Củng cố năng lực cung ứng hàng hóa toàn cầu
Việt Nam vẫn là điểm đến được các nhà mua hàng tại các thị trường lớn, từ Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN lựa chọn đặt hàng, bất chấp sự biến động về chính sách thương mại ngặt nghèo hơn.
Thị trường nào tăng mua hàng Việt
Khoảng 27,3 tỷ USD hàng sản xuất tại Việt Nam đã được xuất bán sang 27 thị trường trong khối EU trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ. Còn với thị trường tỷ dân Trung Quốc, hàng Việt đã xuất khẩu khoảng 29,1 tỷ USD, tương tự ASEAN 18,9 tỷ USD, Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là 13,7 tỷ USD và 12,8 tỷ USD.
Đáng nói là sự phục hồi rõ ràng hơn trong những tháng gần đây khi xuất khẩu sang Trung Quốc, đưa từ mức tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm tăng lên hơn 4,2% trong nửa đầu năm.
Trong nửa đầu năm 2025, tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Tổng kim ngạch 10 mặt hàng dẫn đầu đạt mức đáng kể, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng thương mại hai chiều.
Cụ thể, các nhà cung ứng Việt Nam đã xuất khẩu hơn 18,5 tỷ USD các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Mỹ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Tiếp theo là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 11,3 tỷ USD. Ngành dệt, may đứng thứ 3 với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,47 tỷ USD.
Với EU, nhờ tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã trở thành động lực giúp trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU tăng trưởng tích cực. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN.
Củng cố năng lực cung ứng
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương), nhờ hội nhập, mở cửa và thu hút nguồn vốn FDI lớn, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.
Đặc biệt, từ đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Để thu hút các nhà mua hàng toàn cầu tới Việt Nam, năm 2025 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp Bộ Công thương tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing 2025". Sự kiện diễn ra tại TP.HCM trong tháng 9 tới.
Chuỗi sự kiện Viet Nam International Sourcing và Diễn đàn xuất khẩu 2025 là hoạt động để cụ thể hóa Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030.
Sự kiện sẽ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp Việt trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Viet Nam International Sourcing 2023 và 2024 đã thu hút nhiều tập đoàn quốc tế như Aeon, Walmart, Decathlon, Coppel, Central Group, Lotte, IKEA…, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xuất khẩu sẽ đối mặt với rủi ro khi chỉ dựa vào một số thị trường truyền thống. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, và đó vẫn là mục tiêu mà Vietnam International Sourcing và Diễn đàn xuất khẩu 2025 hướng tới.
Hiện, 17 FTA đã ký kết của Việt Nam với hơn 60 thị trường toàn cầu đang là đòn bẩy tích cực cho thương mại hàng hóa, đặc biệt thúc đẩy xuất khẩu. Nhưng cùng đó Việt Nam vẫn đang đàm phán thêm một số FTA mới. Trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới biến động và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành thúc đẩy đàm phán, trong đó có FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng tại Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Tổng thống Brazil ủng hộ sớm kết thúc đàm phán FTA Việt Nam - Mercosur trong nửa cuối năm 2025, khi Brazil giữ vai trò Chủ tịch Mercosur. Việt Nam kỳ vọng FTA này sẽ mở rộng dư địa thương mại, đầu tư với Mỹ - Latinh.