Cuộc bầu cử ở Đức có ý nghĩa gì đối với nước Mỹ và thế giới?

Theo tờ Politico ngày 24/2, cuộc bầu cử quốc gia Đức ngày 23/2 đã đưa ông Friedrich Merz và liên minh bảo thủ CDU/CSU trở lại nắm quyền.

Ông Friedrich Merz - Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Friedrich Merz - Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, chiến thắng này không đồng nghĩa với một con đường thuận lợi cho ông Friedrich Merz. Trong nước, ông đối mặt với nhiệm vụ xây dựng một chính phủ liên minh mong manh và đối phó với sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD). Trên trường quốc tế, ông cần cân bằng quan hệ với Mỹ và duy trì sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU).

Liên minh cầm quyền mong manh và sự trỗi dậy của AfD

Kết quả bầu cử cho thấy CDU/CSU giành được số phiếu cao nhất, trong khi đảng AfD cũng đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh cử tri ngày càng lo ngại về tình trạng nhập cư và suy thoái kinh tế, AfD đã mở rộng ảnh hưởng với các thông điệp cứng rắn về kiểm soát biên giới và chính sách xã hội bảo thủ. Tuy nhiên, do quan điểm cực đoan của đảng này, các đảng lớn - trong đó có CDU/CSU - đã từ chối hợp tác. Điều này buộc ông Friedrich Merz phải tìm cách thành lập một chính phủ liên minh với các đối tác trung tả, nhiều khả năng là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Olaf Scholz và đảng Xanh.

Việc hợp tác với các đảng trung tả có thể hạn chế khả năng thực hiện những chính sách bảo thủ mà ông Friedrich Merz đã cam kết, đặc biệt trong các vấn đề nhập cư và cải cách kinh tế. Theo ông Gordon Repinski, cách duy nhất để ngăn chặn sự lớn mạnh của AfD là điều hành một chính phủ thành công, thực hiện hiệu quả các cam kết với cử tri. Tuy nhiên, liên minh của ông Friedrich Merz có thể dễ dàng rơi vào tình trạng chia rẽ khi phải thỏa hiệp với những đảng có quan điểm khác biệt.

Quan hệ với Mỹ và thách thức từ Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng chúc mừng chiến thắng của ông Friedrich Merz và gọi đây là "một ngày tuyệt vời cho nước Đức". Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo có thể không diễn ra suôn sẻ như kỳ vọng. Ông Friedrich Merz là người ủng hộ mạnh mẽ EU và NATO, trong khi ông Donald Trump từng nhiều lần chỉ trích hai tổ chức này, yêu cầu các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và giảm phụ thuộc vào Mỹ. Những khác biệt này có thể dẫn đến xung đột trong chính sách xuyên Đại Tây Dương.

Một yếu tố khác có thể gây khó khăn cho ông Friedrich Merz là sự ủng hộ mà một số nhân vật bảo thủ Mỹ dành cho đảng AfD. Tỷ phú Elon Musk đã công khai thể hiện quan điểm ủng hộ AfD, trong khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance gần đây đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo đảng này. Việc các nhân vật có tầm ảnh hưởng ở Mỹ hỗ trợ một đảng mà ông Friedrich Merz coi là đối thủ chính trị có thể tạo ra thách thức cho chính phủ mới tại Berlin.

Chính sách nhập cư và kinh tế

Bối cảnh kinh tế bất ổn trong nhiệm kỳ của ông Olaf Scholz là một trong những nguyên nhân chính giúp CDU/CSU giành chiến thắng. Chính phủ tiền nhiệm gặp khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát và khủng hoảng năng lượng do cắt giảm nguồn cung từ Nga. Giá khí đốt tăng cao, đời sống bị ảnh hưởng và tăng trưởng kinh tế suy yếu đã làm giảm lòng tin của cử tri vào liên minh cầm quyền. Đồng thời, nhiều vụ tấn công do người nhập cư gây ra đã làm gia tăng áp lực đối với chính sách nhập cư, thúc đẩy nhu cầu về các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt hơn.

Ông Friedrich Merz đã vận động tranh cử với cam kết thực hiện chính sách nhập cư chặt chẽ hơn và khôi phục tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, do phải hợp tác với SPD và đảng Xanh, việc hiện thực hóa những chính sách này có thể trở nên khó khăn. Nếu chính phủ của ông Merz không giải quyết được các vấn đề mà cử tri quan tâm, AfD có thể tiếp tục gia tăng ảnh hưởng và trở thành đối thủ đáng gờm hơn trong các cuộc bầu cử sau này.

Chính sách đối ngoại

Về chính sách đối ngoại, ông Friedrich Merz nhiều khả năng sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Nga so với ông Olaf Scholz. Ông ủng hộ tiếp tục viện trợ Ukraine và kêu gọi các đồng minh châu Âu đóng vai trò tích cực hơn trong an ninh khu vực. Tuy nhiên, quan điểm này có thể khiến ông mâu thuẫn với Tổng thống Trump - người từng bày tỏ mong muốn giảm bớt cam kết của Mỹ đối với Ukraine. Nếu Washington cắt giảm viện trợ, Đức và các nước châu Âu có thể phải tự tăng cường hỗ trợ quân sự, gây áp lực lên ngân sách quốc gia.

Về thương mại, ông Friedrich Merz có thể phải đối mặt với chính sách bảo hộ của Mỹ, đặc biệt là nguy cơ chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa châu Âu. Nếu điều này xảy ra, Đức có thể đáp trả bằng cách thúc đẩy EU áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Mỹ. Tuy nhiên, ông Friedrich Merz vẫn ưu tiên duy trì thương mại tự do và có thể tìm cách đàm phán để tránh một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn.

Tương lai chính trị và vai trò của Đức trên trường quốc tế

Tương lai chính trị của ông Friedrich Merz sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì sự ổn định trong liên minh cầm quyền, cải thiện nền kinh tế và xử lý vấn đề nhập cư. Nếu chính phủ của ông hoạt động hiệu quả, CDU/CSU sẽ củng cố vị thế và kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của AfD. Ngược lại, nếu các chính sách không đáp ứng được kỳ vọng của cử tri, phe cực hữu có thể tiếp tục trỗi dậy, tạo ra những biến động lớn trong chính trường Đức.

Trong bối cảnh quan hệ xuyên Đại Tây Dương có nhiều thay đổi, nước Đức dưới sự lãnh đạo của ông Friedrich Merz có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề toàn cầu, từ an ninh châu Âu đến thương mại quốc tế. Quan hệ giữa Berlin và Washington sẽ phụ thuộc vào cách ông Friedrich Merz và ông Donald Trump xử lý những khác biệt về chính sách đối ngoại và chiến lược an ninh. Những quyết định sắp tới không chỉ tác động đến nước Đức mà còn ảnh hưởng đến cục diện chính trị châu Âu và thế giới.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo Politico)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-bau-cu-o-duc-co-y-nghia-gi-doi-voi-nuoc-my-va-the-gioi-20250224145956392.htm
Zalo