Cùng nhân những yêu thương…
Lòng tôi thầm biết ơn mối duyên lành được trở thành thành viên của ngôi nhà chung Giáo dục và Thời đại để được gặp gỡ ước mơ.
“Chị ơi, học sinh của em háo hức đọc, thuyết trình về Báo Giáo dục và Thời đại này!”.
Sáng Thu trong veo và lòng tôi cũng trong veo theo dòng tin nhắn ấy từ cô Nguyễn Thị Hằng (giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lương Tài, Bắc Ninh). Còn niềm hạnh phúc nào trong công việc lớn lao hơn niềm hạnh phúc này đây?
Thế là, giữa phút giây nghỉ ngơi, lòng tôi lại thơ thới vui cùng niềm vui: “Mỗi khi cô có bài đăng trên ấn phẩm Chủ nhật, học trò xin một tiết không học Văn, chỉ để đọc báo. Đương nhiên em sẽ luôn đồng ý. Cô trò đọc xong liền trao đổi về những bài mà các em ấy quan tâm. Tiết đọc báo bao giờ cũng rất vui và sôi nổi. Chị ạ, báo mình thực sự là món ăn tinh thần thú vị, ý nghĩa với cô trò em”, cô Hằng nhắn gửi.
Nhớ về trưa Hè oi ả năm trước nhưng sao lòng tôi khi ấy thật dịu mát, xao xuyến. Không khó để lý giải vì trước đó cô Vũ Thị Huế, giáo viên Trung tâm GDTX tỉnh Bắc Ninh gửi đôi dòng tâm tình của một người mẹ bất chợt thấu hiểu hơn thế giới tâm hồn của cô con gái nhỏ được bắt đầu từ Báo GD&TĐ (ấn phẩm Chủ nhật): “Chị à, từ những chuyên trang Tản văn, Café Chủ nhật, Ngày… tháng… năm…, mà con gái em yêu tha thiết viết. Cô giáo bạn ấy cũng khích lệ nhiều và bạn ấy vui, phấn khởi lắm. Nhờ đó, em biết được con rất nhạy cảm, suy nghĩ chín chắn hơn em tưởng”.
Và sau nốt trầm vì cơn bão số 3 (Yagi) đi qua gây biết bao đau thương mất mát, lòng tôi thêm ấm áp khi được thấy những câu chuyện về tấm lòng tương thân, tương ái được khởi nguồn từ nhuận bút nho nhỏ của Báo GD&TĐ mà những người thầy ở Trường THPT Nghi Lộc 2, (Nghi Mỹ, Nghi Lộc, Nghệ An) sẻ chia: “Thầy Hiếu có ít đồng làm thêm (nhuận bút Báo GD&TĐ - PV) xin trích một phần gửi vào quỹ khuyến học trao cho các em học sinh vào dịp khai giảng năm học” (từ thầy Nguyễn Minh Hiếu); “Bài này (Cơn bão đi qua/ số 38 Báo GD&TĐ, ấn phẩm Chủ nhật/ tác giả Đặng Nhật Minh, Trường Đại học Y Hà Nội - PV) là con trai của một chị trong trường nhờ em gửi báo. Nếu được đăng, chị ấy sẽ nhờ em gửi tiền nhuận bút để ủng hộ miền Bắc.
Từ đây, em có ý tưởng cho học sinh tham gia cuộc thi viết với một chủ đề nhất định hướng về miền Bắc. Nếu bài được báo đăng sẽ dành tiền nhuận bút để gửi tặng các bạn nhỏ vùng bị ảnh hưởng - một điểm trường nào đó…” (từ thầy Nguyễn Đình Ánh).
Dù chưa một lần gặp mặt, chỉ là những trò chuyện, trao đổi về bài viết qua dòng tin nhắn hay cuộc điện thoại nhưng thường ngày tôi vẫn nhận được bao dòng tâm sự, bày tỏ đầy thân tình, mến yêu của các thầy, các cô như thế. Và tất cả cùng hội lại để trở thành suối nguồn mát lành lặng thầm nâng bước cho tôi luôn rạng rỡ giữa bộn bề dòng chảy cuộc đời.
Bởi lẽ, khi nào gặp phút giây mỏi mệt, chỉ cần đọc những dòng sẻ chia, tâm tình ấy là lòng tôi lại thư thái, khoan hòa. Và kìa, những tác phẩm ăm ắp cảm xúc, ăm ắp nhắn nhủ được viết từ những trái tim rộn rã yêu thương của người thầy, người cô, các em học sinh chẳng phải đang đón đợi đó sao. Nhất là, để cuộc sống thêm tươi đẹp thì rất cần chuyên chở đến mọi người những câu chuyện chữa lành, gieo mầm thiện, truyền cảm hứng như thế!
Cũng từ đây, lòng tôi thầm biết ơn mối duyên lành được trở thành thành viên của ngôi nhà chung Giáo dục và Thời đại để được gặp gỡ ước mơ. Cuộc gặp gỡ này rất diệu kỳ khi Ban Biên tập quyết định dành hẳn ấn phẩm Chủ nhật để thầy, cô giáo và học sinh cùng làm báo.
Dù rất mừng vui vì được thỏa lòng mong ước nhưng quả thực ban đầu lòng tôi không khỏi lo ngại, bối rối vì ý nghĩ: Sau bao vất vả với học trò, không biết thầy cô nào còn thời gian viết báo cộng tác đây! Nhưng rồi, ngay sau đó tôi hân hoan đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì khám phá cho mình một sự thật: Thầy cô tham gia viết báo rất đông đảo, nhất là lĩnh vực văn học, không chỉ là những sáng tác như truyện ngắn, thơ, tản văn, bút ký mà còn có cả các bài cảm thụ, phê bình, chân dung nhà văn…
Rõ ràng, bao năm qua những nhà giáo ấy không chỉ thầm lặng chuyên chở các chuyến đò tri thức tại trường lớp mà còn chuyên cần thắp lửa yêu thương, lối sống đẹp, nhân ái… trên những trang báo ở khắp mọi miền Tổ quốc. Và, khi cộng tác cùng ấn phẩm Chủ nhật với dòng đề tên thật tác giả cùng nơi công tác (trước kia thường ghi bút danh) thì rõ ràng khát vọng vì một cuộc sống tươi đẹp, rạng rỡ những niềm vui của các thầy cô được tiếp nối một cách trân trọng, nâng niu.
Còn với những cây bút nhỏ thì đúng là vô cùng ít ỏi. Tôi đã tưởng mình sẽ không thể đạt được mục tiêu: Góp phần khơi gợi niềm yêu thích viết của các cây bút đang ngồi trên ghế nhà trường, qua đó khuyến khích các em thêm yêu thích đọc sách, mạnh dạn bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về tác phẩm văn học và các vấn đề của cuộc sống xung quanh (bình thơ, viết thư, ghi nhật ký)…
Nhưng rồi tôi bất ngờ nhận được sự sẻ chia đầy thấu hiểu từ chính các thầy cô. Nếu trường nào đã có câu lạc bộ văn học thì thầy cô động viên học trò cùng viết. Trường nào chưa có thì từ gợi ý, thầy cô liền lên kế hoạch thành lập để tập trung những học sinh có năng khiếu văn học hoặc yêu thích viết cùng tham gia.
Cứ thế, tròn 2 năm qua những trang báo Chủ nhật luôn đong đầy biết bao câu chuyện đậm chất văn học của những dòng cảm xúc khá bay bổng, lãng mạn mà vẫn đảm bảo tính chân thực, hồn nhiên và luôn neo lại không ít những trăn trở, suy tư… của các cây bút nhà trường ở khắp mọi miền Tổ quốc.
“Tôi nhận thấy đây là sân chơi rất bổ ích, thiết thực, khơi dậy được tình yêu văn chương, niềm đam mê sáng tác của các bạn trẻ, điều mà trong xã hội hiện nay đang bị mai một dần do tác động của nhiều hình thức giải trí hấp dẫn khác. Có em tâm sự: Nhiều lúc em muốn thể hiện tình cảm với một ai đó như bạn bè, bố mẹ... nhưng nếu nói trực tiếp sẽ rất ngại.
Vì thế, em mượn những tác phẩm thơ, văn để gửi gắm cảm xúc, tình cảm và mơ ước của mình. Khi tác phẩm được đăng trên báo, các em học sinh rất vui, không chỉ vì được nhận nhuận bút và báo tặng mà vì đó là thành quả ngọt ngào cả về vật chất và tinh thần sau những nỗ lực, đam mê; đồng thời khích lệ các em viết thêm nhiều tác phẩm mới…”, như cô Trần Thị Lành, giáo viên Trường THPT Nam Sách, Hải Dương từng chia sẻ.
Từ tầm nhìn của Ban Biên tập khi mở ra “cánh đồng mới” là ấn phẩm Chủ nhật mang diện mạo và hương sắc đặc biệt đó, tôi đã và đang say mê với những trang viết của thầy cô, các em học sinh như thế. Đó cũng là nỗ lực từ bản thân mong muốn được góp phần nhỏ mừng Báo GD&TĐ tròn 65 tuổi.
Và khi được nhận suối nguồn mát lành từ thầy cô, các em học sinh, tôi tự nhủ sẽ gắng gỏi “giữ vững ngọn lửa đam mê” để cùng nhân lên thật nhiều yêu thương…