Cục THADS TP HCM: Xây dựng cụm kho vật chứng để tránh lãng phí

Công tác phối hợp THADS còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến tiến độ và nhiều trường hợp phải chờ hướng dẫn thêm từ tòa án

Ngày 10-11, Thường trực HĐND TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình thành phố và Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP HCM tổ chức Chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 11-2024, với chủ đề "Thi hành án dân sự – Quyền lợi và nghĩa vụ của công dân".

Tại chương trình, cử tri phản ánh về tình trạng chậm trễ và bất cập trong THADS tại TP HCM.

Cử tri Phan Huy Hân (quận 3) cho biết đã tham gia đấu giá từ tháng 5-2023, hoàn tất các thủ tục nhưng vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cử tri Võ Thị Quyền Giao (quận 8) đã mua nhà ở xã hội nhưng 8 năm vẫn chưa nhận nhà; dù đã kiện và có phán quyết, bà vẫn chưa nhận được quyết định THA sau hơn 2 năm.

Các khách mời là lãnh đạo các ban, ngành tại chương trình

Các khách mời là lãnh đạo các ban, ngành tại chương trình

Cử tri Phạm Thị Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, đặt vấn đề làm sao để tăng cường phối hợp tổ chức THA và cải thiện sự tham gia của các tổ chức thừa phát lại, đồng thời tìm cách xử lý dứt điểm các bản án tuyên không rõ ràng.

Bà Phạm Quỳnh Anh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM, thừa nhận công tác phối hợp THA còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến tiến độ và nhiều trường hợp phải chờ hướng dẫn thêm từ tòa án.

Bàn về giải pháp, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giám đốc Sở Tư pháp TP HCM cho biết, để phát huy vai trò của các cơ quan ban ngành trong phối hợp tổ chức thi hành án, các cơ quan cần thực hiện đúng và đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong công tác phối hợp.

Về hoạt động của các văn phòng thừa phát lại, bà Hạnh cho biết theo Nghị định 08 năm 2000, các văn phòng thừa phát lại được phép thực hiện 2 công việc: xác minh điều kiện thi hành án và thi hành các bản án quyết định theo yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, các quy định hiện nay vẫn hạn chế quyền hạn của thừa phát lại, không cho phép họ áp dụng các biện pháp bảo đảm hoặc cưỡng chế thi hành án.

Khi muốn ban hành 1 quyết định thi hành án thì phải đề nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án xem xét, ban hành. Cho nên thực sự chưa hấp dẫn đối với hoạt động thừa pháp lại. Khi vụ việc đã đưa qua tòa và thi hành án thì các đương sự rất thiếu yếu tố tự nguyện. Do đó, các văn phòng thừa phát lại thiếu công cụ về mặt pháp lý để tổ chức thi hành án.

Trên thực tế, số vụ thi hành án do các văn phòng thừa phát lại thực hiện trong những năm qua gần như không có. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã thấy những vướng mắc này, cũng đang lấy ý kiến về những khó khăn và vướng mắc để xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn, giúp thừa phát lại hoạt động hiệu quả và đáp ứng thực tiễn hơn.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, cho biết trong quá trình thi hành án, thường có sự chênh lệch giữa nội dung bản án và thực tế, như chênh lệch diện tích tài sản. Điều này buộc Cơ quan Thi hành án phải yêu cầu tòa án giải thích nhưng việc trả lời từ tòa thường chậm trễ, gây kéo dài quy trình.

Về giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo Cục THADS TP đã thường xuyên chỉ đạo chấp hành viên chủ động liên hệ và trao đổi trực tiếp với thẩm phán để giải quyết các vụ việc, sớm nhận có văn bản giải thích rõ ràng về những nội dung bản án tuyên không rõ ràng để làm căn cứ cho việc thi hành án.

Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, liên ngành thi hành án đã họp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, vướng mắc trong thi hành án.

Về kiến nghị, đề xuất, Cục THADS TP đề nghị lãnh đạo tòa án TP thường xuyên kiểm tra, rà soát và chỉ đạo yêu cầu thẩm phán xem xét và sớm có văn bản giải thích. Nếu thẩm phán chậm trả lời mà không có lý do chính đáng, Cục THADS TP sẽ xem xét việc đánh giá xếp loại thi đua đối với công chức theo tháng, quý và năm. Thêm nữa, Cục THADS TP đề xuất lãnh đạo TP tổng hợp các bản án tuyên không rõ để rút kinh nghiệm chung cho các thẩm phán tại Tòa án TP.

Cử tri Nguyễn Hữu Ngữ (quận Bình Tân) nêu thắc mắc liệu cơ sở vật chất của Chi cục và Cục THA có đủ điều kiện để lưu trữ tài sản, đảm bảo không làm mất giá trị tài sản, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan hay không? Có tình trạng quá tải hay không? Vì sao cơ quan thi hành án phải sử dụng chung kho bãi với các đơn vị khác?

Phó Cục trưởng Cục THADS TP HCM chia sẻ hiện toàn thành phố có 12/23 đơn vị có kho vật chứng, còn 11 đơn vị chưa có kho riêng. Đối với các đơn vị chưa có kho, có ba cách xử lý chính:

Một số đơn vị sử dụng một phần diện tích trụ sở để làm kho tạm; một số khác gửi tài sản ở các cơ quan liên quan như công an hoặc quản lý thị trường; còn lại, một số đơn vị nhờ sự hỗ trợ từ UBND địa phương để tạm thời bố trí kho, trong khi có đơn vị như Củ Chi phải thuê kho riêng để bảo quản tài sản. Tất cả các kho này đều phải đảm bảo an toàn cho tài sản được lưu giữ.

Như cử tri đã nêu, nhiều kho vật chứng hiện đã quá tải, do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố lịch sử. Trước đây, nhiều bản án được chuyển giao từ cơ quan công an và tòa án cho cơ quan thi hành án nhưng không kèm theo bản án chi tiết, gây khó khăn cho việc xử lý.

Có những trường hợp dù có bản án nhưng tài sản lại thuộc loại đặc thù, như ma túy, đòi hỏi giải pháp xử lý riêng để tuân thủ quy định pháp luật.

Đối với các hàng hóa tươi sống, dễ hư hỏng, cần xử lý nhanh chóng. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành lại thiếu các hướng dẫn cụ thể cho việc xử lý loại này.

Hơn nữa, trách nhiệm định giá tài sản lại đặt nặng lên vai chấp hành viên, trong khi họ chỉ được đào tạo về pháp luật chứ không phải thẩm định giá. Vì vậy, cần có quy định cụ thể hơn, theo trình tự rút gọn, để hỗ trợ việc xử lý các tài sản đặc thù này một cách hiệu quả và đúng quy định.

Trần Thái

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuc-thads-tp-hcm-xay-dung-cum-kho-vat-chung-de-tranh-lang-phi-196241110152038994.htm
Zalo