Chậm chuyến, hủy chuyến không báo: Hãng bay có đang coi thường quyền của hành khách?

Nhiều hành khách vật vờ tại sân bay do các hãng hàng không liên tiếp chậm, hủy chuyến.

Trong hai ngày 21 và 22/4, hàng loạt hành khách vật vờ tại các sân bay do nhiều chuyến bay bị chậm, hủy chuyến bất ngờ. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, các hãng như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet đều ghi nhận tình trạng chậm từ 1 đến 2 tiếng, thậm chí có chuyến bị hủy đột ngột sau nhiều lần lùi giờ bay mà không được thông báo sớm.

Trong 2 ngày 21 - 22/4, nhiều người dân đã phản ánh về tình trạng chậm chuyến nhiều tiếng và hủy chuyến bay không báo trước tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong 2 ngày 21 - 22/4, nhiều người dân đã phản ánh về tình trạng chậm chuyến nhiều tiếng và hủy chuyến bay không báo trước tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo phản ánh, không ít hành khách mất công việc, lỡ lịch trình, mệt mỏi chờ đợi trong tình trạng thiếu thông tin và hỗ trợ cần thiết. Đại diện các hãng bay lý giải việc điều chỉnh do nhu cầu tăng cao dịp 30/4 - 1/5, cùng với thay đổi khai thác nhà ga T1 sang T3 tại Tân Sơn Nhất. Thêm vào đó, thời tiết xấu tại Nội Bài và hoạt động phục vụ công tác tập huấn đại lễ 30/4 cũng làm gián đoạn lịch bay.

Trước tình hình này, sáng 22/4, Cục Hàng không Việt Nam đã lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, kéo dài trong 5 ngày.

Chậm/hủy chuyến bay bất ngờ, các hãng hàng không có trách nhiệm gì?

Theo luật sư Trần Đại Lâm (Công ty Luật TNHH ANVI), pháp luật hiện hành quy định rõ: trong trường hợp chuyến bay bị chậm hoặc hủy chuyến không do lỗi của hành khách, hãng hàng không có nghĩa vụ chủ động thông báo, xin lỗi, hỗ trợ đầy đủ và bồi thường theo quy định.

Cụ thể, theo Thông tư số 81/2014/TT-BGTVT (được sửa đổi bởi Thông tư 19/2023), chuyến bay khởi hành muộn từ 15 phút trở lên đã được coi là chậm chuyến. Khi đó, hãng bay phải thông báo kịp thời, cung cấp thông tin đầy đủ bằng phương thức phù hợp; đồng thời bố trí ăn uống, nghỉ ngơi và phương tiện đi lại phù hợp với thời gian chờ đợi của hành khách tại sân bay.

Luật sư Trần Đại Lâm cho biết, chuyến bay chậm trên 15 phút đã được tính là chậm chuyến và trễ từ 5 giờ, hành khách được quyền hủy vé, nhận lại tiền. Trường hợp hãng không thực hiện đúng, hành khách có thể khiếu nại, phản ánh hoặc khởi kiện.

Luật sư Trần Đại Lâm cho biết, chuyến bay chậm trên 15 phút đã được tính là chậm chuyến và trễ từ 5 giờ, hành khách được quyền hủy vé, nhận lại tiền. Trường hợp hãng không thực hiện đúng, hành khách có thể khiếu nại, phản ánh hoặc khởi kiện.

Trường hợp chuyến bay bị trễ từ 2 giờ trở lên, hành khách có quyền được đổi sang chuyến bay hoặc hành trình khác mà không phải chịu bất kỳ phụ phí hay điều kiện ràng buộc nào. Nếu trễ từ 5 giờ trở lên, hành khách được quyền yêu cầu hoàn lại toàn bộ tiền vé hoặc phần chưa sử dụng mà không bị từ chối, và việc hoàn tiền phải được thực hiện trực tiếp tại sân bay, văn phòng đại diện hoặc đại lý chỉ định.

Ngoài ra, nếu chuyến bay bị chậm kéo dài – tức trễ từ 4 giờ trở lên so với giờ khởi hành dự kiến – hãng hàng không còn phải bồi thường bằng tiền mặt, không hoàn lại, cho hành khách đã có vé và được xác nhận chỗ. Mức bồi thường cụ thể tùy theo cự ly bay: từ 200.000 đến 400.000 đồng đối với chuyến bay nội địa, và từ 25 đến 150 đô la Mỹ đối với chuyến bay quốc tế, căn cứ theo Thông tư số 14/2015 và Thông tư 27/2017 của Bộ Giao thông Vận tải.

Người dân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Trong mọi trường hợp bị chậm, hủy chuyến không hợp lý, hành khách có quyền yêu cầu hãng hàng không thực hiện các nghĩa vụ theo luật định. Việc yêu cầu có thể thực hiện ngay tại sân bay, văn phòng đại diện hoặc đại lý của hãng. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, hành khách có thể gửi đơn khiếu nại đến hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam hoặc khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Để làm căn cứ bảo vệ quyền lợi, hành khách cần giữ lại toàn bộ vé máy bay, thẻ lên tàu bay, hóa đơn ăn uống, đi lại hoặc các chi phí phát sinh liên quan đến việc chậm chuyến. Ngoài ra, việc ghi nhận lại thông báo từ hãng hoặc nhân viên sân bay cũng rất cần thiết trong quá trình khiếu nại hoặc khởi kiện.

Việc nắm rõ quyền lợi không chỉ giúp hành khách chủ động bảo vệ mình trong tình huống bị ảnh hưởng mà còn là cách buộc các hãng hàng không phải hành xử minh bạch, có trách nhiệm hơn với cộng đồng và tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Liên quan tình trạng chậm, hủy chuyến tại Tân Sơn Nhất, một số chuyến bay bị delay từ 3 đến 10 tiếng rồi bất ngờ bị hủy. Vietjet cho biết đã hỗ trợ, xin lỗi hành khách và triển khai chính sách đền bù: 500.000 đồng cho chặng nội địa, 1 triệu đồng cho chặng quốc tế dưới dạng E-voucher, áp dụng với các chuyến bay trễ từ 2 tiếng trở lên trong hai ngày 20 và 21/4.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu chấn chỉnh tình trạng phi công 'bay quá tốc độ'.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-chuyen-huy-chuyen-khong-bao-hang-bay-co-dang-coi-thuong-quyen-cua-hanh-khach-169250423063241907.htm
Zalo