Cúng Rằm tháng Chạp năm Giáp Thìn 2024 vào giờ nào tốt?

Rằm tháng Chạp khởi đầu cho mùa lễ hội, mùa Tết Nguyên đán, là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và các vị thần linh, chuẩn bị tiễn đưa năm cũ và đón năm mới.

Khung giờ đẹp để cúng Rằm tháng Chạp

Theo Lịch vạn niên, ngày Rằm tháng Chạp năm Giáp Thìn 2024 (tức ngày 15 Âm lịch) rơi vào thứ Ba, ngày 14/1/2025 Dương lịch.

Theo gợi ý của các chuyên gia phong thủy, cúng Rằm tháng Chạp tốt nhất nên thực hiện vào buổi sáng hoặc chiều tối, không nên cúng quá muộn. Thời gian tốt nhất là trước khi trời tối.

Có 3 khung giờ đẹp trong ngày để thực hiện cúng Rằm tháng Chạp. Giờ Ất Mão (5h-7h), giờ này tốt nhất cho việc khai trương và các nghi lễ thờ cúng. Cúng Rằm tháng Chạp 2024 giờ này thì cầu tài lộc dễ phát, kinh doanh buôn bán thuận lợi.

Giờ Đinh Tỵ (9h-11h), gia chủ làm gì cũng suôn sẻ, dễ gặp được quý nhân tương trợ, lúc nguy nan có người ứng cứu kịp thời.

Giờ Canh Thân (15h-17h), làm lễ cúng Rằm giờ này thì công việc thuận lợi, kinh doanh phát đạt, sở cầu như nguyện.

Tuy nhiên, tùy theo lịch trình công việc và thực tế của mỗi gia đình, có thể soạn lễ cúng Rằm tháng Chạp vào ngày 14/12 Âm lịch, tức ngày 13/1/2025 Dương lịch.

Lễ vật cúng Rằm tháng Chạp

Tùy vào từng vùng miền, điều kiện của mỗi gia đình, cá nhân sẽ chuẩn bị lễ vật cúng Rằm tháng Chạp khác nhau. Dưới đây là những lễ vật trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp theo phong tục truyền thống:

- Hương và hoa

- Đèn và nến thắp sáng

- Mâm ngũ quả

- Trầu cau

- Rượu và nước

- Mâm cỗ, có thể là cỗ chay hoặc mặn.

Một mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Chạp đầy đủ thường bao gồm các món ăn sau đây:

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

- Bánh chưng hoặc bánh tét: Tùy theo vùng miền, bánh chưng hoặc bánh tét sẽ có mặt trong mâm cúng. Đây là món bánh truyền thống không chỉ mang đậm hương vị Tết mà còn tượng trưng cho đất trời, lòng biết ơn tổ tiên.

- Xôi có thể là xôi gấc, xôi đỗ, xôi lạc tùy theo khẩu vị của gia đình. Món xôi tượng trưng cho sự no đủ, là lễ phẩm dâng lên để tỏ lòng thành tâm. Giữa xôi và bánh chưng có thể chỉ cần chọn một thứ.

- Gà luộc, thường là gà trống, lễ vật thiết yếu trong mâm cúng.

- Canh: Có thể là canh bóng, canh miến, canh măng mọc, canh rau củ.

- Giò lụa: Thể hiện cho sự tròn đầy, viên mãn của năm mới.

- Nem rán: Món ăn phổ biến trong các dịp lễ Tết.

- Thịt đông: Đặc trưng với cái lạnh của mùa đông miền Bắc, món thịt đông có ý nghĩa đoàn tụ, quây quần.

- Món xào: Món xào trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ nấu đến cầu kỳ, chẳng hạn như rau cải chíp xào nấm hương, thịt bò xào ớt chuông..

Tùy vào từng vùng miền và điều kiện của từng gia đình có thể thay đổi các món ăn khác nhau để làm lễ cúng.

Một mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Chạp thường bao gồm những món ăn đặc trưng sau:

Ảnh minh họa. (@nhungngo)

Ảnh minh họa. (@nhungngo)

- Nem chay: Làm từ các loại rau củ như cà rốt, khoai môn, nấm mèo và bún tàu, gói trong bánh tráng và chiên giòn. Nem chay mang hương vị nhẹ nhàng, dễ ăn và hấp dẫn.

- Đậu hũ chiên sả: Đậu hũ được cắt miếng, ướp với sả băm nhỏ, sau đó chiên vàng. Món ăn này đơn giản, dễ thực hiện nhưng rất thơm ngon.

- Canh chay: Thường nấu từ các loại rau củ như cà rốt, su su, bông cải, và đậu que. Nước dùng từ rau củ giúp món canh có vị ngọt tự nhiên và thanh mát.

- Xôi gấc: Món xôi gấc có màu đỏ cam đặc trưng, thể hiện sự may mắn, thịnh vượng. Xôi ngọt nhẹ, dẻo thơm nhờ hạt nếp chất lượng và gấc chín.

- Rau củ xào: Các loại rau củ như bông cải, nấm, cà rốt được xào vừa chín tới, giữ được độ tươi ngon và vị ngọt tự nhiên.

- Chè: Có thể là chè đậu xanh, chè hoa cau hoặc chè trôi nước. Chè mang ý nghĩa ngọt ngào, mong muốn cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Khi bày mâm cỗ, các gia đình cần chú ý sắp xếp sao cho hợp lý, gọn gàng và đẹp mắt. Các món ăn nên được đặt trên các bát, đĩa có kích thước phù hợp. Trước khi dâng lên bàn thờ, mâm cỗ cần được đặt trên chỗ cao, sạch sẽ.

Văn khấn cúng Rằm tháng Chạp tại gia

Ngoài lễ vật, các gia đình cũng cần chuẩn bị bài văn khấn để cầu mạnh khỏe, may mắn và bình an.

Theo sách "Văn khấn cổ truyền Việt Nam", văn khấn cúng Rằm tháng Chạp tương tự như văn khấn các ngày Rằm khác trong năm. Cụ thể như sau:

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Đông Thần quân.

Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch.

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần.

Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần.

Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.

Tín chủ (chúng) con là:.. Ngụ tại:..

Hôm nay là ngày...... tháng...... năm.... (Rằm tháng Chạp năm Giáp Thìn), tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mời: ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa. Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời thương xót thương tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo!

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cung-ram-thang-chap-nam-giap-thin-2024-vao-gio-nao-tot-204250113112843727.htm
Zalo