Dịch cúm gia tăng: Liệu có lây lan, đột biến?

Gần đây, số ca mắc cúm mùa tại nước ta có xu hướng gia tăng. Tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, số ca mắc cúm nặng cũng tăng cao, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý nền.

Tiêm phòng cho trẻ tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Tiêm phòng cho trẻ tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều bệnh nhân nhập viện với biến chứng nặng

Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày thời tiết liên tục trở lạnh, gió mùa từ Tết Nguyên đán tới nay, số ca mắc cúm phải nhập viện có chiều hướng gia tăng. Nhiều trường hợp có dấu hiệu trở nặng, trong đó đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và một số trường hợp là phụ nữ mang thai.

Đơn cử, trường hợp bệnh nhân nam T.V.L. (78 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được chuyển từ bệnh viện gần nhà đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng sốt cao, khó thở mỗi lúc một tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, bệnh Alzheimer, test dương tính cúm A. Trước tình trạng bệnh nhân bị suy hô hấp, các y bác sĩ đã phải mở nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và điều trị tích cực.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng, hay xảy ra trên các bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch...

Thực trạng tương tự cũng ghi nhận tại nhiều bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị cho 8 trường hợp mắc cúm trong tình trạng nặng, có trường hợp phải đặt ECMO. Khoa Nội hô hấp và các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Giao thông Vận tải) hiện đang điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân cúm. Theo thống kê, từ đầu năm 2025, bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 50 trường hợp cúm A.

Trong khi đó, số liệu từ Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, từ tháng 10/2024 đến nay, cơ sở y tế này đã khám và điều trị tổng số hơn 1.500 ca mắc cúm. Trong đó, số ca có biến chứng và phải điều trị nội trú là hơn 200 ca.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, thời gian 1 tháng trở lại đây, bệnh viện tiếp nhận số ca mắc cúm có xu hướng tăng lên theo từng tuần, trong đó một số ca mắc cúm có biến chứng viêm não. Hiện tại, khoa cũng đang điều trị một ca bệnh nhi 12 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, trẻ mắc cúm có biến chứng viêm não. Sau thời gian điều trị và theo dõi sát sao của các y bác sĩ, bệnh nhi đã đáp ứng tốt, bệnh tình đã dần cải thiện và ổn định.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám bệnh nhân mắc cúm mùa. Ảnh: Đức Trân.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám bệnh nhân mắc cúm mùa. Ảnh: Đức Trân.

Người dân còn chủ quan

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về nguyên nhân khiến số ca mắc cúm mùa, số ca bệnh nặng do biến chứng của cúm gia tăng mạnh trong thời gian vừa qua, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích: “Thời điểm giao mùa Đông – Xuân là điều kiện lý tưởng cho các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, sởi, sốt phát ban… Tết Nguyên đán vừa qua, việc di chuyển nhiều, tụ họp trong không gian kín cùng thay đổi điều kiện sinh hoạt có thể góp phần thúc đẩy lây lan bệnh cúm giữa các thành viên trong gia đình. Khi người dân trở lại làm việc, dịch cúm tiếp tục lan rộng trong cộng đồng qua môi trường làm việc và sinh hoạt. Mặt khác, một số người dân vẫn tự dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus điều trị. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định khiến bệnh dễ biến chứng, từ đó bệnh dễ lây lan trong cộng đồng”.

Thực tế cho thấy, cúm là bệnh lý quen thuộc và thường có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh nên người dân thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng tránh. Đây cũng là nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra khiến số ca mắc cũng như ca bệnh nặng gia tăng.

Cùng đó, nhiều người khi thấy có dấu hiệu mắc cúm thường tự ý mua thuốc hoặc sử dụng thuốc theo mách nước của bạn bè, người thân. Đơn cử như trường hợp chị Vũ Thủy T. (40 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, cách đây 1 tuần chị bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên là ho, sổ mũi. Ban đầu, chị nghĩ là cảm cúm thông thường do nằm điều hòa nên đã tự điều trị bằng thuốc cảm cúm. Những ngày tiếp theo, tình trạng bệnh không giảm mà còn ngày càng nặng hơn, có thêm triệu chứng ho có đờm xanh, khó thở, mệt mỏi. Đến ngày thứ 7, chị sốt 39°C, người mệt mỏi nhiều nên lập tức trong đêm đến viện khám. Sau khi test, chị có kết quả dương tính với cúm A, viêm phổi và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị. Cùng đó, con gái chị T. cũng bắt đầu xuất hiện những triệu chứng sốt, ho và cũng được các bác sĩ chẩn đoán mắc cúm A do lây nhiễm từ mẹ.

TS.BS Ngô Chí Cương - Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm (Hệ thống Y tế Medlatec) khuyến cáo: “Nhiều người dân nghĩ cúm mùa là bệnh cảm vặt thông thường nên có tâm lý xem nhẹ. Thông thường, ở thể nhẹ, cúm mùa có thể tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng gây ra viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, suy đa tạng, hoặc nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch yếu, bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, phụ nữ mang thai. Cúm ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những người có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi. Các trường hợp đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh”.

Chủ động phòng dịch

Mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Ất Tỵ 2025, tuy nhiên, theo Cục Y tế dự phòng, các thống kê cho thấy không có sự gia tăng đột biến so với số ca mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây. Đồng thời, chưa ghi nhận sự biến đổi nào về độc lực của virus cúm.

PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, theo các báo cáo, nghiên cứu mới nhất thì chủng cúm mùa đang lưu hành không có gì đặc biệt, vẫn là các chủng cúm lưu hành hàng năm. Việc một số bệnh nhân phải nhập viện, can thiệp ECMO hay thậm chí tử vong là do biến chứng của cúm trên cơ địa yếu. Những người có sức khỏe tốt vẫn có thể bị nặng, nhưng tỷ lệ này không cao.

Cục Y tế Dự phòng cảnh báo, điều kiện thời tiết đông - xuân với độ ẩm cao tạo thuận lợi cho virus cúm và các bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp phát triển mạnh. Do đó, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tiêm vaccine đầy đủ. Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp. Đồng thời, sẽ cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng nhưng cũng không được chủ quan, lơ là trước diễn biến của dịch bệnh, nhất là trong thời điểm hiện tại.

Trước tình hình dịch cúm mùa gia tăng tại một số quốc gia và khu vực phía Bắc, TPHCM đã khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế…

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, tốt nhất từ tháng 10 đến 11 - trước mùa cao điểm đông - xuân để cơ thể kịp tạo kháng thể. “Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh quan trọng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng vaccine phòng cúm không có tác dụng lâu dài mà phải tiêm nhắc lại hàng năm do virus cúm liên tục biến đổi. Vaccine phòng cúm không phải tiêm một lần là có hiệu quả mãi mãi” - ông Phu khuyến cáo.

Chưa ghi nhận sự xuất hiện các tuýp virus cúm mới

BS Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng bộ phận điều trị oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết: Theo lý thuyết, các virus cúm không ngừng biến đổi. Tuy nhiên, năm nay chưa ghi nhận sự xuất hiện các tuýp virus cúm mới, cũng như chưa quan sát thấy các tuýp có độc lực cao. Do đó, người dân không nên quá lo lắng. Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, biện pháp phòng bệnh cúm tốt nhất vẫn là giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn uống, sinh hoạt lành mạnh nhằm tăng sức đề kháng, hạn chế đến nơi đông người, tiêm vaccine cúm. Đặc biệt, người có sức đề kháng kém càng nên chú trọng tới việc tiêm vaccine phòng cúm.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dich-cum-gia-tang-lieu-co-lay-lan-dot-bien-10299727.html
Zalo