Nhiều thách thức trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mùa cuối năm

Theo các hiệp hội, tình hình xuất khẩu cuối năm vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phù hợp để về đích an toàn theo mục tiêu đề ra.

Ghi kết quả khả quan

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn ngành xuất siêu 13,86 tỷ USD, tăng tới 71,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 9 tháng năm 2024, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có kết quả tích cực. Cụ thể, cà phê đạt 4,37 tỷ USD, tăng 39,6%; cao su đạt 2,84 tỷ USD, tăng 16,4%; chè đạt 189 triệu USD, tăng 34,2%; gạo đạt 4,37 tỷ USD, tăng 23,5%; nhân điều đạt 3,17 tỷ USD, tăng 22,5%; hạt tiêu hơn 1 tỷ USD, tăng 46,9%...

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2024 ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan.

Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả đạt 5,84 tỷ USD, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2023 và đã vượt xa cả năm 2023. Trong đó, sầu riêng đạt giá trị hơn 2,5 tỷ USD, các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu.

Còn theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng quý III, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng cao, tháng 7 đạt 885 triệu USD, tăng 14%, tháng 8 đạt 953 triệu USD, tăng 20%, tháng 9 đạt 866 triệu USD, 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau 4 năm bị xáo trộn bởi đại dịch Covid-19, biến động chính trị, lạm phát cao trên thế giới, các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đang dần ổn định trở lại. VASEP đánh giá, xuất khẩu thủy sản đã quay trở lại quỹ đạo thông thường và sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm nay.

Đối mặt nhiều thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, năm 2023 và 9 tháng đầu năm 2024, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn như giá nhiên liệu, giá vật tư, thức ăn tăng.

Suy thoái kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại nhiều nước xuất khẩu dẫn đến giá bán cá tra nguyên liệu giảm, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

“Bên cạnh đó, giá một số hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản vẫn còn ở mức cao, chi phí logistics cao gây áp lực đối với hoạt động sản xuất, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu thụ chững lại và quy mô sản xuất bị thu hẹp”, ông Khôi chia sẻ.

Với ngành hồ tiêu, mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) đã có thông tin cảnh báo cho các doanh nghiệp được biết về trường hợp lừa đảo của một khách hàng tên là Mafipro SDN BHD Malaysia.

“Theo thông tin Hiệp hội được biết, đối tượng này đã lừa đảo 3 doanh nghiệp tại Việt Nam trong đó có một lô hàng của một doanh nghiệp là thành viên của VSPA (bên bán) chỉ định bên cung cấp dịch vụ giao nhận là Công ty TP Shipping (gọi tắt là công ty TP).

Ngày 4/10/2024, Công ty TP có công văn số 0310-01/TPS-PL ngày 3/10/2024 gửi VPSA làm rõ thông tin thêm về vụ việc. Theo đó, Công ty TP cho biết, doanh nghiệp không thực hiện trao đổi dưới bất cứ hình thức nào liên quan đến việc giao dịch mua bán hàng hóa hồ tiêu giữa hai bên”, đại diện VPSA thông tin.

Vụ việc vẫn chưa có kết luận chính thức, đồng thời chi tiết về thủ đoạn lừa đảo cũng chưa được công bố do đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, VPSA đề nghị, trước giá thành sản phẩm một số nông sản trong nước gia tăng đi kèm với nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, các doanh nghiệp cần cẩn trọng hơn khi làm việc với đối tác, đặc biệt là các đối tác lần đầu giao dịch.

Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng giải pháp trước thách thức giai đoạn cuối năm.

Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng giải pháp trước thách thức giai đoạn cuối năm.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM nhận định, với ngành gỗ và nội thất giai đoạn cuối năm, tình hình xuất khẩu vẫn khó đoán định. Trước mắt là giá cước tàu vận chuyển chịu nhiều tác động từ tình hình thế giới. Trong nước, tình hình sản xuất và xuất khẩu gỗ trong quý IV/2024 được các hiệp hội, doanh nghiệp dự đoán sẽ rất khó khăn do bão Yagi vừa qua đã để lại hậu quả rất nặng nề.

Thống kê cho thấy có 13 tỉnh thiệt hại về rừng với diện tích 169.588 ha (diện tích này chưa bao gồm diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt). Trong đó 4 tỉnh thiệt hại nặng nhất là TP. Hải Phòng 10.045 ha; Lạng Sơn 19.729 ha; Bắc Giang 26.415 ha và Quảng Ninh 110.713 ha. Nhiều cơ sở sản xuất chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại, cần phải đầu tư sửa chữa, khôi phục.

“Trước tình hình này, các doanh nghiệp nên linh động xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn cuối năm, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu sao cho phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu”, ông Phương chia sẻ.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-thach-thuc-trong-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-mua-cuoi-nam-d227329.html
Zalo