Cúm và dấu hiệu cảnh báo cúm nặng
Cúm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và gây bệnh ở nhiều mức độ từ trung bình đến nặng. Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người lớn tuổi là những đối tượng không nên xem nhẹ khi biến chứng nhiễm trùng hô hấp và đôi khi có thể dẫn đến tử vong.
![Người dân đến tiêm ngừa cúm tại Trung tâm y tế huyện Phú Vang. Ảnh: Ngọc Hòa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_459_51452674/59fd7c6e4a20a37efa31.jpg)
Người dân đến tiêm ngừa cúm tại Trung tâm y tế huyện Phú Vang. Ảnh: Ngọc Hòa
Cúm có thể gây ra bệnh từ nhẹ đến nặng và có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng của bệnh cúm thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các dấu hiệu và triệu chứng sau: Sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh; ho; đau họng; sổ mũi hoặc nghẹt mũi; đau nhức cơ hoặc đau nhức cơ thể; đau đầu; mệt mỏi. Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, mặc dù tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ em so với người lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả những người bị cúm đều bị sốt.
Hầu hết những người bị cúm sẽ hồi phục trong vài ngày đến dưới hai tuần. Nhưng một số người sẽ phát triển các biến chứng như: viêm phổi do cúm, một số trong số đó có thể đe dọa tính mạng và tử vong. Nhiễm trùng xoang mũi và tai là những biến chứng vừa phải do cúm, trong khi viêm phổi là biến chứng cúm nặng có thể do nhiễm vi-rút cúm đơn thuần hoặc do nhiễm đồng thời vi-rút cúm và vi khuẩn. Các biến chứng nặng khác có thể xảy ra do cúm bao gồm viêm tim, não hoặc mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân) và suy đa cơ quan (suy hô hấp, suy thận…). Nhiễm vi-rút cúm ở đường hô hấp có thể gây ra phản ứng viêm mạnh và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, phản ứng đe dọa tính mạng của cơ thể đối với nhiễm trùng.
Cúm cũng có thể lây lan thành đại dịch, một số bệnh nhân mắc bệnh nền làm diễn biến phức tạp và nặng nề hơn. Chẳng hạn như: Những bệnh nhân hen suyễn có thể bị lên cơn hen suyễn khi bị cúm nặng hơn, bệnh nhân bệnh tim mạn có thể trở nên tồi tệ hơn do cúm.
Ai cũng có thể bị cúm, ngay cả những người khỏe mạnh và các vấn đề nặng liên quan đến cúm có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, nhưng một số người có nguy cơ cao hơn gặp phải các biến chứng nặng liên quan đến cúm. Những người này bao gồm: Những người từ 65 tuổi trở lên; những người ở mọi lứa tuổi mắc một số bệnh lý mạn tính, như: hen suyễn, đái tháo đường, bệnh tim mạch, phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi.
Dưới đây là các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp về biến chứng cúm. Những người gặp phải các dấu hiệu cảnh báo này nên đi khám ngay.
Ở trẻ em, gồm: thở nhanh hoặc khó thở; môi hoặc mặt tái nhợt; xương sườn co vào mỗi lần thở; đau ngực; đau cơ nặng (trẻ từ chối đi bộ); mất nước (không đi tiểu trong 8 giờ, khô miệng, không chảy nước mắt khi khóc); không tỉnh táo hoặc không tương tác khi thức; co giật; sốt 40 độ C trở lên không được kiểm soát bằng thuốc hạ sốt. Ở trẻ em dưới 12 tuần tuổi, bất kỳ cơn sốt nào; sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó lại tái phát hoặc nặng hơn; tình trạng bệnh mạn tính trở nên trầm trọng hơn.
Ở người lớn, gồm: khó thở hoặc thở gấp; đau dai dẳng hoặc tức ngực hoặc bụng; chóng mặt dai dẳng, lú lẫn, không thể tỉnh táo; co giật; không đi tiểu; đau cơ dữ dội; yếu hoặc mất thăng bằng dữ dội; sốt hoặc ho cải thiện nhưng sau đó lại tái phát hoặc nặng hơn; tình trạng bệnh mãn tính trở nên trầm trọng hơn.
Để phòng ngừa bệnh cúm, cách tốt nhất chính là thực hiện tiêm ngừa cúm hằng năm. Chỉ cần 1 mũi tiêm nhắc mỗi năm cũng giúp bạn phòng ngừa cúm hiệu quả. Đồng thời, hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh với rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc nơi đông người khi có triệu chứng cúm, làm sạch bề mặt vật dụng và tập thể dục đều đặn. Những thói quen này không chỉ giúp chúng ta phòng ngừa được bệnh cúm mà còn giảm thiểu đáng kể nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác nữa.