'Cùng nhau đi xa' phát triển nông nghiệp bền vững
Các nước trong cộng đồng Pháp ngữ vừa chia sẻ kinh nghiệm để cùng giải quyết các thách thức toàn cầu, với tinh thần: 'Một mình, chúng ta đi nhanh, nhưng cùng nhau, chúng ta đi xa'.
Đề xuất chương trình hành động cụ thể
Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu là chủ đề của Diễn đàn Nghị viện vừa được Quốc hội Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ, với sự tham dự của các nghị sĩ thành viên Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), các nghị sĩ Pháp ngữ từ tất cả các châu lục.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, nhờ đầu tư vững chắc cho nông nghiệp, nên Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được an ninh lương thực, mà còn xuất khẩu nông sản. Năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt kỷ lục 62,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo trên 9 triệu tấn, đạt giá trị 5,7 tỷ USD.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Việt Nam tổ chức diễn đàn này nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo sinh kế cho mỗi hộ gia đình và an ninh lương thực cho mỗi quốc gia, đi đôi với việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, từ kinh nghiệm của Việt Nam, hướng đi thành công nhất để đạt được các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy các hành động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu là mô hình hợp tác có sự tham gia của nhiều bên. Trong đó, điển hình là hợp tác ba bên: một bên là các nước có nhu cầu tiếp nhận hỗ trợ, một bên là những nước và tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để chia sẻ và một bên là những nước và đối tác phát triển có nguồn lực để tài trợ thực hiện việc chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm.
Trong phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã khẳng định, Việt Nam với tư cách là một quốc gia phát triển năng động, sẵn sàng đồng hành với các nước trong khối Pháp ngữ trên hành trình xây dựng một tương lai bền vững, đoàn kết và thịnh vượng.
“Tôi mong rằng, cộng đồng chúng ta cùng nhau hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực phát triển nông nghiệp để cùng giải quyết các thách thức toàn cầu, đúng như câu nói “Một mình, chúng ta đi nhanh, nhưng cùng nhau, chúng ta đi xa” - ông Hoan bày tỏ.
Chương trình hành động cụ thể được Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất gồm:
Một là, khuyến khích tất cả các thành viên Pháp ngữ, các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân liên quan tăng cường hợp tác trong việc xây dựng và thực hiện dự án và chương trình hỗ trợ nông nghiệp bền vững.
Hai là, kêu gọi các tổ chức quốc tế, khu vực, các thiết chế tài chính quốc tế, các nước phát triển tăng cường cung cấp tài chính, nguồn lực nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực và chuyển đổi hệ thống nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ba là, phấn đấu vì một nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu thông qua việc áp dụng các công nghệ canh tác phù hợp và các thực hành quản lý nguồn tài nguyên bền vững.
Bốn là, thúc đẩy các thực hành canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; khuyến khích các quốc gia thành viên Pháp ngữ sử dụng công nghệ tiên tiến phát thải thấp và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện khả năng chống chịu thích ứng biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị (từ giống, phân bón, bảo vệ thực vật, cơ giới hóa, quy hoạch, sản xuất, chế biến, bảo quản và phát triển thị trường) cũng như có thể huy động chuyên gia tư vấn chính sách, quy hoạch phát triển nông nghiệp, thiết kế và quản lý dự án cho các chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp, đặc biệt thông qua cơ chế hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên.
Đồng thuận cao, cam kết mạnh mẽ
Sau một ngày hoạt động, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khái quát, các phiên thảo luận chuyên đề của Diễn đàn về “Hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững”, “Cộng đồng Pháp ngữ với vấn đề an ninh lương thực” và “Chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu” đã ghi nhận nhiều ý kiến, bao gồm cả những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như nhiều đề xuất, kiến nghị có giá trị về chủ đề của Diễn đàn.
Qua các phiên thảo luận đã đạt được những nhận thức chung, thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ Pháp ngữ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chung tay giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu, ông Hải nhấn mạnh.
Thông qua tuyên bố Cần Thơ, các đại biểu thống nhất tầm quan trọng của nông nghiệp ở các nước, vùng lãnh thổ thành viên APF và mối liên hệ với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất hệ sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bất bình đẳng xã hội, cũng như nhu cầu cấp thiết phải đẩy nhanh nỗ lực hướng tới các thực tiễn nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và hành động khẩn cấp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nghị viện và sự tham gia của các nghị sĩ trong việc xây dựng và thúc đẩy triển khai các chính sách, quy định nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác quốc tế và hợp tác đa chủ thể, bao gồm hợp tác liên nghị viện, liên chính phủ, cũng như các mô hình hợp tác Bắc - Nam và Nam - Nam, hợp tác ba bên, bốn bên, hợp tác công - tư, sự tham gia của mọi chủ thể trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó biến đổi khí hậu.
Quan tâm đến các đối tượng dễ bị tổn thương chịu tác động sâu sắc bởi biến đổi khí hậu trong xây dựng và thực thi các chính sách, quy định nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực.
Với tuyên bố Cần Thơ, các đại biểu khuyến khích các nghị sĩ và nghị viện thành viên Pháp ngữ tiếp tục hành động mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Đặc biệt trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, khung khổ chính sách, định hướng chiến lược bảo đảm mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo động lực và đồng hành với các chính phủ thành viên trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với mục tiêu và các nguyên tắc liên quan của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris, các hiệp định liên quan và điều kiện thực tế của các nước và vùng lãnh thổ thành viên Pháp ngữ…
Cùng với đó, các đại biểu kêu gọi các nghị viện, thông qua hoạt động lập pháp và giám sát của mình về khí hậu ở cấp vùng lãnh thổ và địa phương, bên cạnh các hợp tác cấp quốc gia, chú trọng đến việc hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trước hậu quả của biến đổi khí hậu, bao gồm phụ nữ và trẻ em, cũng như phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện các sáng kiến của từng nước và trong nỗ lực chung của cộng đồng Pháp ngữ…
Liên minh Nghị viện Pháp ngữ là một tổ chức quốc tế được thành lập với mục tiêu tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia nói tiếng Pháp và là cầu nối quan trọng để các quốc gia thành viên chia sẻ kinh nghiệm, tri thức.
Nông nghiệp là lĩnh vực cốt lõi đối với nhiều quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ, đặc biệt là ở châu Phi, Đông Nam Á và vùng Caribe. Đây không chỉ là nguồn thu nhập chính cho hàng triệu người dân, mà còn là chìa khóa đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế bền vững.