Củng cố 'sức mạnh' cho hãng hàng không quốc gia

Nhìn vào bài học tại các quốc gia đã có sự phát triển đột phá, dễ nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa việc phát triển ngành hàng không với sự cất cánh của đất nước.

Tại Hội thảo Khoa học: Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - Thực tiễn Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương phối hợp tổ chức cuối tuần qua, PGS. TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ về bối cảnh và yêu cầu đối với Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhà nước cũng như Vietnam Airlines nói riêng.

Theo ông Chung, trong bối cảnh có nhiều thay đổi, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước cần được chú trọng, bởi đây là bộ phận nòng cốt của kinh tế nhà nước, luôn giữ vị trí trọng yếu của nền kinh tế. Đặc biệt, với ngành hàng không, đây không chỉ là huyết mạch giao thông mà còn đóng vai trò quan trọng cả về kinh tế, an ninh, quân sự, chủ quyền quốc gia, nên việc duy trì sự ổn định, an toàn, hiệu quả của ngành có vị trí trọng yếu trong phát triển kinh tế xã hội.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết: “Vietnam Airlines nhận thức rõ, máy bay Vietnam Airlines bay đến đâu thì “biên giới mềm” của chúng ta mở rộng đến đấy. Đây là vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước, cũng như của hãng hàng không quốc gia”.

Theo ông Hòa, hiện tổng thị trường khách nội địa Việt Nam đạt khoảng trên 40 triệu lượt khách/năm, tương đương tỷ lệ trung bình 10 người dân Việt Nam mới có 4 người bay 1 lần trong năm. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước có thị trường hàng không phát triển là 1:1 - hoặc cao hơn. Do đó, tiềm năng của thị trường hàng không nội địa còn rất lớn.

Đối với thị trường khách quốc tế, năm 2023, Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Malaysia (29 triệu), Thái Lan (28 triệu), Singapore (13,6 triệu). Với rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, hiện Việt Nam vẫn chỉ đón lượng khách quốc tế chưa bằng 1/2 so với 2 nước dẫn đầu trong khu vực.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines phát biểu tại Hội thảo

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines phát biểu tại Hội thảo

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, nhìn vào bài học tại các quốc gia đã có sự phát triển đột phá, dễ nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa việc phát triển ngành hàng không với sự cất cánh của đất nước.

Singapore từ một đảo quốc nhỏ bé chưa đến 5 triệu dân, nay đã trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính toàn cầu; hay các quốc gia Trung Đông như UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỹ, đã sớm chuyển từ nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ sang nền kinh tế “phi dầu mỏ” với trọng tâm vào thu hút đầu tư, du lịch…

Điểm chung của các quốc gia này là đã sớm nhận biết và dành nguồn lực phát triển ngành hàng không, xây dựng hãng hàng không quốc gia vững mạnh theo định hướng trở thành trung tâm trung chuyển toàn cầu.

“Sau đại dịch, Chính phủ Singapore đã đầu tư cho Singapore Airlines 16 tỷ USD, nhờ vậy mà hãng này có thể đánh chiếm được thị trường trong và sau đại dịch. Hoặc tại Qatar, Qatar Airways phát triển rất hùng mạnh, đưa hình ảnh quốc gia đi khắp các nơi. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tập trung cho ngành hàng không, giúp Istanbul trở thành trung tâm trung chuyển tại châu Âu.

Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thời cơ và vận hội mới để phát triển đột phá về mọi mặt. Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành hàng không dân dụng, trong đó, Vietnam Airlines - hãng hàng không quốc gia giữ vai trò then chốt, chủ đạo đối với sự phát triển ngành hàng không nước nhà, kết nối Việt Nam với thế giới", ông Đặng Ngọc Hòa nhận định.

Do ảnh hưởng của đại dịch, các chỉ tiêu hoạt động tài chính của Vietnam Airlines chưa trở lại ngưỡng an toàn mà tiếp tục trạng thái xấu với mức đánh giá xếp hạng rủi ro cao. Trong năm 2024, Vietnam Airlines đã cân đối thu chi và hoạt động có lãi. Tuy nhiên, tình trạng âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế vẫn cần giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Trong khi đó, bối cảnh mới tạo ra nhiều bất lợi và nhiều yếu tố tác động tới hoạt động sản xuất – kinh doanh có diễn biến tiêu cực: giá nhiên liệu hàng không và tỷ giá ngoại tệ neo cao ở nhiều giai đoạn trong năm, tình hình chính trị - kinh tế và chiến sự tại một số quốc gia trên thế giới còn nhiều bất ổn, chưa được giải quyết, quy mô đội tàu bay sụt giảm do lệnh triệu hồi sửa chữa động cơ từ nhà sản xuất...

Về giải pháp, các đại biểu đề xuất, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của ngành hàng không Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ ngành Hàng không phát triển bền vững thông qua thực hiện cơ cấu lại, cải thiện khả năng thanh toán và xử lý nợ. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng mua thêm máy bay, phát triển đội tàu bay, mở rộng đường bay đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới...

Cùng với đó là giải quyết điểm nghẽn, cản trở phát triển đối với Vietnam Airlines; hỗ trợ mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh; đánh giá toàn diện cơ chế trong hoạt động của các doanh nghiệp hàng không nhà nước cũng như tác động tới sự phát triển của ngành cũng như nền kinh tế quốc dân, từ đó xác định trọng tâm cần hoàn thiện trong giai đoạn tới.

Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã nhận được sự đồng thuận cao của Chính phủ trong việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines với tư cách là cổ đông lớn nhất chiếm 86,19% vốn điều lệ, nhằm đảm bảo cho sự tồn tại của hãng hàng không quốc gia.

Một trong các giải pháp đó là gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng thông qua hình thức vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng; Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu tăng vốn với quy mô xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư vào Vietnam Airlines.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cung-co-suc-manh-cho-hang-hang-khong-quoc-gia-post357802.html
Zalo