, vịt, 2.741 tấn thủy sản, gần 1,5 triệu trứng gia cầm, 70.437 thùng mì ăn liền, trên 81,1 triệu lít xăng, dầu…

Tại Thủ đô Hà Nội, để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao điểm trước, trong và sau dịp lễ Tết năm 2025, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa và tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công thương. Bên cạnh đó, thành phố cũng chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung - cầu của thị trường Hà Nội trong dịp lễ, Tết…

Đại diện siêu thị WinMart Thăng Long cho biết: Hệ thống WinMart/WinMart+ đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong những tháng cuối năm, khi thị trường thường có sự gia tăng về sức mua, dự kiến khoảng trên 20%. Theo đó, hệ thống siêu thị này đã lên kế hoạch từ sớm để chuẩn bị nguồn hàng ổn định và đảm bảo bình ổn giá, đặc biệt áp dụng với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống và hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm.

Không để khan hàng, sốt giá

Theo ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Sở sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực công thương đã xây dựng từ đầu năm, đồng thời bám sát chỉ đạo của thành phố để xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Cùng đó, Sở cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm với DN sản xuất, kinh doanh; trong đó, chú trọng nguồn gốc xuất xứ, nhãn hãng hóa, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; phối hợp với bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá mặt hàng do nhà nước quản lý giá; trong đó, có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát thị trường...

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doi-dao-hang-hoa-cung-ung-dip-cuoi-nam-10294510.html
Zalo