Cục Đường bộ Việt Nam 'bấm giờ' với loạt dự án của Petrolimex
'Lãnh đạo Cục đã làm việc và yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải khởi công tất cả các dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc đã ký hợp đồng từ tháng 8/2024, ngay trong nửa đầu tháng 5/2025', Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Quang Giang trao đổi với Pháp luật Việt Nam.

Cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Xây dựng trong “vai” người, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.
11 tháng phải xong công trình thiết yếu
Sau khi Pháp luật Việt Nam thông tin việc Liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thắng thầu loạt dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhưng không khởi công, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Xây dựng) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tập đoàn này.
Cụ thể, nhà đầu tư nói trên đã trúng thầu 9/21 dự án do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Trong đó, dự án lớn nhất trị giá hơn 350 tỷ và nhiều dự án khác có quy mô thực hiện trên dưới 200 tỷ đồng.
“Tháng 8/2024, Cục và Petrolimex đã ký Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh 4 trạm dừng nghỉ. Lúc đó, 2 bên đã thống nhất sau 11 tháng, nhà đầu tư phải hoàn thành các công trình dịch vụ thiết yếu để phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc này”, Phó Cục trưởng Giang nói.
Nếu tính từ thời điểm hợp đồng trên có hiệu lực, đến tháng 7/2025, nhà đầu tư Petrolimex phải hoàn thành các công trình thiết yếu để đưa vào khai thác tại các trạm thuộc các dự án cao tốc (Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm). Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, các dự án vừa nêu vẫn đang là những bãi đất trông ven đường, trong khi phương tiện lưu thông qua đây không có chỗ đậu xe, thậm chí có lúc phải dừng “chớp nhoáng” trên cao tốc, gây mất an toàn cho người và phương tiện.
Để các công trình liên quan tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác một cách đồng bộ hiệu quả, các địa phương đã rất nỗ lực phối hợp với Bộ Xây dựng trong công tác giải phóng mặt bằng. Dù khó khăn nhưng UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... đã sớm tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức kiểm đếm, đền bù để bàn giao mặt bằng “sạch” cho Petrolimex.
“Giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn, vất vả trong các dự án, bởi quy định chồng chéo; có nơi, có lúc, người dân không hợp tác... Nhưng địa phương đã nỗ lực để phục vụ cho công trình đường bộ trọng điểm quốc gia”, ông Trần Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói và cho biết hôm 5/5, toàn bộ mặt bằng phục vụ Dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bùng - Vạn Ninh đã “sạch” để giao cho Petrolimex khởi công.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc La Sơn - Túy Loan, do Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế khai thác từ năm 2022.
Chấm dứt hợp đồng nếu chậm quá 90 ngày
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Quang Giang cho hay, cuối tháng 4/2025, lãnh đạo Cục và Petrolimex đã họp giải quyết vấn đề này. “Chúng tôi yêu cầu, đối với những dự án đã ký hợp đồng vào tháng 8/2024, đã có mặt bằng, Petrolimex phải khởi công xây dựng ngày trong nửa đầu tháng 5/2025. Không thể để chậm trễ hơn nữa.”, lời ông Giang.
Được biết, trong các hợp đồng ký giữa nhà đầu tư với Cục Đường bộ Việt Nam, đều có ghi: “Quá thời hạn yêu cầu, nếu các hạng mục công trình dịch vụ công chưa hoàn thành thì chậm 01 ngày sẽ giảm trừ tương ứng thời gian kinh doanh, vận hành, khai thác 02 ngày. Trường hợp chậm trễ quá 90 ngày, Bên A có quyền xem xét chấm dứt hợp đồng…”.
Liên quan tới các dự án này, trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã ký quyết định ủy quyền, giao nhiệm vụ Cục Đường bộ Việt Nam ký kết và quản lý hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các dự án. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu, thực hiện hợp đồng; thực hiện nhiệm vụ cơ quan chuyên môn về xây dựng và các nhiệm vụ khác của người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền đối với loạt dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông...
Căn cứ ủy quyền này cùng với những cam kết có trong hợp đồng, Cục Đường bộ Việt Nam không thể du di cho bất kỳ nhà đầu tư nào vi phạm tiến độ.