Không để thanh long 'tắc đường' sang thị trường EU

Trước việc thanh long GlobalGAP 'tắc đường' sang EU, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể cho địa phương về việc này.

Khi thanh long xuất khẩu phải đi đúng ‘đường ray’

Mới đây, một số nông dân trồng thanh long tại xã Hàm Thuận Nam (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, họ đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại hàng tỷ đồng khi doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lại không thực hiện giao dịch buộc họ phải bảo quản số lượng lớn này trong kho.

Vườn thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Kim Hằng

Vườn thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Kim Hằng

Tuy nhiên, thời gian bảo quản thanh long chỉ khoảng 15 ngày, nếu không sẽ hư hỏng và mất trắng. Đáng chú ý, trong khi thanh long cũ chưa tiêu thụ được, dự kiến lượng thu hoạch trong thời gian tới, nhiều nhà vườn chưa biết bán cho ai.

Theo đại diện các nhà vườn, do thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đáp ứng thị trường EU, thị trường này yêu cầu size nhỏ (khoảng 10 quả/3 kg), nên rất khó bán cho các thị trường khác, càng khiến việc tiêu thụ nội địa trở nên khó khăn hơn.

Với diện tích trên 26.000ha, trong đó có trên 453 ha thanh long GlobalGAP. Tỉnh Lâm Đồng hiện là vùng trồng thanh long trọng điểm của cả nước. Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng) Huỳnh Cảnh cho rằng, giá trị sản xuất thanh long GlobalGAP rất cao, hiện khoảng 28.000 đồng/kg mua tại vườn đối với thanh long ruột đỏ.

Trước đây, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chỉ cần kiểm tra hàng hóa không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là có thể được cấp chứng thư để xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, từ ngày 1/7 vừa qua, phía EU đang yêu cầu việc cấp chứng thư phải do cơ quan Nhà nước cấp, thay vì doanh nghiệp tự kiểm định hay thông qua các bên thứ ba.

Các quy trình, thủ tục xuất khẩu thanh long đi thị trường châu Âu đã có sẵn từ trước. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng tạo ra một rào cản lớn. Điều này khiến hàng trăm tấn thanh long của nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu phải tồn đọng trong kho, đối mặt với nguy cơ hư hại và mất trắng nếu không được cấp chứng thư kịp thời để xuất đi.

Không để "tắc đường" xuất khẩu

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay, yêu cầu cấp chứng thư không phải là quy định mới của thị trường EU. Trước đây, họ đã đưa ra quy định này nhưng chưa siết chặt thực thi nên vẫn chấp nhận việc doanh nghiệp tự kiểm định hay thông qua các bên thứ ba.

Từ ngày 1/7, phía EU đang yêu cầu việc cấp chứng thư phải do cơ quan Nhà nước cấp. Đây cũng là thời điểm Việt Nam triển khai thực thi chính quyền địa phương 2 cấp. Trước đây, thủ tục này được thực hiện bởi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhưng từ 1/7, thủ tục này được phân cấp về địa phương.

Cục cũng đã có Công văn gửi về phía địa phương (cụ thể là TP. Hồ Chí Minh) đề nghị triển khai việc cấp chứng thư. Tuy nhiên, phía địa phương cho biết, họ chỉ cấp chứng thư cấp giấy theo biểu mẫu của Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt trong khi khách hàng yêu cầu thực hiện theo mẫu của châu Âu. Do phía địa phương mới tiếp nhận việc này nên vẫn còn những lúng túng nhất định, Cục đang xem xét, sửa lại các văn bản hướng dẫn, cũng như phân vai rõ ràng giữa các bên.

Về việc này, theo đại diện Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, đây là thủ tục hành chính, cơ quan thực thi cũng cần tuân thủ quy định của pháp luật để không bị "tuýt còi". Sở cũng đã nắm được các vướng mắc của doanh nghiệp và đã có văn bản khẩn gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị hướng dẫn.

Trong thời gian chờ Bộ hướng dẫn chi tiết, để tránh thiệt hại cho nông dân, Sở sẽ giải quyết theo tình huống khẩn cấp cho các doanh nghiệp. Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ có hướng dẫn chi tiết, đăng tải trên website của sở để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật sang EU nắm và thực hiện. Sau đó, thủ tục này sẽ có quy trình thực hiện chính thức, doanh nghiệp có thể chỉ cần nộp trực tuyến.

Việt Nam là một trong những nước có sản lượng và diện tích thanh long hàng đầu châu Á. Thị trường xuất khẩu thanh long hiện nay gồm 40 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, Việt Nam đang thúc đẩy xuất khẩu thanh long sang thị trường EU. Chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” cũng đã được EU bảo hộ. Việc kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến cấp chứng thư xuất khẩu sẽ giúp thanh long Việt Nam giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường cao cấp này.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khong-de-thanh-long-tac-duong-sang-thi-truong-eu-410838.html
Zalo