Cục trưởng Cục Trẻ em nói về vụ bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, phải có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp mới phát hiện sớm sự việc như ở mái ấm Hoa Hồng.

Liên quan vụ bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP.HCM), ngày 5-5, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng đây là sự việc gây bức xúc dư luận bởi hành vi bạo lực diễn ra với cả trẻ sơ sinh. Đúng ra những hành vi đó không bao giờ được phép xảy ra ở cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Video: Cục trưởng Cục Trẻ em nói về vụ bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng

Có tình trạng giữ trẻ lại để kêu gọi tài trợ

Theo ông Nam, ngay khi tiếp nhận vụ việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có công điện đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM thực hiện khẩn cấp các nhiệm vụ: Vào cuộc kiểm tra vụ việc; có các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại mái ấm Hoa Hồng…

Hiện Cục Trẻ em đã nhận được báo cáo nhanh của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và các chỉ đạo của Văn phòng UBND TP.HCM về việc vào cuộc xác minh, xử lý vụ việc.

Chính quyền TP.HCM cũng lập đoàn kiểm tra mái ấm Hoa Hồng. Tại đây, cơ quan chức năng đã đưa các trẻ từ mái ấm Hoa Hồng đến các nơi chăm sóc mới để đảm bảo an toàn.

“Đến giờ phút này chúng ta có thể an tâm là các cháu được an toàn, chăm sóc tốt” - ông Nam khẳng định.

 Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em. Ảnh: V.LONG

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em. Ảnh: V.LONG

Với mái ấm Hoa Hồng, ông Nam cho biết theo giấy phép hoạt động, cơ sở này chỉ được nhận tối đa 39 trẻ, nhưng có thời điểm lên đến 100 em, tức gần gấp 3 lần. Việc đón trẻ vượt năng lực chăm sóc dẫn đến trẻ không an toàn.

Theo đó, Cục Trẻ em đề nghị TP.HCM tới đây phải thiết lập cơ chế, mạng lưới điều phối chuyển tuyến các dịch vụ, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc trẻ tập trung. Cầu nối điều phối có thể là Sở LĐ-TB&XH, hoặc trung tâm công tác xã hội trực thuộc thành phố.

“Các đơn vị trên có nhiệm vụ thông báo đến các cơ sở trợ giúp xã hội về việc không được phép giữ trẻ ở lại khi quá tải, để trẻ luôn luôn được chăm sóc môi trường tốt nhất…”- ông Nam nói.

Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cảnh báo, hiện nay các cơ sở trợ giúp xã hội đang có tình trạng giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng, không muốn chuyển trẻ đi cơ sở khác.

Thêm vào đó, pháp luật quy định trẻ phải được chăm sóc bằng môi trường gia đình và những người chăm sóc thay thế. Chăm sóc tập trung là biện pháp cuối cùng. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng nhiều cơ sở đang không tuân thủ quy định trên.

“Lẽ ra các chủ cơ sở trợ giúp xã hội khi tiếp nhận trẻ phải lập danh sách báo cáo cơ quan chức năng để điều phối chuyển tuyến, hoặc phối hợp với chính quyền địa phương chuyển trẻ về với gia đình gốc, hoặc tìm gia đình nuôi dưỡng thay thế. Nhưng các cơ sở thực hiện chưa được nghiêm” - ông Nam nói.

Nghiên cứu quy định bắt buộc lắp đặt camera phục vụ hậu kiểm

Để không tái diễn các trường hợp tương tự, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng cần nâng cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý. Đặc biệt là sự giám sát thường xuyên của chính cơ sở nuôi dạy và chăm sóc trẻ, có thể qua hệ thống camera nội bộ.

“Chúng tôi lấy làm tiếc khi hệ thống giám sát của chủ cơ sở mái ấm Hoa Hồng không được thiết lập, do đó người đứng đầu cơ sở không biết sự việc” - ông Nam chia sẻ.

 Cơ sở mái ấm Hoa Hồng, địa chỉ L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM.

Cơ sở mái ấm Hoa Hồng, địa chỉ L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM.

Về lâu dài, ông Nam nhận thấy hiện đang thiếu đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Trên thực tế, nếu chỉ dựa vào cơ quan quản lý Nhà nước thì không đủ người để kiểm tra tất cả các cơ sở trợ giúp xã hội. Chỉ có nhân viên công tác xã hội mới có thể giám sát thường xuyên, hiện một số địa phương đang thử nghiệm phương pháp này.

Thêm vào đó, chúng ta cũng đang thiếu cán bộ các tổ chức chính trị xã hội được đào tạo công tác xã hội và được giao trách nhiệm làm nhiệm vụ như nhân viên công tác xã hội. Chính vì thế rất khó phát hiện sớm trường hợp bạo hành trẻ.

“Hành vi bạo hành rất khó phát hiện, nó diễn ra ở từng ngôi nhà, sau mỗi cánh cửa, trong đêm tối…” - ông Nam nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của PLO về quy định bắt buộc các cơ sở trợ giúp xã hội phải lắp camera phục vụ công tác hậu kiểm, tránh chỉ kiểm tra trên sổ sách, ông Nam cho biết hiện nay quy định pháp luật chưa có quy định bắt buộc.

Tuy nhiên, ông nói đề xuất trên sẽ sớm được nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật nhằm phát hiện sớm các trường hợp bạo hành, ngược đãi trẻ em.

“Thực tế chúng ta thấy các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em là những nơi có nguy cơ xâm hại trẻ. Có lẽ trong thời đại 4.0 chúng tôi sẽ cân nhắc bắt buộc có camera, nhưng trước mắt khuyến khích các cơ sở trợ giúp xã hội lắp camera để giám sát nội bộ…” - ông Nam nói.

Ngoài ra, Cục trưởng Cục Trẻ em cũng khẳng định hiện nay các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em đã đầy đủ, quan trọng là thực hiện phải đúng và đủ. Chẳng hạn luật đã quy định rõ điều kiện người chăm sóc trẻ phải có kiến thức, kỹ năng, lý lịch tư pháp… Tuy nhiên trong thực tế việc giám sát đội ngũ này như thế nào cũng cần phải xem lại.

Trước đó, báo Thanh Niên phản ánh tình trạng bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng. Cụ thể, các nhân viên ở đây có hành vi xách trẻ, ném lật úp trẻ lên nệm, đánh vào tay chân, bóp đầu, bóp miệng, tát, đấm liên tiếp trẻ... Có bé bị đánh đến chảy máu miệng.

Hiện Công an quận 12 và các cơ quan chức năng đang làm việc với bà GTSH - chủ mái ấm Hoa Hồng để làm rõ hành vi bạo hành trẻ em tại đây.

Mái ấm Hoa Hồng được giới thiệu là nơi cưu mang trẻ bị bỏ rơi, cưu mang mẹ bầu, người già neo đơn. Nơi đây cũng thường đăng clip trên mạng xã hội, công khai số tài khoản để nhận hỗ trợ của cộng đồng.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuc-truong-cuc-tre-em-noi-ve-vu-bao-hanh-tre-o-mai-am-hoa-hong-post808555.html
Zalo