Cục Di sản văn hóa yêu cầu Bắc Giang báo cáo vụ cháy chùa Vẽ

Cục Di sản văn hóa đề nghị Bắc Giang khẩn trương kiểm tra thực tế, có biện pháp bảo vệ di tích, đánh giá mức độ thiệt hại, đề xuất phương án xử lý.

Thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho biết, đơn vị đã có văn bản số 101/DSVH-DT gửi Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Giang về việc cháy tại di tích quốc gia chùa Vẽ.

Văn bản nêu rõ, Cục Di sản văn hóa nhận được thông tin di tích quốc gia chùa làng Vẽ, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang bị cháy vào khoảng 1 giờ sáng ngày 10/2. Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Giang chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra thực tế tại di tích, có ngay biện pháp bảo vệ di tích, đồng thời đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang và Bộ VH,TT&DL trước 10 giờ ngày 11/2.

Trước đó, vào khoảng 1 giờ sáng 10/2, một số người dân trên địa bàn phát hiện ngọn lửa bốc lên từ nhà tam bảo nên thông báo đến lực lượng chức năng để có mặt triển khai phương án dập lửa, chữa cháy, bảo vệ hiện trường.

Sau khoảng 30 phút, đám cháy được khống chế, không để xảy ra cháy lan sang các nhà dân quanh khu vực.

Theo thông tin từ hiện trường, đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng toàn bộ mái nhà, nhiều tượng phật bằng gỗ, khung nhà hư hỏng nặng. Lực lượng chức năng tiếp tục điều tra nguyên nhân, thống kê thiệt hại.

Sau khi xảy ra hỏa hoạn, ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang đã ban hành 2 công văn chỉ đạo về việc tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho di tích chùa Vẽ.

Chùa Vẽ (Huyền Khê tự), hay còn gọi là chùa làng Vẽ, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Đây là ngôi chùa cổ, nằm ở vị trí cửa ngõ thành phố Bắc Giang hướng từ Lạng Sơn về Hà Nội, là địa bàn quan trọng trong trận chiến Chi Lăng - Xương Giang năm 1427.

Trong trận chiến này ở địa điểm thành Xương Giang, để ngăn quân xâm lược, Đại Việt đã cho xây thành kiên cố ở phía trước, phía sau dựng thành lũy giả tạo cảm giác điệp trùng khiến quân thù chùn bước. Vị trí bên ngoài, thành lũy xây thật giờ đây gọi là làng Thành, ở phía bên trong thành lũy giả được gọi là làng Vẽ.

Trong quá trình tu sửa chùa vào năm 2018, đã phát hiện ba bệ chân tảng đá hoa sen với phong cách kiến trúc của thời Trần (thế kỷ 13-14) dưới nền tòa tam bảo, mở ra cái nhìn mới về lịch sử xây dựng của chùa Vẽ, có thể từ thời Trần

Ngôi chùa còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị, đặc biệt là hệ thống tượng Phật cổ được tạc quy chuẩn, sơn son thếp vàng, phản ánh giai đoạn phát triển nghệ thuật điêu khắc thời Lê trung hưng…

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuc-di-san-van-hoa-yeu-cau-bac-giang-bao-cao-vu-chay-chua-ve-post719028.html
Zalo