Củng cố niềm tin xã hội bắt đầu từ việc đối thoại nhà nước - công dân
LTS: Chúng ta đang chứng kiến một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ được phát động và chỉ đạo thực hiện của Bộ Chính trị và Tổng bí thư Tô Lâm. Từ đó, các quyết sách mới đã được ban hành, nhất là việc tổ chức lại bộ máy lãnh đạo, quản trị quốc gia theo hướng tinh gọn, hướng tới mục tiêu hoạt động hiệu quả hơn.
Trước tiên là giảm chi cho hoạt động thường xuyên của bộ máy, đồng thời (bên cạnh chống tham nhũng) chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nâng lên ở mức độ rất cao. Những quyết sách với kỳ vọng ưu tiên nguồn lực cho phát triển, kích thích nguồn lực trong toàn xã hội, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao mức sống của người dân, cải thiện các vấn đề phúc lợi xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo.
Tọa đàm mùa Xuân 2025, Người Đô Thị tổ chức thảo luận chủ đề “Chống lãng phí nguồn lực quốc gia”. Khách mời gồm: GS-TSKH. Đặng Hùng Võ (Chuyên gia Quản lý tài nguyên), TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam), Luật sư Nguyễn Tiến Lập (thành viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam), TS. Lê Vĩnh Triển (Đại học Kinh tế TP.HCM), Ths. Lê Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM).
* * *
TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam:
Bốn điểm nghẽn thể chế
Bản chất của cuộc sắp xếp tinh gọn bộ máy hiện nay là những biện pháp tổ chức hành chính, chưa thực sự là cải cách thể chế theo định nghĩa của Douglass North (Nobel Kinh tế 1993) như là các quy tắc hay luật chơi do con người tạo ra làm khuôn khổ và định hình tương tác của mình.
Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy là tiền đề quan trọng để cải cách thể chế, vì vậy đây là yêu cầu tất yếu nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng nhanh và bền vững.
Trong ba thập niên trở lại đây, đã nhiều lần các thảo luận về việc sáp nhập các bộ, tinh giản quyết liệt bộ máy hành chính được đưa ra thảo luận, song những thảo luận ấy chưa bao giờ trở thành đề án, có thời hạn, lộ trình thực hiện rõ ràng, cương quyết như lần này. Thêm nữa, nếu những lần cải cách trước đây thường diễn ra ở nhánh hành pháp, thì đây là lần đầu tiên Đảng tự cải cách chính mình, bằng tuyên bố sắp xếp lại một số cơ quan trực thuộc.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_342_51444635/8f62c44bf005195b4014.jpg)
Mục đích của cuộc cải cách này là xây dựng nền hành chính và quản trị công hiện đại - mà kết quả là bộ máy hành chính phải có hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; đồng thời phải có sự linh hoạt, thích ứng với quá trình phát triển của đất nước và thời đại.
Cải cách bộ máy là điều kiện cần, nhưng chưa đủ để cải cách thể chế. Những “điểm nghẽn của điểm nghẽn” như lời Tổng bí thư là sự phân mảnh thể chế giữa các bộ ngành ở cấp trung ương, là tình trạng cát cứ ở cấp địa phương, là sự vắng bóng trách nhiệm giải trình trước người dân và doanh nghiệp… Những điểm yếu chí tử này tồn đọng nhiều năm, và để khắc phục chúng đòi hỏi phải thiết kế lại cơ chế quản trị, phân cấp phân quyền... Bằng không, cuộc cách mạng bộ máy hành chính vẫn dừng lại ở việc hợp nhất quyền lực, gọn nhưng chưa chắc đã tinh, đã mạnh.
Như vậy để có điều kiện đủ, cần phải thực sự thay đổi tư duy quản trị quốc gia, chẳng hạn như tư duy “không quản được thì cấm” mà Tổng bí thư chỉ đạo “phải dứt khoát từ bỏ”. Tư duy này bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Một là dù đã chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường nhưng chúng ta chưa bao giờ đi hết con đường của kinh tế thị trường. Bằng chứng là những biểu hiện lệch ra khỏi hệ điều hành cũ lập tức bị chặn lại bằng công cụ hành chính.
Trục trặc thứ hai đến từ thiết kế hệ thống trách nhiệm giải trình, ưu tiên giải trình với cấp trên đại diện cho giới quyền thế, thay vì giải trình với nhóm yếu thế gồm người dân và doanh nghiệp. Một ví dụ khác là “đúng quy trình”, tạo ra vùng an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Nhưng nếu “đúng quy trình” mà làm cho thị trường, xã hội không phát triển được thì “đúng quy trình” là đúng hay sai? Hỏi cũng là trả lời.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_342_51444635/19fe4ed77a9993c7ca88.jpg)
Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11.2024, Thủ tướng đề nghị cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng: Vừa quản lý được, vừa thông thoáng, khơi thông và huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước. Nhấn mạnh thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", cũng là "đột phá của đột phá", là "động lực, nguồn lực cho sự phát triển", Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật. Ảnh: VGP
Hệ thống quản trị quốc gia hiện nay tồn tại nhiều điểm nghẽn nghiêm trọng.
Điểm nghẽn thứ nhất là cơ chế phân phối quyền lực. Hệ thống quản trị quốc gia cần cơ chế tổ chức và phân phối lại quyền lực chính trị cũng như nguồn lực kinh tế. Cơ chế phân bổ quyền lực đến nay vẫn tương đối khép kín với quyền lực nằm trong Đảng, từ đó phân bổ sang các nhánh lập pháp, hành pháp, tổ chức đoàn thể. Khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng… nhưng người dân chưa có quyền lực thực sự.
Điểm nghẽn thứ hai của quản trị nhà nước là mối quan hệ giữa trung ương và địa phương về phân cấp, phân quyền. Thực tế cho thấy có rất nhiều đầu việc trung ương giao thẩm quyền cho địa phương nhưng không giao nguồn lực cần thiết. Ngược lại, có những vấn đề địa phương phải giải quyết thì lại không được trung ương giao đủ thẩm quyền. Hai mâu thuẫn này song hành, khiến hệ thống phía dưới vốn là những cơ quan trực tiếp thi hành lại bị động, hạn chế năng lực thích ứng với những diễn biến muôn hình vạn trạng tại địa phương.
Điểm nghẽn thứ ba là lợi ích mà các bộ ngành cài cắm vào nhiều văn bản dưới luật. Số lượng giấy phép con nhiều đến mức ít ai còn tính đến chuyện cắt “đầu Phạm Nhan” như giai đoạn 2001-2003 dưới thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Hệ quả tất yếu của cài cắm lợi ích là phân mảnh thể chế, tham nhũng và lãng phí.
Điểm nghẽn thứ tư là cấp chính quyền. Những quốc gia có nền hành chính hiệu lực, hiệu quả thường tổ chức chính quyền theo ba cấp. Ví dụ như nhà nước theo mô hình liên bang, phía dưới là bang rồi đến thành phố hoặc địa phương. Chúng ta hiện đang duy trì cơ chế chính quyền bốn cấp, khiến bức tranh hành chính bị chia cắt thành những mảnh nhỏ. Cấu trúc chính quyền địa phương là mô hình thu nhỏ của chính quyền trung ương, hình thành mạng lưới cơ quan đi xuyên từ trên xuống như kho bạc nhà nước, thanh tra nhà nước, cục thống kê… vừa chịu sự giám sát của trung ương, vừa có nghĩa vụ báo cáo với địa phương. Hệ thống “song trùng trực thuộc” này cồng kềnh, kém hiệu quả. Thêm bộ máy, thêm người hưởng lương ngân sách rất mạnh trong việc tự bảo vệ, nhưng rất yếu trong việc thay đổi mình. Cấu trúc “song trùng trực thuộc” này xuất phát từ tư duy muốn quản lý toàn diện, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế - chính trị mà cả xã hội, cũng chính là một trong những “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_342_51444635/590d0a243e6ad7348e7b.jpg)
Cống ngăn triều Tân Thuận được kỳ vọng chống ngập cho "rốn ngập" ở quận 4, 7(TP.HCM) nhưng "bất động" 4 năm nay sau khi đã hoàn thành hơn 93%. Ảnh: T.M
Daron Acemoglu và James Robinson (hai trong ba nhà kinh tế được giải Nobel Kinh tế năm 2024) phân tích, một xã hội muốn phát triển cần có bộ máy nhà nước vận hành hiệu quả để duy trì trật tự. Tuy nhiên, nếu quyền lực nhà nước “bị đẩy lên thái quá”, được hình dung như con bạch tuộc đại diện cho giới quyền thế, vươn xúc tu bóp nghẹt mọi thứ đi ngược lại ý chí của nó. Đối tượng của hành vi này là tầng lớp yếu thế trong xã hội. Giải quyết bài toán này từ góc độ quản trị nhà nước đòi hỏi đảo ngược tư duy về trách nhiệm giải trình, không chỉ với cấp trên, mà còn xuống dưới. Tức là những người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc có tiếng nói đủ mạnh để chế ước lại những quyền tùy định của nhà nước.
Ngược lại, quyền lực của các nhóm đặc quyền, đặc lợi quá mạnh sẽ khiến nhà nước bị chi phối, lũng đoạn. Cả hai trạng thái này đều không tốt. Tìm được sự cân bằng tinh tế giữa quyền lực nhà nước và quyền lực xã hội chính là “hành lang hẹp”. Cũng nhờ men theo hành lang này mà châu Âu đã thoát ra khỏi thời kỳ mông muội, trở thành những nền văn minh và kinh tế đáng mong ước ngày nay.
ThS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM:
Củng cố niềm tin xã hội bắt đầu từ việc đối thoại nhà nước - công dân
Tôi xin bàn về hai khía cạnh. Một là môi trường thể chế tạo điều kiện trao đổi tương tác, phản biện là một vốn xã hội. Thứ hai, niềm tin trong cộng đồng là vốn xã hội khác ở chiều kích tin nhau thì giảm chi phí giao dịch, giữ uy tín thì giảm chi phí pháp luật, kiện tụng.
Về môi trường thể chế, cần tạo điều kiện trao đổi, tương tác, đối thoại giữa nhà nước, chính quyền với các thành phần khác, tạo điều kiện thực sự cho phản biện xã hội. Đối thoại kết hợp với chính phủ minh bạch sẽ thúc đẩy niềm tin và vốn xã hội tăng trưởng.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_342_51444635/3b1d6234567abf24e66b.jpg)
Khi có các kênh đối thoại sòng phẳng, người dân và các tổ chức có cơ hội bày tỏ ý kiến, phản biện chính sách và tham gia vào quá trình ra quyết định. Điều này không chỉ tăng sự gắn kết xã hội mà còn giúp cải thiện chất lượng chính sách.
Phản biện là yếu tố cốt lõi trong việc phát triển vốn xã hội. Bởi nó phản ánh mức độ tin tưởng, hợp tác và cam kết của các cá nhân trong xã hội.
Chính phủ minh bạch gắn với tăng trưởng niềm tin vì minh bạch là nền tảng của quản trị tốt, giúp đảm bảo trách nhiệm giải trình, giảm thiểu tham nhũng và cải cách hiệu quả hoạt động của nhà nước. Khi người dân cảm thấy chính phủ minh bạch và công bằng, họ sẽ có niềm tin lớn hơn vào chế độ, từ đó củng cố vốn xã hội.
Niềm tin và vốn xã hội là những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, bởi chúng thúc đẩy hợp tác, giảm chi phí giao dịch và tăng hiệu quả quản trị. Sự kết hợp giữa môi trường thể chế cởi mở và chính phủ minh bạch tạo ra một nền tảng mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững cả về mặt kinh tế lẫn xã hội. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy những quốc gia có môi trường thể chế hỗ trợ đối thoại, kết hợp với chính phủ minh bạch thường đạt được mức tăng trưởng bền vững cao hơn, cùng với một xã hội ổn định và hài hòa hơn.
Thứ hai, ngoài yếu tố đạo đức hay văn hóa, niềm tin trong cộng đồng còn mang giá trị kinh tế to lớn. Đó là tài sản vô hình giúp tối ưu hóa các nguồn lực, phát huy các mối quan hệ tốt đẹp, giảm chi phí giao dịch và giúp phát triển xã hội bền vững. Tôi muốn nói đến khía cạnh thứ hai, niềm tin trong cộng đồng thực sự là một loại vốn xã hội có giá trị lớn, đóng vai trò như một động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tin nhau thì giảm chi phí giao dịch, giữ uy tín, có trách nhiệm trong cam kết thì sẽ có nhiều mối quan hệ bền vững, chi phí pháp luật và tranh tụng sẽ ít hơn.
![Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học dự Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc ngày 30.12.2024. Ảnh: VGP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_342_51444635/40c024e910a7f9f9a0b6.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học dự Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học toàn quốc ngày 30.12.2024. Ảnh: VGP
Các biểu hiện rõ hơn:
Một, giảm chi phí giao dịch. Khi các bên tin tưởng lẫn nhau, các giao dịch sẽ diễn ra nhanh hơn và đơn giản hơn do không cần phải thiết lập các biện pháp giám sát hay ràng buộc phức tạp.
Hai, giữ uy tín và trách nhiệm. Trong một cộng đồng tin tưởng lẫn nhau, uy tín cá nhân và tổ chức được coi là tài sản quan trọng. Một cá nhân hay tổ chức giữ đúng cam kết không chỉ duy trì các mối quan hệ hiện tại mà còn xây dựng cơ hội hợp tác trong tương lai. Trách nhiệm trong cam kết thúc đẩy các quan hệ hợp tác dài hạn, từ đó tạo nên các mối quan hệ bền vững.
Ba, giảm chi phí pháp luật và tranh tụng. Khi niềm tin trong cộng đồng cao, xung đột ít xảy ra và các bên thường chọn giải quyết vấn đề bằng thương lượng thay vì đưa ra tòa. Điều này giúp tiết kiệm cả chi phí tài chính lẫn thời gian, đồng thời giảm tải cho hệ thống pháp luật.
Bốn, tăng khả năng hợp tác và kết nối. Các dự án cộng đồng, các liên kết kinh tế, các sáng kiến xã hội sẽ dễ dàng được thực hiện hơn trong môi trường giàu vốn xã hội.
Hãy bắt đầu từ một nhà nước tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch, tăng cường vai trò giám sát của người dân sao cho thật hiệu quả, thực chất.
Tóm lại, niềm tin trong cộng đồng không chỉ là yếu tố gắn kết xã hội mà còn mang lại giá trị kinh tế đáng kể. Khi niềm tin được xây dựng và duy trì, các bên gồm: giữa người dân, doanh nghiệp với nhau; giữa người dân và doanh nghiệp; giữa chính quyền và doanh nghiệp hay người dân, thậm chí hiện nay đang nói về cơ chế xin cho giữa các đơn vị nhà nước với nhau - sẽ sẵn sàng hợp tác hơn, tiết kiệm chi phí và tạo nền tảng bền vững để phát triển lâu dài. Vì vậy xây dựng và củng cố niềm tin nên được coi là một chiến lược quan trọng trong phát triển cộng đồng và quản trị xã hội.
Tôi cho rằng để chống lãng phí nguồn lực quốc gia và xây dựng niềm tin trong xã hội, hãy bắt đầu từ một nhà nước tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch, tăng cường vai trò giám sát của người dân sao cho thật hiệu quả, thực chất, nhất là các vấn đề liên quan sử dụng nguồn lực công. Từ đó gây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và hiệu quả trong việc chống lãng phí nguồn lực quốc gia.
Nhóm thực hiện: Duy Thông - Thượng Tùng - Quốc Ngọc