Trang đời mới cho những trẻ kém may mắn: Để mái ấm không lạnh

Người quản lý mái ấm phải có nghiệp vụ công tác xã hội, có tâm, có tình với trẻ em. Các cơ quan nhà nước cũng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát; chú trọng đào tạo đội ngũ giáo dục viên…

Gắn bó công tác bảo trợ xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn hơn 12 năm nay, chị Võ Thị Thu Huyền, nhân viên trung tâm, khẳng định mọi người ở Nhà May Mắn luôn hướng đến mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật, trẻ cơ nhỡ.

Chăm sóc bằng tình thương, trách nhiệm, sự tôn trọng

Theo chị Huyền, môi trường ở Nhà May Mắn là môi trường mở. Trẻ sống ở đây như sống tại nhà - sáng đi học, trưa về ăn cơm, chiều đi chơi, tối học bài và kỹ năng.

Không được đánh, không được chửi học viên là quan điểm giáo dục xuyên suốt ở Nhà May Mắn. Bà Aline Rebeaud (người Thụy Sĩ, tên Việt Nam là Hoàng Nữ Ngọc Tim), người sáng lập trung tâm, luôn nhắc nhở nhân viên phải chịu khó nói chuyện thật nhiều, thường xuyên trao đổi để lắng nghe tâm tư, quan điểm của các bạn nhỏ. Từ đó, phân tích cái nào được, cái nào không được để trẻ đưa ra lựa chọn.

"Phải luôn nhớ học viên là thân chủ, đối tượng làm việc, chúng tôi không phải là người ban ơn. Điều quan trọng nữa là không làm thay, làm giùm mà chỉ hướng dẫn, định hướng, đồng hành với học viên; là "bức tường" phía sau hỗ trợ các bạn nhỏ. Cách làm này giúp hai bên đều thấy được tôn trọng" - chị Huyền bày tỏ.

Trường hợp các em nhỏ ham chơi, mê game, bướng bỉnh…, nhân viên trung tâm sẽ hỏi lý do, lắng nghe, chia sẻ. Sau đó, họ cho các em viết bản tường trình, kiểm điểm lại những việc đã làm. Nếu trẻ còn vi phạm, tùy mức độ sẽ bị trung tâm khiển trách, họp hội đồng xét duyệt, bàn hướng xử lý... "Quan điểm của bà Aline Rebeaud là hãy cho người vi phạm thêm cơ hội để sửa chữa lỗi lầm" - chị Huyền cho biết.

Theo chị Huyền, sau khi các em trưởng thành, trung tâm hỗ trợ bằng hình thức cho thuê nhà trọ giá rẻ bên Làng May Mắn thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn. Các em vẫn có thể quay lại trung tâm học tập, làm việc và được hỗ trợ khi cần.

"Điều này cho thấy việc hỗ trợ được kéo dài, xuyên suốt; tạo ra niềm tin, điểm tựa vững chắc - nhất là với những bạn không còn gia đình, người thân. Các bạn sẽ luôn thấy an tâm vì sau lưng luôn có một ngôi nhà chung, bất cứ lúc nào cũng có thể về nhà" - chị Huyền nhấn mạnh.

Chị Nguyễn Thị Mai (thứ hai trừ trái qua) đưa chồng và 2 con về thăm Mái ấm Bà ChiêủẢnh: LÊ VĨNH

Chị Nguyễn Thị Mai (thứ hai trừ trái qua) đưa chồng và 2 con về thăm Mái ấm Bà ChiêủẢnh: LÊ VĨNH

Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đào tạo đội ngũ

Huyện Củ Chi là địa bàn có nhiều mái ấm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, cơ nhỡ, người già, người khuyết tật… Bà Đỗ Thị Thanh Thúy, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện, cho rằng để cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động tốt, ngoài vai trò của địa phương; đơn vị quản lý theo dõi, kiểm tra định kỳ... thì bản thân cơ sở đó phải tuân thủ các quy định khi thành lập. Trong đó, cần bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất; nhân viên đủ năng lực, trình độ theo quy định cũng như bảo đảm số lượng.

"Hiện nay, ở nhiều mái ấm, nhân viên yếu về năng lực. Ngoài ra, việc quản lý nguồn thu của các mái ấm cũng còn bỏ ngỏ" - bà Thúy nhận định.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TP HCM, thông tin hội đang quản lý 7 mái ấm. Đến nay, các mái ấm này đều hoạt động được khoảng 30 năm. Tại mỗi cơ sở, hội đều bố trí các trưởng mái ấm và giáo dục viên đảm nhận việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Mỗi tháng, hội đều kiểm tra tài chính; mỗi tuần có những buổi kiểm tra đột xuất. Ngoài ra, hội còn đều đặn tổ chức họp giao ban tháng với các trưởng mái ấm để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn cùng các đề xuất nhằm kịp thời hỗ trợ.

"Để các mái ấm hoạt động hiệu quả, an toàn thì trước hết, người quản lý cơ sở phải có nghiệp vụ về công tác xã hội; phải có tâm, có tình với trẻ em. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa bằng việc thường xuyên kiểm tra, giám sát; chú trọng đào tạo đội ngũ giáo dục viên - những người có ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của trẻ tại mái ấm. Bởi lẽ, các em không chỉ cần chăm lo về thể chất mà còn phải được nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục nhân cách sống đầy đủ, toàn diện" - bà Huệ nhìn nhận.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của ngành LĐ-TB-XH

Ông Trần Công Bình - chuyên gia bảo vệ trẻ em, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP HCM - nhận xét hệ thống bảo vệ trẻ các cấp đã được xác lập rất rõ trong Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP, Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2017 (về việc tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em), Chỉ thị 23/CT-TTg năm 2020 (về tăng cường giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, xác lập rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của cơ quan điều phối và cơ quan phối hợp).

Để vận hành hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em, cần kiện toàn luật pháp, chính sách, cấu trúc tổ chức và dịch vụ bảo vệ trẻ. Trong đó, hệ thống pháp luật đã tương đối bao quát và đầy đủ; cơ cấu tổ chức đã định hình khá rõ nhưng còn khá rộng và tản mạn, với nhiều sở, ban, ngành tham gia. Gần đây, ủy ban quyền trẻ em các cấp đã được thiết lập lại, ở cấp thành phố có tên gọi là Ủy ban Trẻ em thành phố và được triển khai đến cấp phường, xã. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em tương đối đa dạng và phong phú, song còn thiếu vai trò điều phối để có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ, hiệu quả...

"Các sở, ngành, đơn vị cần được phân vai cụ thể, rõ ràng. Đội ngũ nhân sự cần được bố trí chuyên biệt, đào tạo bài bản. Hệ thống dịch vụ, gồm cả công lập và tư nhân, cần được rà soát, sắp xếp phù hợp; xác lập cơ chế phối hợp rõ ràng, thông suốt. Trong đó, phát huy mạnh mẽ vai trò điều phối của Sở LĐ-TB-XH, Thường trực Ủy ban Trẻ em thành phố, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ chuyên môn của đội ngũ chuyên gia làm việc tại các trường, viện và tổ chức phi chính phủ" - ông Trần Công Bình phân tích.

Theo ông Trần Công Bình, bộ phận thường trực là ngành LĐ-TB-XH cấp cơ sở (quận/huyện) cần nâng tầm và trách nhiệm trong việc tham mưu, điều phối sự tham gia của các ban, ngành chủ chốt: tư pháp, công an, giáo dục, đoàn thể… Hệ thống dịch vụ cần trao quyền hơn nữa cho trung tâm công tác xã hội trẻ em để vừa cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn thành phố vừa điều phối, kết nối dịch vụ đối với trẻ có nhu cầu. Cần phối hợp công tác giám sát định kỳ và đột xuất ở cộng đồng, nhất là với cơ sở bảo trợ xã hội; kịp thời phát hiện nguy cơ xâm hại, bạo hành trẻ em để có giải pháp kịp thời, khả thi và hiệu quả.

Nơi hạnh phúc được chắp cánh

Sáng 15-9, dù mưa lớn và dai dẳng, chị Nguyễn Thị Mai vẫn đưa gia đình nhỏ của mình từ huyện Hóc Môn lên quận Bình Thạnh để tham dự buổi họp mặt của những thế hệ trưởng thành từ mái ấm. Buổi họp mặt được tổ chức tại Mái ấm Bà Chiểu - nơi cách đây 26 năm, chị được đưa đến đây sống.

Vừa đặt chân đến cổng mái ấm, chị Mai đã chạy đến ôm lấy 2 người má của mình. Chị mừng rỡ: "Thưa má Yến, má Thanh, con mới về. Hôm nay con đưa chồng và con của con về cùng". Kéo 2 con nhỏ lại, chị Mai dặn: "Tụi con vòng tay lại chào bà ngoại"...

Năm 9 tuổi, chị Mai theo bố mẹ từ Thanh Hóa vào TP HCM. Vì nhà quá nghèo, chị phải đi bán vé số, nhặt ve chai… Trong một lần đi gom rác, chị gặp cô Lý Thu Linh. Thấy Mai còn nhỏ mà không được đi học, cô Linh ngỏ ý với mẹ chị cho chị vào mái ấm để có cuộc sống tốt hơn.

"Hai ngày đầu tiên tôi vào mái ấm, mẹ cứ lòng vòng xung quanh xem tôi có bị bắt cóc hay bị mang đi bán ở đâu không. Thấy tôi được cho ăn uống đầy đủ, có quần áo sạch sẽ tươm tất, mẹ mới yên tâm" - chị Mai nhớ lại.

Suốt 10 năm sống tại mái ấm, chị Mai được chăm sóc, học hành trong vòng tay yêu thương của các má. Tốt nghiệp ngành kế toán, chị được các má xin cho vào làm việc tại một công ty lớn. Sau này, chị tiếp tục học nghề và hiện là chủ của một tiệm làm tóc.

"Năm 2012, tôi lập gia đình. Chuyện tình cảm của chúng tôi cũng nhờ các má tác hợp mà nên duyên vợ chồng. Hôm đám cưới chúng tôi, các má, các ngoại đến chung vui. Đó là một niềm hạnh phúc lớn lao của tôi. Nếu không có mái ấm này, nếu không có các má, có lẽ cuộc đời tôi sẽ không thoát ra khỏi cảnh nghèo khổ, cơ cực. Tôi luôn biết ơn và trân trọng khoảng thời gian được sống tại mái ấm này" - chị Mai xúc động.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-9

Phan Anh - Thu Hồng - Lê Vĩnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trang-doi-moi-cho-nhung-tre-kem-may-man-de-mai-am-khong-lanh-196240915190530387.htm
Zalo