HSBC: Nhà đầu tư Trung Quốc tăng rót vốn vào Việt Nam

ASEAN thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu nhờ cơ hội tăng trưởng và nhóm doanh nghiệp này đang đi trước các doanh nghiệp khác trên thế giới trong tiếp xúc với khu vực Đông Nam Á.

Ngày 19/9, các chuyên gia của HSBC nhận định về quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc đồng thời nêu bật những tác động đến Việt Nam với tư cách là một thành viên của ASEAN và cũng là đối tác thương mại của Trung Quốc.

Sức hấp dẫn của ASEAN

Theo ông Ahmed Yeganeh, ASEAN thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu nhờ cơ hội tăng trưởng và nhóm doanh nghiệp này đang đi trước các doanh nghiệp khác trên thế giới trong tiếp xúc với khu vực Đông Nam Á.

Một khảo sát với 3.500 doanh nghiệp toàn cầu do HSBC thực hiện vào năm ngoái cho thấy lực lượng lao động lành nghề, nền kinh tế số đang phát triển, mức lương cạnh tranh và thị trường khu vực có quy mô tương đối lớn chính là những điểm hấp dẫn của ASEAN, trong đó có Việt Nam.

28% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sự vững vàng của nền kinh tế Việt Nam là yếu tốt tiên quyết thu hút doanh nghiệp quốc tế. Việt Nam vốn được biết là một nền kinh tế có GDP tăng trưởng mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN với tốc độ 6,5%.

Thực tế, ASEAN vốn đã là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và khu vực này mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng đa dạng cho doanh nghiệp Trung Quốc, nhờ vào các yếu tố nền tảng kinh tế vững chắc, năng lực sản xuất ngày càng tinh vi, hiệu quả trong chuỗi cung ứng và logistics, tương đồng văn hóa và tầng lớp trung lưu đang phát triển.

Các chuyên gia của HSBC phân tích, đối với Việt Nam, Trung Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại với kim ngạch song phương vượt mốc 106 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử, dệt may và máy móc.

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam

Trong vòng 10 năm kể từ 2014, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 20 hành lang thương mại hàng đầu thế giới. Những thỏa thuận tầm cỡ khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đồng nghĩa các liên kết kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục chặt chẽ hơn, chú trọng hơn vào lĩnh vực số hóa.

Theo báo cáo về kinh tế điện tử của Đông Nam Á (e-Conomy SEA) năm 2023, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất ở ASEAN với tốc độ tăng trưởng ấn tượng là 20%. Xét về tổng giá trị giao dịch, Việt Nam có tiềm năng để trở thành thị trường công nghệ số lớn thứ nhì khu vực vào năm 2030, chỉ đứng sau Indonesia.

Sự tăng trưởng kỳ vọng sẽ đạt được nhờ hệ sinh thái thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng, được hậu thuẫn bởi tập người tiêu dùng đang gia tăng và sẵn sàng trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, lớn hơn cả Đức, Vương quốc Anh và Thái Lan.

Cũng theo chuyên gia HSBC, những dữ liệu mới đây của fDi Markets cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất đổ vào ASEAN hiện tại đã nhiều hơn vào Trung Quốc. Đây có thể coi là minh chứng cho quan điểm “ASEAN được nghĩa là Trung Quốc mất” trong bối cảnh những căng thẳng về địa
chính trị thúc đẩy các doanh nghiệp quốc tế đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC cho rằng kết luận này còn khuyết 2 dữ kiện, chưa phản ánh được bao quát tình hình thực tế.

Thứ nhất, bản thân các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc cũng đang mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á. Theo fDi Markets, 1/3 FDI sản xuất năm ngoái của khu vực này đến từ Trung Quốc, nhiều hơn gấp ba lần so với đầu tư từ Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Chỉ riêng tại Việt Nam, các công ty sản xuất hàng đầu Trung Quốc đã tăng cường đầu tư trong năm 2023, với gần 20% vốn FDI đăng ký mới đến từ Trung Quốc.

Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam trong nhiều năm nhưng Trung Quốc cũng đang gia tăng dấu ấn FDI nhanh chóng. Thực tế, 2023 đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đại lục đạt thị phần lớn nhất trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam, đánh bại cả hai quốc gia láng giềng kia. Tính chung lại, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hong Kong, Macau chiếm gần một nửa dòng vốn FDI mới của Việt Nam trong năm 2023.

Thứ hai, một thực tế mà những chỉ số chính không nói lên được là đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN không chỉ xoay quanh lắp ráp chi phí thấp mà còn bao gồm sản xuất tiên tiến, công nghệ và thậm chí cả dịch vụ chuyên nghiệp. Trung Quốc không chỉ là nguồn FDI lớn nhất của ASEAN, đầu tư từ quốc gia này vào khu vực được thúc đẩy bởi những thế mạnh cơ bản nói chung của ASEAN chứ không chỉ đơn thuần là những tham vọng nhỏ như đa dạng chuỗi cung ứng hay giảm chi phí sản xuất. Chúng tôi nhìn thấy xu hướng này trong chính tập khách hàng của chúng tôi.

HSBC ghi nhận số lượng doanh nghiệp Trung Quốc tham gia thị trường mới ở Đông Nam Á trong năm 2023 đã tăng 80% so với năm 2022. Các khách hàng Trung Quốc của chúng tôi quan tâm nhiều nhất đến mởr ộng thị trường sang Singapore, theo sau là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Linh Anh

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/hsbc-nha-dau-tu-trung-quoc-tang-rot-von-vao-viet-nam-77947.html
Zalo