Ứng dụng công nghệ số ở trường mầm non
Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ số trong trường mầm non (MN) đã tác động tích cực đến hoạt động chăm sóc, giáo dục, quản lý, đánh giá trẻ...

Hoàng Trung Dũng, học sinh lớp 5 tuổi B, Trường MN Cẩm Thạch (Cẩm Thủy) thành thạo vẽ lá cờ Tổ quốc trên máy vi tính.
Tối ưu hóa công tác quản lý
Một trong những yếu tố quyết định đến quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục MN chính là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của giáo viên.
Ở Trường MN Hoa Sen (Triệu Sơn), gần 5 năm qua, các giáo viên đã cơ bản thuần thạo với CNTT, nhờ đó, đã giúp giáo viên có thêm nhiều sự sáng tạo, linh hoạt trong mỗi tiết dạy. “Nếu trước đây, khi chưa áp dụng CNTT, tiết dạy cho trẻ chủ yếu theo hướng truyền thống. Ví dụ, ở tiết kể chuyện, dùng sách để lật từng trang, kể cho trẻ thì sau khi tiếp cận, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giáo viên đã ứng dụng CNTT để làm hình ảnh, video sôi động, vừa kể vừa cho trẻ quan sát, đặc biệt cô giáo có thể lồng trực tiếp tiếng của mình vào video để câu chuyện sinh động, hấp dẫn hơn,... điều này khiến học sinh vô cùng thích thú, hào hứng”, cô giáo Hà Thị Lan, tổ trưởng tổ CNTT Trường MN Hoa Sen cho biết.
Hiện, ở Trường MN Hoa Sen, 100% giáo viên đã trang bị được máy tính cá nhân và như cách nói vui nhưng rất thực tế của hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Lê Thị Nga thì “giáo viên giờ chỉ “ôm” máy tính đi dạy chứ không còn phải “ôm” hồ sơ, sổ sách”.
Cũng theo hiệu trưởng Lê Thị Nga, việc ứng dụng công nghệ số giúp tối ưu hóa công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời tăng cường kết nối giữa nhà trường - giáo viên - phụ huynh. Cụ thể, sử dụng công nghệ để hỗ trợ, giúp trẻ tiếp cận với nhiều “tài nguyên” học tập khác nhau hoặc sử dụng các trò chơi giáo dục để trẻ phát triển các kỹ năng mới... Theo hiệu trưởng Lê Thị Nga, thì: “Nhà trường đã trang bị tivi thông minh, sử dụng đường truyền internet đến tất cả các lớp học nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong ứng dụng CNTT đối với chăm sóc, giáo dục trẻ, trong sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành, VnEdu, áp dụng chữ ký số, văn bản điện tử... Đến nay, gần 50% giáo viên có kỹ năng thiết kế các bài giảng trên phần mềm và làm các “phóng sự” trên video để trình chiếu. Nhìn chung, giáo viên rất chịu khó, phát huy hết năng lực...”.
Ở Trường MN Cẩm Thạch (Cẩm Thủy), tại phòng Tin học của nhà trường, học sinh lớp 5 tuổi B đang rất tập trung để “tạo” những sản phẩm trên máy tính là lá cờ Tổ quốc, ngôi nhà... Để vẽ hình lá cờ Tổ quốc, Hoàng Trung Dũng, một thành viên của lớp 5 tuổi B vừa thao tác thông thạo vừa “thuyết minh” rất lưu loát: “Đầu tiên, chúng ta lấy hình vuông, kéo dài ra thành hình chữ nhật, sau đó lấy hình ngôi sao thả vào giữa lá cờ, rồi “rê chuột” vào ô màu đỏ để tô hình chữ nhật, lấy màu vàng để tô hình ngôi sao...”.
“Ứng dụng CNTT, trẻ có thể trải nghiệm, tương tác học tập một cách thú vị. Đa số các em đều tiếp thu nhanh, đặc biệt rất biết sáng tạo... Đối với cán bộ, giáo viên nhà trường, không chỉ ứng dụng công nghệ để số hóa hồ sơ, sổ sách mà còn nâng cao hiệu quả trong giảng dạy và chăm sóc sức khỏe trẻ em... Nhìn chung, ở ngôi trường miền núi còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã rất cố gắng, không ngừng học hỏi, tiếp cận những cái mới...”, Hiệu trưởng Trường MN Cẩm Thạch, cô giáo Phan Thị Yến phấn chấn cho biết.
Cần quyết liệt và đồng bộ hơn
Với thông tin nhanh, chính xác, giảm bớt cường độ lao động, việc ứng dụng CĐS trong quản lý và chăm sóc giáo dục trẻ tại trường MN đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên liên hệ và phối hợp nhịp nhàng với nhau hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được ứng dụng CNTT thì một trong những yếu tố quan trọng là sự đầu tư về trang thiết bị, cơ sở vật chất... Đối với bậc học MN, nếu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 thì bắt buộc phải có phòng Tin học.

Tiết học ứng dụng CNTT của cô và trò Trường MN Hoa Sen (Triệu Sơn).
Tại huyện Cẩm Thủy, đến nay, đã có 7/19 trường MN có phòng máy và 6 trường có phòng học thông minh. Chia sẻ của bà Lê Thị Hạnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Thủy: “Qua nắm bắt, cơ bản các phòng máy hoạt động hiệu quả, trẻ đa số đã được làm quen, tiếp cận với tri thức mới và có 98% giáo viên biết ứng dụng CNTT. Trong đó có nhiều giáo viên biết sử dụng Al trong quá trình soạn giảng. Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm đến phần mềm sử dụng trong làm quen với tin học, đó là những phần mềm liên quan đến giáo án điện tử, những bài giảng Learning (học trực tuyến) như chương trình làm quen với ngoại ngữ. Vì không có giáo viên nên ứng dụng CNTT để cho trẻ được làm quen với ngoại ngữ là cách dễ nhất mà giáo viên có thể thao
tác được”.
Có thể khẳng định, việc thực hiện CĐS áp dụng trong trường MN nói riêng đã và đang mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, dạy học. Đến nay, nhiều trường MN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện số hóa ở tất cả các khâu trong hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, không tránh khỏi những hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ và một số phần mềm hỗ trợ được đánh giá là có nhiều khó khăn nhất. Từ thực tế của địa phương, bà Nguyễn Thị Hường, chuyên viên MN Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Sơn cho rằng: “Việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động của các nhà trường đã góp phần tích cực trong việc đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhưng bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, trình độ ứng dụng CNTT của một số giáo viên còn khiêm tốn. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của ban giám hiệu các nhà trường trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch CĐS. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên”.