Cuộc cách mạng về tư duy và thể chế
Ngày 4-5-2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN). Điểm mới nổi bật mang tính đột phá lớn trong nghị quyết này là sự thay đổi quan điểm, nhận thức và xóa bỏ những định kiến, nghi kỵ vốn tồn tại lâu nay về vị trí, vai trò của khu vực KTTN.
Nghị quyết nêu rõ: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững”… Như vậy, lần đầu tiên, khu vực này được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Trước đây, trong nghị quyết của các kỳ đại hội, Đảng chỉ xác định khu vực KTTN là một bộ phận của nền kinh tế, sau đó là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Nhưng đến Nghị quyết 68 đã có bước tiến quan trọng khi khẳng định, khu vực KTTN là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Nội dung nghị quyết còn khẳng định, phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài và cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước. Đây không chỉ là một thông điệp chính trị mạnh mẽ mà còn là sự khẳng định rõ ràng về vai trò, vị trí của KTTN trong nền kinh tế quốc dân. Quan trọng hơn, nghị quyết còn đề ra những chính sách rất cụ thể như miễn thuế trong 3 năm đầu, bỏ phí môn bài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia các ngành nghề, lĩnh vực mà trước đây vốn là “vùng cấm” chỉ dành cho doanh nghiệp nhà nước, như công nghiệp quốc phòng, an ninh và tư pháp.
Đặc biệt, một trong những chính sách được giới doanh nghiệp trong cả nước đón nhận với sự đồng thuận cao là nghị quyết đã tách bạch rõ ràng giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm pháp nhân trong các sai phạm kinh tế. Theo đó, nghị quyết đã xác lập chủ trương ưu tiên áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế đối với vi phạm trước khi xem xét đến giải pháp hình sự. Giải pháp hình sự chỉ được áp dụng sau khi các biện pháp khắc phục kinh tế cũng như việc bồi thường không đạt hiệu quả. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp khu vực KTTN an tâm trong quá trình vận hành, tránh việc hình sự hóa các sai phạm kinh tế không nghiêm trọng. Điều này không chỉ là bước tiến lớn trong cải cách tư pháp mà còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro về pháp lý, đồng thời tạo môi trường kinh doanh an toàn hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ thân thiện, hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nghị quyết còn yêu cầu các địa phương khi quy hoạch khu, cụm công nghiệp cần dành quỹ đất riêng cho doanh nghiệp tư nhân - điều chưa từng được xác lập rõ ràng trong các chính sách trước đây. Một trong những rào cản lớn nhất khiến doanh nghiệp tư nhân khó phát triển chính là sự bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực. Vì doanh nghiệp nhà nước được cấp vốn, doanh nghiệp FDI được bảo lãnh và có lãi suất thấp, trong khi doanh nghiệp tư nhân trong nước phải tự bơi, tự lo vốn với lãi suất cao. Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết 68 đã đưa ra nhóm giải pháp quan trọng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, đáng chú ý nhất là chủ trương khuyến khích ngân hàng cho vay dựa trên dòng tiền thay vì tài sản thế chấp. Với những quy định nêu trên cho thấy, Nghị quyết 68 thực sự là một cuộc cách mạng về tư duy và thể chế.