Củng cố sức mạnh nội lực về kinh tế ASEAN

Trong bối cảnh thế giới diễn ra nhiều thách thức, nền kinh tế phát triển vững chắc của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục là 'điểm sáng', nhờ sự thúc đẩy hiệu quả các cơ chế thương mại, tạo không gian phát triển lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Quang cảnh Hội nghị Hội đồng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN lần thứ 38. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh Hội nghị Hội đồng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN lần thứ 38. Ảnh: TTXVN

Tạo môi trường thuận lợi

Đầu tuần này, tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào đã diễn ra Hội nghị Hội đồng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN lần thứ 38 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thương mại Lào Malaythong Kommasith. Tham dự hội nghị có các Bộ trưởng Hội đồng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn và Bộ trưởng Thương mại Timor Leste. Hội nghị đã tập trung thảo luận và đưa ra những ý kiến mang tính xây dựng để cùng nhau giải quyết các vấn đề, đưa ra định hướng rõ ràng nhằm tạo môi trường thuận lợi trong việc thúc đẩy hàng hóa trong khu vực ASEAN.

Nội dung đáng chú ý tại hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Lào cho biết, hội nghị thể hiện cam kết của các nước thành viên trong việc tiếp tục hợp tác để đưa ASEAN thành một nền sản xuất có năng lực cạnh tranh trong khu vực. Bộ trưởng Kommasith nhấn mạnh, kể từ khi thành lập đến nay, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN liên tục có sự phát triển, đặc biệt là việc giảm và xóa bỏ thuế quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi về thương mại và hiện đại hóa trong việc kết nối hệ thống thông báo thuế.

ASEAN hiện nay đã xóa bỏ gần như hoàn toàn thuế quan đối với tất cả các hàng hóa, chiếm 98,6% tổng số mặt hàng thuế quan và tiếp tục phát triển hệ thống thông báo thuế một cửa ASEAN. Điều này giúp giảm giá thành sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN. Đồng thời giúp thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN tăng trưởng. Những kết quả mà ASEAN đạt được là nhờ có sự quan tâm và chủ động của Đoàn quan chức cấp cao kinh tế ASEAN và các đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện các cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và hướng đến kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2025.

Cũng theo Bộ trưởng Thương mại Lào, trong những năm qua, ASEAN đã tổ chức triển khai nhiều kế hoạch liên quan đến việc xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN và đã đạt mục tiêu trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, ASEAN đã giải quyết các vấn đề tồn đọng trong việc thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, cũng như việc sử dụng, trao đổi các văn kiện thương mại điện tử qua hệ thống dịch vụ thông báo thuế quan một cửa ASEAN.

Bộ trưởng Kommasith chúc mừng tiến độ của việc đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và mong rằng việc đàm phán nâng cấp hiệp định này sẽ hoàn tất trong năm 2025 theo đúng tiến độ đề ra, để tiếp tục tăng cường hội nhập thương mại hàng hóa trong khu vực ASEAN.

Cần thực hiện 5 đồng hành

Một hoạt động nổi bật của ASEAN vừa qua là Kỳ họp lần thứ 101 của Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, một hoạt động quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực và nâng cao vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Nhân dịp này, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp Đoàn các Chủ tịch ASEAN BAC các nước tại Trụ sở Chính phủ.

Các thành viên của ASEAN BAC tại Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP

Các thành viên của ASEAN BAC tại Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP

Chủ tịch ASEAN BAC năm 2024 Oudet Souvannavong, đồng thời là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào cho biết, ASEAN BAC đã và đang nỗ lực để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập trong nội khối ASEAN và với các đối tác. Trọng tâm là hợp tác trong chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững; tự cường về y tế, lương thực. Đặc biệt là gắn kết chuỗi cung ứng trong các nước Mekong và Mekong mở rộng; đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số.

Chúc mừng các thành công của ASEAN BAC, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, ASEAN đã chứng tỏ sự tự cường, linh hoạt và chủ động thích ứng để duy trì tăng trưởng và tiếp tục đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các Chủ tịch ASEAN BAC về việc ASEAN cần có chính sách ưu tiên với doanh nghiệp ASEAN đầu tư, kinh doanh trong các nước ASEAN, có luồng riêng cho hàng hóa các nước qua cửa khẩu. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN BAC cùng Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN thực hiện 5 đồng hành.

Thứ nhất là đồng hành trong xây dựng thể chế, chính sách, vì thể chế chính là nguồn lực của sự phát triển, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Vì vậy, ASEAN BAC cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và tiên phong, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên ngành của ASEAN kịp thời phát hiện các điểm nghẽn về chính sách, đưa ra các đề xuất và khuyến nghị phù hợp để Chính phủ các nước ASEAN tiếp tục hoàn thiện thể chế; chuẩn hóa các quy định đầu tư, kinh doanh; tinh giản hóa các thủ tục bằng áp dụng chuyển đổi số; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; giảm thiểu rào cản thương mại.

Thứ hai là đồng hành trong kết nối kinh tế về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục và con người. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, kết nối là nền tảng để xây dựng một Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, vững mạnh và tự cường. Kết nối đòi hỏi cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn khu vực và toàn cầu. Kết nối phải mang tính bao trùm trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục... trên nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển.

Thứ ba là đồng hành trong huy động nguồn lực, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức. Theo đó, ASEAN BAC cần nghiên cứu, nắm bắt và tư vấn các doanh nghiệp tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ... Đây là những xu thế tất yếu giúp ASEAN phát triển nhanh chóng và bền vững.

Thứ tư là đồng hành trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao, với các tiêu chuẩn chung về đào tạo, đánh giá và công nhận lẫn nhau giữa các hệ thống văn bằng dựa trên năng lực mà các nước ASEAN đang sử dụng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, đây chính là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực với thế giới.

Thứ năm là đồng hành trong xây dựng, quản lý doanh nghiệp thông minh, hiện đại, đổi mới sáng tạo. Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như nền tảng số, điện toán đám mây, thể chế số, dữ liệu số, nhân lực số, kỹ năng số, an toàn, an ninh mạng, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị doanh nghiệp để giảm chi phí, giảm thời gian, nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" so với khu vực và thế giới.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cung-co-suc-manh-noi-luc-ve-kinh-te-asean-post481259.html
Zalo