Cua 'quý tộc' tụt giá mua dễ như rau, 'hạt ngọc' Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới

Cua lông - loại cua 'quý tộc' Trung Quốc xuất hiện ở Việt Nam vài năm trước từng có giá vô cùng đắt đỏ, nay thậm chí rẻ hơn cua Cà Mau, mua rất dễ. Trong khi đó, giá gạo - 'hạt ngọc' của Việt Nam - ổn định và đang đắt đỏ nhất thế giới.

Giá cau cao kỷ lục

Không chỉ giá cà phê mà giá cau hiện nay cũng khiến nông dân “dậy sóng” vì tăng cao kỷ lục. Giá cau đang dao động ở mức 80.000-85.000 đồng/kg.

Người dân trồng cau trúng cực lớn, khi mức giá này duy trì liên tục gần nửa năm qua. Một tấn cau hiện đổi được một lượng vàng.

Theo các thương lái trực tiếp đi hái cau, giá tăng và giữ ở mức cao nhiều tháng qua bởi Trung Quốc thu mua rất mạnh. Cau hái đến đâu được mua đến đó. Nhiều chủ "lò" mua và sơ chế cau cũng nói năm nay Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảm mua, nên giá tăng liên tục.

Giá cau đạt kỷ lục và duy trì trong nhiều tháng. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương không khuyến khích người dân tăng diện tích trồng ồ ạt. (Xem chi tiết)

Vượt xa loạt đối thủ cạnh tranh, ‘hạt ngọc’ Việt Nam có giá đắt đỏ nhất thế giới

Giá gạo của hàng loạt đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ… lao dốc mạnh, còn “hạt ngọc” của Việt Nam ổn định và đang đắt đỏ nhất thế giới.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 10/10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 538 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 40 USD/tấn, hơn hàng Pakistan và Ấn Độ lần lượt là 51 USD/tấn và 49 USD/tấn.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến đạt 7-7,5 triệu tấn trong niên vụ tới. Các mặt hàng gạo hữu cơ, gạo thơm… của Việt Nam được nhiều nước ưa chuộng nhờ sản phẩm đa dạng và chất lượng, giúp duy trì giá bán cao hơn so với Ấn Độ và Thái Lan. (Xem chi tiết)

Cua ‘quý tộc’ Trung Quốc thành hàng bình dân ở chợ Việt, mua dễ như rau

Chỉ vài năm sau khi xuất hiện ở thị trường Việt, cua lông - loại cua “quý tộc” Trung Quốc có giá vô cùng đắt đỏ. Nếu quy ra cân, cua lông bán tại thị trường Việt cách đây 7 năm có giá lên tới gần 4 triệu đồng/kg, mức giá thuộc top đắt nhất trong các loại cua trên thế giới.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cua lông tràn sang chợ Việt, trở thành hàng bình dân, mua dễ như rau. Giá cua lông “quý tộc” cũng ngày càng rẻ, hiện chỉ ngang với cua biển Cà Mau, thậm chí còn rẻ hơn.

Cua lông là món ăn của giới thượng lưu ở Trung Quốc. Ảnh: NVCC

Cua lông là món ăn của giới thượng lưu ở Trung Quốc. Ảnh: NVCC

Tại các cửa hàng, chợ online, cua “quý tộc” đang được rao bán la liệt. Theo đó, giá cua đực dao động từ 350.000-410.000 đồng/kg, cua cái phổ biến ở ngưỡng 450.000-590.000 đồng/kg. (Xem chi tiết)

'Nổ' đơn hoa chục triệu đồng trước dịp 20/10

Nhiều cửa hàng hoa tại TPHCM đã sớm nhận đơn hàng cho dịp lễ 20/10, trong đó có những đơn với giá trị lên tới hàng chục triệu đồng.

Theo chia sẻ của các đơn vị trên Tạp chí Tri Thức - Znews, giá hoa dịp 20/10 năm nay không biến động nhiều so với năm ngoái. Các loại hoa ngoại nhập thường có giá nhỉnh hơn so với các loại hoa trong nước bởi chi phí vận chuyển cao, kèm theo đó là các chi phí khác để bảo quản hoa luôn trong tình trạng tốt nhất.

Bù lại, khách hàng có nhiều lựa chọn về mẫu mã. Các loại hoa ngoại nhập được ưa chuộng là mẫu đơn, tulip, hoa hồng Ecuador, diên vỹ...

Giá vé tháng xe buýt tại Hà Nội tăng

UBND TP Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 1/11 tới đây.

Cụ thể, giá vé xe buýt cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 lên 10.000 đồng/lượt.

Với những tuyến có cự ly từ 25km đến dưới 30km, giá vé tăng từ 8.000 lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 lên 15.000 đồng/lượt; từ 40km trở lên tăng từ 9.000 lên 20.000 đồng/lượt.

Giá vé tháng cũng được điều chỉnh: Nhóm đối tượng ưu tiên gồm học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng); liên tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng). (Xem chi tiết)

Hạnh Nguyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cua-quy-toc-tut-gia-mua-de-nhu-rau-hat-ngoc-viet-nam-dat-do-nhat-the-gioi-2331465.html
Zalo