Cùng 'sân' kiểm định chất lượng GD, tổ chức nước ngoài lại có nhiều lợi thế hơn

Lãnh đạo một số trung tâm KĐCLGD trong nước kiến nghị cần đảm bảo công bằng giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài.

Tại Tọa đàm “Kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài và trong nước” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, lãnh đạo một số trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước nêu quan điểm và có một số kiến nghị để hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ngày càng minh bạch.

Giải pháp nào để tăng độ uy tín cho tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước?

Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 – 2030” nêu: Đến năm 2025 có "10% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế" và đến năm 2030 có "100% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước tự đánh giá theo khung tiêu chuẩn đánh giá của khu vực ASEAN, trong đó 20% đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế". Mục tiêu này được lãnh đạo nhiều trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước quan tâm.

Bởi, việc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức đảm bảo chất lượng quốc tế sẽ mang đến một số thuận lợi cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Chia sẻ tại tọa đàm, Tiến sĩ Dương Mộng Hà – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn cho hay, Tiêu chuẩn 2, Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nêu: “Có kiểm định viên làm việc toàn thời gian tham gia hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài”.

Ngoài ra, Tiêu chuẩn 4 của Thông tư này về vấn đề hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục yêu cầu “Tham gia vào mạng lưới các tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế hoặc có thỏa thuận hợp tác quốc tế trong việc công nhận kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”.

 Các chuyên gia, lãnh đạo trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, lãnh đạo Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của nhiều cơ sở giáo dục đại học tham gia tại tọa đàm (Ảnh: Doãn Nhàn).

Các chuyên gia, lãnh đạo trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, lãnh đạo Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng của nhiều cơ sở giáo dục đại học tham gia tại tọa đàm (Ảnh: Doãn Nhàn).

Theo thầy Hà, việc thực hiện những quy định trên đem lại lợi ích không chỉ cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước nói riêng mà còn cho hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung. Bởi việc này giúp các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước nắm được tiêu chuẩn, quy trình, quy định,… của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài như thế nào, từ đó nâng cao uy tín, cải thiện và nâng cao chất lượng cho chính mình.

Tuy nhiên, nên chăng cũng cần yêu cầu các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài cần thiết phải có kiểm định viên tham gia và quá trình kiểm dịnh của các trung tâm kiểm định chất lượng trong nước để họ hiểu về văn hóa và từ đó có sự hợp tác chặt chẽ với các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.

Nếu làm được, đây sẽ là cách làm rất hay để nâng cao uy tín, độ tin tưởng của hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước nói riêng. Đồng thời, việc này làm tăng thêm cơ hội hợp tác đào tạo quốc tế cho các cơ sở giáo dục đại học trong nước.

Đáng nói, để thực hiện được việc này không phải đơn giản bởi những kiểm định viên nước ngoài có thể khó đáp ứng một số yêu cầu như theo bộ tiêu chuẩn, bộ tiêu chí đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, …

Đứng trước thực tế hiện nay khi cơ sở giáo dục đại học có nhiều chọn lựa về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục dựa trên những yêu cầu, mong muốn, đặc điểm riêng, thầy Hà cho rằng, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước cần phải làm sao đáp ứng được nhiều yêu cầu cùng lúc, tăng cường hòa nhập quốc tế, nâng cao chất lượng về đội ngũ, …

Nhiều điểm khác biệt giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài

Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long bày tỏ, sự khác biệt giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài sẽ được nhìn nhận rõ nhất từ phía các cơ sở giáo dục đại học.

Theo thầy Đường, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có sự tương đồng về những mặt tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo, giảng viên, cơ sở vật chất, kết quả đầu ra, … Tuy nhiên, giữa 2 loại tổ chức này vẫn có sự khác biệt trong quá trình triển khai, đánh giá.

Đơn cử, đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, các minh chứng phải nêu rất cụ thể, được xác thực một cách rõ ràng với số lượng cần rà soát một cách kỹ lưỡng hơn. Do đó, trong hoạt động kiểm định cụ thể, những thủ tục, công đoạn kiểm định có thể làm gián đoạn hoạt động của nhà trường, đâu đó gây ra phiền phức đối với cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, cách đánh giá dựa trên các nguyên lý của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài và dựa trên các nguyên tắc của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước là một điểm khác biệt cần lưu tâm.

Thầy Đường cũng gửi lời cảm ơn đối với những chia sẻ từ phía cơ sở giáo dục đại học đã thông tin tại tòa đàm, đặc biệt là về vấn đề chi phí kiểm định chất lượng giáo dục. Bởi điều này giúp các trung tâm kiểm định trong nước cần nhìn nhận và có giải pháp về việc đưa ra chi phí kiểm định thế nào cho hợp lý.

Cũng tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) bày tỏ, nếu được, tổ chức kiểm định chất lượng trong nước cũng mong muốn được Bộ cho phép được kiểm định theo nguyên lý giống các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài thì rất tốt. Bởi khi đó, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước không phải đi kiểm tra những quy định rất đơn giản mà được đi thẳng sâu vào luôn vấn đề chuyên môn, những vấn đề về chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên, hoạt động hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, …

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Cô Nga bày tỏ, so sánh bộ tiêu chuẩn của nhiều tổ chức kiểm định giáo dục nước ngoài cũng có nhiều khác biệt với kiểm định giáo dục trong nước.

Đơn cử, bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục FIBAA chỉ có 5 tiêu chuẩn, 25 tiêu chí; bộ tiêu chuẩn ASSIN có 6 tiêu chuẩn với 16 tiêu chí; bộ tiêu chuẩn AQAS 7 có tiêu chuẩn, trong đó không phân chia tiêu chí. Trong khi đó, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo dục đại học của nước ta có 11 tiêu chuẩn, 50 tiêu chí.

Ngoài ra, chu kỳ kiểm định cũng có sự khác biệt. Nếu chu kỳ kiểm định của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước là 5 năm thì chu kỳ của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài đối với lần đầu tiên là khoảng 4 năm hoặc 5 năm, từ lần thứ 2 tái kiểm định là 6 năm hoặc 7 năm.

Việc có nhiều tiêu chuẩn hơn, chu kỳ đánh giá diễn ra sớm hơn,… có thể khiến công tác đánh giá ngoài của các cơ sở giáo dục đại học khi lựa chọn kiểm định chương trình bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước bị phức tạp, vất vả hơn.

Cô Nga cũng bày tỏ băn khoăn khi không dễ dàng tìm thấy thông tin công khai toàn bộ đội ngũ kiểm định viên, quy trình, kết quả đánh giá ngoài, … trên website của nhiều tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài.

Mặt khác, theo quy định tại Thông tư số 13/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước được đánh giá qua bộ tiêu chuẩn đánh giá với 5 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí. Tuy nhiên, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài lại không bị đánh giá bởi quy định này dù cùng hoạt động tại “sân” kiểm định của Việt Nam.

Cũng theo cô Nga, việc có sự tham gia của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài đối với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam là rất tốt để các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước học hỏi, chia sẻ nhưng cần đảm bảo sự công bằng giữa 2 loại tổ chức này. Từ đó, cơ sở giáo dục đại học sẽ lựa chọn được tổ chức thực sự tốt và phù hợp với mình.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/cung-san-kiem-dinh-chat-luong-gd-to-chuc-nuoc-ngoai-lai-co-nhieu-loi-the-hon-post246106.gd
Zalo