Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày các phương án khắc phục hậu quả

Ngày 12/11, TAND cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) và 47 đồng phạm trong giai đoạn 1 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn VTP, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.

Đại diện Viện KSND đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày cụ thể phương án khắc phục hậu quả vụ án. Bà Trương Mỹ Lan cho biết, bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi hoàn cho SCB 673.000 tỷ. Tuy nhiên, bị cáo ước lượng tổng số tiền mà các tổ chức, cá nhân phải trả cho bị cáo là khoảng 21.000 tỷ... Bị cáo đề nghị cơ quan chức năng đối chiếu và có biện pháp thu hồi để bảo đảm cho việc thi hành án.

Đối với Dự án 6A ở khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh đang không bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào, bị cáo Trương Mỹ Lan tự nguyện đưa vào khắc phục hậu quả. Đại diện SCB chấp nhận với đề nghị này khi được HĐXX mời đối chất.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa

Trình bày về nguồn gốc Dự án 6A, bị cáo Lan cho biết, đây là dự án do Tập đoàn VTP đầu tư, tình trạng pháp lý đầy đủ, đã nộp đầy đủ tiền sử dụng đất..., sau đó SCB có mượn dự án này tái cơ cấu. "Trước khi bị cáo bị bắt không lâu, có rất nhiều người hỏi mua, mức giá khoảng 40.000 tỷ đồng", bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày.

Đối với số tiền 5.000 tỷ đồng đã đưa vào tăng vốn điều lệ cho SCB (số tiền này của bị cáo Trương Mỹ Lan và có khoảng 150 tỷ là của các cổ đông khác), bị cáo khẳng định mình toàn quyền đại diện để đòi lại và xử lý số vốn này.

Đại diện SCB khẳng định, trên hồ sơ tài liệu của SCB chưa ghi nhận, nhưng SCB có nhận số tiền này nhưng không rõ toàn bộ có phải của bà Trương Mỹ Lan hay không. Số tiền này đã được "hòa vào dòng tiền" của SCB. SCB sẽ rà soát cụ thể và trả lời bằng văn bản.

Trả lời HĐXX, bị cáo Tạ Chiêu Trung (Tổng giám đốc Công ty CP Việt Vĩnh Phú, cựu Phó Chủ tịch HĐQT SCB) cho biết, bị cáo chỉ nhớ số tiền 5.000 tỷ về SCB vào khoảng năm 2021, còn cụ thể của những ai thì phải xem lại tài liệu mới biết được. Đối với 658 mã tài sản không bảo đảm cho khoản vay này (căn hộ, sổ đỏ dự án... ở TPHCM và một số tỉnh, thành), bị cáo Trương Mỹ Lan cũng tự nguyện đưa vào khắc phục hậu quả.

Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam nộp 7,5 tỷ đồng cho bị cáo Chu Lập Cơ

Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam nộp 7,5 tỷ đồng cho bị cáo Chu Lập Cơ

Theo kế hoạch, đại diện Viện KSND cấp cao tại TPHCM tham gia phiên tòa sẽ phát biểu quan điểm giải quyết kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 47 người khác. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX được quay lại phần xét hỏi để làm rõ thêm một số vấn đề. Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan khẳng định tự nguyện dùng nhiều tài sản để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo Lan đồng ý đưa dự án 6A khu Trung Sơn, Bình Chánh (SCB đang giữ); 658 mã tài sản khác (trong đó có 2 dự án lớn là dự án cảng Sài Gòn và dự án Amigo) của mình không dùng để đảm bảo cho bất cứ khoản vay nào để khắc phục hậu quả vụ án. Những tài sản đó nếu được phát triển đúng thời điểm và kịp thời thì sẽ mang về không dưới 200 ngàn tỷ.

Để làm rõ một số nội dung bị cáo Lan trình bày, HĐXX hỏi đại diện SCB về Dự án 6A. Phía SCB xác nhận tài sản này không còn bảo đảm cho các nghĩa vụ nào, nhưng nằm trong 5 tài sản bà Lan đưa vào để tái cơ cấu SCB từ những ngày đầu, nên giữ lại để bảo đảm cho việc khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo Lan cũng đồng ý dùng tài sản này để bảo đảm cho nghĩa vụ thi hành án nên SCB đề nghị tòa giao dự án này cho ngân hàng để quản lý.

Ngoài ra, liên quan tới yêu cầu cung cấp thông tin về các cổ đông liên quan tới số tiền 5.000 tỷ tăng vốn điều lệ, thông tin các khoản vay quy buộc trách nhiệm hình sự của ông Chu Lập Cơ, HĐXX, Viện kiểm sát, các luật sư tiếp tục "nhắc" SCB. Tuy nhiên, đại diện SCB cho biết phía ngân hàng vẫn đang rà soát và sẽ cung cấp sau bằng văn bản.

Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi và đề nghị đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm giải quyết vụ án vào buổi chiều. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát cho rằng quá trình thẩm vấn phát sinh nhiều tình tiết mới, cần thời gian để đánh giá lại một cách chính xác, từ đó mới có cơ sở đề nghị chấp nhận hay không kháng cáo của các bị cáo và các bên liên quan. Do đó, Viện kiểm sát đề nghị dừng phiên tòa để nghiên cứu đánh giá chứng cứ.

Quang cảnh tại tòa

Quang cảnh tại tòa

HĐXX đồng ý với yêu cầu của Viện kiểm sát, tạm ngưng phiên tòa tới ngày 15/11. Sáng 15/11, phiên tòa bước sang phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát sẽ phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Cuối buổi làm việc, bị cáo Lan đề nghị HĐXX cho mình được tiếp cận hồ sơ của 1.283 khoản vay tại SCB để biết chính xác số nợ đến nay là bao nhiêu. Đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX chấp nhận kiến nghị này của bị cáo Lan. HĐXX ghi nhận và cho biết sẽ xem xét.

Cục Thi hành án (THA) dân sự TPHCM cho biết, liên quan đến VTP, để khắc phục hậu quả theo bản án số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của TAND TPHCM, công ty và người có liên quan vừa nộp hơn 95 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam nộp 80 tỷ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan và nộp 7,5 tỷ đồng cho bị cáo Chu Lập Cơ (chồng của bà Lan). Trong khi đó, chồng của bị cáo Trương Huệ Vân nộp hơn 7,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho vợ. Tất cả số tiền này đã nộp vào tài khoản của cơ quan THA tại Kho bạc Nhà nước.

Liên quan đến vụ án này, ngày 31/10, Cục trưởng Cục THA dân sự TPHCM đã có công văn chuyển đến TAND cấp cao tại TPHCM xem xét giải quyết theo thẩm quyền về đơn đề nghị THA chủ động để khắc phục hậu quả vụ án. Theo đó, Cục THA dân sự TPHCM nhận được đơn đề nghị ngày 23/10 của bà Trương Mỹ Lan. Nội dung đơn nêu ý kiến, trình bày, đề nghị liên quan đến việc tổ chức THA phần dân sự theo bản án số 157/2024/HS-ST (vụ án VTP giai đoạn 1), bản án số 504/2024/HSST ngày 17/11/2024 (vụ án VTP giai đoạn 2), gồm việc ưu tiên THA cho bị hại là các trái chủ trong giai đoạn 2, thứ tự xử lý tài sản kê biên, phong tỏa, cách thức THA đối với một số tài sản...

Cục THA dân sự TPHCM ghi nhận tinh thần chủ động THA của bà Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, các bản án sơ thẩm nêu trên chưa có hiệu lực pháp luật, đang được tòa phúc thẩm xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm (giai đoạn 1) hoặc đang trong thời gian kháng cáo, kháng nghị (giai đoạn 2). Do đó, Cục THA dân sự TPHCM chưa có cơ sở thụ lý, tổ chức THA. Vì vậy, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, căn cứ bản án của tòa án, đương sự gồm người phải THA là bà Trương Mỹ Lan có quyền làm đơn yêu cầu, tự nguyện THA, Cục THA dân sự TPHCM xem xét thụ lý, giải quyết việc THA và yêu cầu, đề nghị của đương sự theo đúng quy định pháp luật.

VĂN TOÀN - TRÚC GIANG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/bi-cao-truong-my-lan-trinh-bay-cac-phuong-an-khac-phuc-hau-qua_169929.html
Zalo