Cục trưởng Xuân Bắc: 'Chương trình tôi tham gia có sai sót và phải chỉnh sửa'
'Ngay cả chương trình tôi diễn biểu diễn, kiểm duyệt rồi nhưng khi tham gia vẫn thấy còn sai sót và phải chỉnh sửa lại', NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết.
Ngày 11/1, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Khâu kiểm duyệt của nhiều chương trình nghệ thuật vẫn còn sai sót
Báo cáo tại hội nghị, NSND Xuân Bắc - Cục Trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá năm 2024, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; Công tác thẩm định, chấp thuận biểu diễn nghệ thuật được thực hiện đúng quy trình, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, hình thức; Công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở/ngành chức năng được thường xuyên thực hiện nhằm hạn chế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nếu có sai phạm.
Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tích cực xây dựng chương trình, tiết mục, vở diễn mới để tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTTDL cùng các hội nghề nghiệp và UBND cấp tỉnh tổ chức; Công tác định hướng phát triển nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc được coi trọng; Hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn, dàn dựng tác phẩm.
Hoạt động sáng tạo và quản lý tác phẩm văn học đã đi vào thực chất hơn, phản ánh những vấn đề mà xã hội đang cần, hướng cho khán giả các giá trị chân, thiện, mỹ và từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên theo NSND Xuân Bắc, lĩnh vực biểu diễn còn gặp nhiều khó khăn khi các thiết chế văn hóa, nhất là địa điểm tổ chức biểu diễn của nhiều địa phương xuống cấp, gây khó khăn cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Một số đơn vị nghệ thuật có cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh ánh sáng xuống cấp trầm trọng. Văn học còn thiếu những tác phẩm có giá trị tư tưởng ngang tầm với thực tiễn sinh động và thành quả to lớn của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đặc biệt, NSND Xuân Bắc cho rằng khâu kiểm duyệt của nhiều chương trình nghệ thuật vẫn còn sai sót.
“Ngay cả chương trình tôi diễn biểu diễn, kiểm duyệt rồi nhưng khi tôi tham gia vẫn thấy còn sai sót và phải chỉnh sửa lại”, NSND Xuân Bắc nói.
Còn NSND Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, thời gian qua có quá nhiều cuộc thi người đẹp, hoa hậu. Vì thế “nửa đêm, sáng sớm phải đọc báo xem có cuộc thi hoa hậu nào thi chui không vì tại TPHCM việc này diễn ra rất thường xuyên”.
Theo NSND Thanh Thúy, Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ban hành năm 2022 đã phân cấp phân quyền cấp phép các cuộc thi hoa hậu về địa phương, sau 3 năm thực hiện cần có cuộc sơ kết, đánh giá những mặt được và tồn tại để điều chỉnh cho phù hợp.
Trong khi đó, NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tha thiết mong các địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục Nghệ thuật biểu diễn, chú trọng vấn đề quảng cáo, truyền thông trên địa bàn.
NSND Tống Toàn Thắng lấy ví dụ, có lần Liên đoàn Xiếc Việt Nam về một địa phương biểu diễn, khi quảng cáo người dân ở đây không tin "có Liên đoàn Xiếc Việt Nam thật" vì trước đó họ bị quảng cáo lừa.
"Chúng tôi cay đắng khi chỉ bán được 8 triệu đồng tiền vé nhưng vẫn phải biểu diễn. Vài tháng sau chúng tôi lại tiếp tục quay lại địa điểm đó để lấy lại niềm tin của người dân", NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đề nghị, năm 2025, các đơn vị có trách nhiệm tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Tránh tình trạng làm rẻ rúng danh hiệu
Tổng kết hội nghị, NSND Xuân Bắc khẳng định năm 2025, lĩnh vực nghệ thuật sẽ còn nhiều thay đổi. Đối với địa phương không đủ thiết chế văn hóa cứng (sân khấu, âm thanh, ánh sáng…) cương quyết không tổ chức thi liên hoan sân khấu chuyên nghiệp.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng khẳng định, năm 2025 sẽ ra các quy chế, tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng vở diễn, đơn vị tham gia các kỳ liên hoan, tránh tình trạng mượn cuộc thi để “săn” huy chương.
“Kể cả một kỳ liên hoan có 4 đơn vị tham gia cũng tổ chức, đơn vị nào không đủ tiêu chuẩn thì đầu tư thêm để chờ thi sau. Ban đầu thực hiện sẽ rất khó khăn nhưng đây là tiếng nói cụ thể của Cục Nghệ thuật biểu diễn tới các lãnh đạo địa phương. Quy định rõ ràng để tránh tình trạng nhiều người cứ đủ huy chương là được trao danh hiệu NSND, NSƯT. Điều này vô hình trung làm rẻ rúng những danh hiệu mà Nhà nước đã trao tặng cho nghệ sĩ, tránh tình trạng người trong nghề không phục nhau”.