Cư xá Những Đỉnh Núi

Thay vì gọi bằng cái tên gắn với một yếu nhân kiêm người sáng lập - Cité-jardin Amiral Jean Decoux (Cư xá-hoa viên Đô đốc Jean Decoux), hay gọn hơn, Cité Decoux (Cư xá Decoux), thì người Pháp lẫn người Việt giữa thập niên 1940 vẫn thích dùng một cái tên gắn với cảnh quan sinh thái bay bổng hơn - Cité des Pics (Cư xá Những Đỉnh Núi) - khi nói về khu cư trú mới, gồm 51 ngôi biệt thự được xây dựng ở vùng rìa phía Bắc thành phố.

Vào giữa thập niên 1940, nếu đứng trên một ngọn đồi từ trung tâm phóng tầm mắt về phía núi Lang Bian, có thể thấy thấp thoáng những biệt thự xinh xắn và giản dị trên một dải đồi thoải. Khu nhà này được một tập tờ rơi in màu, quảng bá “như là những ngôi nhà gỗ mái dốc của vùng núi Alps” (1). Nếu có thể nâng cao độ điểm nhìn, thì sẽ thấy rõ hơn về toàn cảnh không gian: những ngôi biệt thự và các lô đất gia cư hướng về một hồ nước nhỏ nhân tạo cũng được thiết kế trong cùng khoảng thời gian (2). Và gần hơn, chếch sang hướng Đông, vẫn với lối kiến trúc những ngôi nhà mái dốc thấp tầng trên đồi, là lác đác các “đỉnh núi” khác của khu École des Enfants de Troupe (Trường Thiếu sinh quân) xây dựng trước đó, năm 1939.

Đây không phải là lần đầu trong lịch sử quy hoạch Đà Lạt xuất hiện loại hình “cité”. Có thể kể, vào nửa cuối thập niên 1930, Đà Lạt đã có hai khu “cité” rồi: Cité Saint-Benoît (Cư xá Biển Đức, hay còn gọi là Cư xá Mê Linh vì nằm cạnh hồ Mê Linh) và Cité Bellevue (Cư xá Ngoạn Mục) nằm ở khu đồi thông phía Nam trên bản đồ thành phố, được vòng tay hạ lưu của dòng Cam Ly ôm gọn.

Ấn bản thông tin giới thiệu về khu cư xá. Ảnh: Tư liệu

Ấn bản thông tin giới thiệu về khu cư xá. Ảnh: Tư liệu

“Cité”, vào thời bấy giờ được hiểu là khu dân cư tập trung, có tính đồng nhất về giai tầng xã hội. Người Việt gọi là cư xá.

Điểm chung về cảnh quan của ba cư xá này, đó chính là không gian hài hòa công trình kiến trúc với cảnh quan tự nhiên, không xa mặt nước - dòng chảy và hồ nhân tạo; và, cả ba đều chọn Lang Bian làm hậu cảnh ở ba trục nhìn khác nhau (Đông Bắc, Tây Bắc và hướng Bắc). Nhưng điểm đặc biệt, sự xuất hiện của Cité des Pics là nằm trong chương trình mở rộng quy hoạch Đà Lạt và lần đầu người Pháp xây dựng một khu vực cư trú (cho thuê và bán) hướng tới người da trắng thuộc tầng lớp thu nhập thấp, không giống với các cư xá được xây trước đó, dành cho giới công chức và người Âu khá giả. Cư xá này cũng biểu thị rõ về trục quy hoạch Bắc-Nam trong khuynh hướng mở mang thành phố vào thập niên 1940. Đây cũng là lời giải hữu hiệu trước bối cảnh dân số Đà Lạt thập niên 1940 tăng vọt (3).

Cité des Pics nằm trong khuôn khổ chủ trương của ông Jean Decoux từ khi mới ngồi vào ghế toàn quyền Đông Dương năm 1941. Vị toàn quyền thời Vichy nhìn ra thực tế nguyện vọng nghỉ phép, hồi hương của công chức, binh lính Pháp nói riêng, người Âu nói chung tại Đông Dương trong thời điểm đó là cực kỳ khó khăn, vì cuộc Thế chiến và những chuyển biến chính trị ngay trên nước Pháp. Tình thế đứt gãy giữa thuộc địa Đông Dương với Pháp quốc khiến nhiều người Âu cảm thấy bị mắc kẹt ở xứ nhiệt đới, nên việc xây dựng những khu cư trú trên cao nguyên như Bokor (Campuchia), Bạch Mã, Tam Đảo, Sapa... và đặc biệt chú trọng vào Đà Lạt là cấp bách đối với chính quyền Decoux.

Nhiều giải pháp, chính sách nhanh chóng được đưa ra, một mặt gia tăng thời gian nghỉ phép tại các cao nguyên Đông Dương cho các công chức, viên chức Pháp, Âu thuộc nhiều cấp bậc, địa vị, mặt khác, đẩy nhanh việc mở rộng Đà Lạt để quy tụ người da trắng khắp Đông Dương vào mục tiêu ổn định đời sống, xây dựng một đô thị có tương lai. Chiến lược này vừa có tính tình thế lại vừa hướng đến viễn kiến về một thành phố trẻ trung và kiểu châu Âu đầy sức sống.

Dự án khu cư xá hoa viên khởi từ ý tưởng của chính Jean Decoux, được Khu Công chính Trung kỳ thiết lập, có mục đích rõ ràng: “Cho phép phụ nữ, trẻ em, người bệnh, những người đang phải chịu đựng sự khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới, có thể nghỉ ngơi, lấy lại sức khỏe trong khung cảnh đẹp như tranh vẽ của khu nghỉ mát trên núi xinh đẹp của liên bang. Tạo thuận lợi cho những người có điều kiện kinh tế khiêm tốn, gia đình đông người có thể sở hữu một tài sản nhỏ và một ngôi nhà để nghỉ ngơi ở Đà Lạt” (4). Điều này cũng được Jean Decoux khẳng định trong khi đi thị sát công trình đang lúc ngôi biệt thự thứ 20 của đợt 1 hãy còn xây dựng dang dở. Ông nói, đây là nơi “mang lại cho những người Đông Dương kém may mắn hơn một cơ hội để hưởng lợi từ khí hậu tươi mát của Đà Lạt”, tờ L’Écho annamite (số ngày 6.7.1942) thuật lại.

8 giờ sáng ngày 6.7.1942, ông Jean Decoux đặt viên đá đầu tiên tại khu cư xá mang tên mình trong một buổi lễ gọn nhẹ, giản dị, với sự tham dự của kiến trúc sư Lagisquet - người thẩm định dự án, ông Berjoan - Thị trưởng Đà Lạt, và ông Longeaux - Kỹ sư phụ trách xây dựng công trình công cộng...(5).

Đồ án khu Cité-jardin Amiral Jean Decoux. Ảnh: Tư liệu

Đồ án khu Cité-jardin Amiral Jean Decoux. Ảnh: Tư liệu

hững ngôi biệt thự nhỏ gọn xinh xắn có mái dốc được xây trên khu nhượng địa của điền chủ Marius Borel. Chúng được đặt trong những mảnh vườn với tỷ lệ quy định rất chặt chẽ theo bản Nghị định ban hành ngày 27.4.1943 của Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux về chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt. Ở đây, có thể nhận ra ngay từ trong thời kỳ cao điểm phát triển thành phố, thì việc mở rộng vẫn không thể buông tuồng, mà ngược lại, được thiết lập từ trên các quy chuẩn nghiêm ngặt. Những quy định trong xây dựng khu cư xá cho một giai tầng xã hội tạm gọi bình dân vẫn phản ánh rõ sự chăm chút nhất quán trong tư duy quy hoạch, xây dựng mà người Pháp áp dụng cho Đà Lạt.

Với kinh phí 650.000 đồng, khu cư xá hoa viên Decoux có bốn hạng mục: đợt 1 xây 30 căn biệt thự (được hoàn thành cuối năm 1942) và 20 căn hoàn thành năm 1944; cung cấp hạ tầng điện nước, hạ tầng đường sá và hồ chứa nước 300m3. Bên trong các biệt thự nhỏ, có nội thất mộc mạc, đủ điện nước căn bản, phù hợp với hầu bao của những gia đình Pháp, Âu có tối thiểu 2 con, điều kiện kinh tế khiêm tốn nhưng quan trọng là có thể trạng phù hợp với khí hậu cao nguyên. Khu biệt thự này cũng có chỗ ưu tiên cho các gia đình tối thiểu 4 con thuê lại với giá 50-60 đồng mỗi tháng, tùy diện tích.

Với gia đình đông con, thuế thu nhập thấp hơn 20 đồng mỗi tháng, chưa sở hữu bất kỳ đất đai nào ở các khu nghỉ mát thuộc các cao nguyên ở Đông Dương nói chung và Đà Lạt, Đồng Nai Thượng nói riêng, thì có thể mua một trong 50 lô đất diện tích 1.200m2/lô thuộc dự án này với giá 1.500 đồng. Có 5 điều kiện mà người mua phải tuân thủ: thanh toán một đợt trong vòng tháng đầu sau khi khế ước được ký; phải xây dựng một biệt thự vườn (chọn một trong số sáu kiểu kiến trúc nhà mẫu kèm theo sơ đồ nhà, xây bể nước ngầm 60m3 để dự trữ nước - quy định bảng giá, hạng mục xây dựng kèm theo khá cụ thể và chi tiết) và biệt thự này phải được xây hoàn thiện trong vòng một năm sau khi mua đất; không cho phép bán lại trước 10 năm nếu không có phê duyệt của chính quyền (giao dịch chuyển nhượng chỉ có thể tiến hành trong các trường hợp đặc biệt; ngay cả sau khi hết thời hạn 10 năm thì cũng phải chuyển nhượng lại cho khách mua thuộc nhóm xã hội có cùng điều kiện và hoàn cảnh); chủ nhà không tự ý cho thuê nếu không có ý kiến của chính quyền và không được phá nguyên tắc cho thuê, giá thuê đã được quy định chung cho toàn bộ khu cư xá. Đây là những nguyên tắc quan trọng chi phối để tránh đầu cơ, tránh trường hợp một gia đình sở hữu nhiều hơn một lô đất trong dự án cư xá này.

Danh sách người mua được khán duyệt vào ngày 1.10.1942.

Năm 1944, thời điểm phát triển rực rỡ của kiến trúc, quy hoạch đô thị Đà Lạt trong thời Pháp thuộc, cụm 51 biệt thự của khu Cité Decoux có sắc thái riêng trong số 750 ngôi biệt thự được xây lên khắp thành phố vào cùng thời điểm. Về mặt quy hoạch, tuy bị chỉ trích là “cứng nhắc”, “cơ học” như thể phủi bụi, tái hiện trực quan thứ triết lý quy hoạch đồng nhất và tập trung (thành phần xã hội, chủng tộc) kiểu đồ án Hébrard vào năm 1923, nhưng trên thực tế, những phân khu cư xá hoa viên lại cho thấy cảm giác dễ chịu của sự hài hòa, lại vừa hồi đáp chính xác nhu cầu thực tế. Đó là những triển khai sinh động nhất của nội hàm bản quy hoạch chỉnh trang và mở rộng Đà Lạt năm 1942 của Lagisquet và bản quy tắc gói gọn trong Nghị định số 3513: Dự án chỉnh trang và mở rộng thành phố Đà Lạt và khu vực tỉnh Langbian do Toàn quyền Đông Dương Decoux ban hành ngày 27.4.1943 (6).

Toàn cảnh khu cư xá vườn nằm bên hồ nước Đa Thành. Ảnh: Tư liệu

Toàn cảnh khu cư xá vườn nằm bên hồ nước Đa Thành. Ảnh: Tư liệu

Trong bản Nghị định về Dự án chỉnh trang và mở rộng thành phố Đà Lạt và khu vực tỉnh Langbian gồm những điều luật xây dựng, vệ sinh, thẩm mỹ và những nội dung phụ đính trên bản đồ tỷ lệ 1/20.000; 1/5.000; 1/1.000. Theo đó, thành phố được chia ra 21 khu vực: không gian trống - đất dành cho vườn công cộng hoặc công viên; khu bất kiến tạo; khu du lịch; khu lâm nghiệp; khu bệnh viện; khu làng của người An Nam; khu chuyển nhượng hoặc đất canh tác, chăn nuôi, trồng trọt; khu thể thao; khu trường học; khu công nghiệp; khu khách sạn; khu dịch vụ công, cơ quan hành chính, văn phòng; khu thương mại loại 1; khu thương mại loại 2; khu biệt thự đôi và nhà ở chung vách; khu nhà ở tập thể không được kinh doanh; khu dân cư lớn và biệt thự loại 1; khu dân cư nhỏ và biệt thự các loại 2, 3, 4, 5.

Với mỗi phân khu, bản Nghị định 30 trang này nêu cụ thể nguyên tắc kiến trúc, xây dựng nghiêm ngặt. Trong đó, với những nơi có quy mô tập trung cao (như cité) thì bản Nghị định quy định: “Mỗi khu đất phải đảm bảo có diện tích tối thiểu là 1,5 hecta và cao nhất là 2,5 hecta. Người mua không được chuyển nhượng trong khoảng thời gian 10 năm kể từ lúc mua và sẽ không được thay đổi mục đích sử dụng trừ khi là trả lại cho chính quyền. Bất kỳ việc phân chia, bán toàn bộ hoặc một phần diện tích đất đều bị cấm. Việc cho thuê phải được Thị trưởng cấp phép trước. Khu đất dùng cho mục đích cư trú thì chỉ cho phép một gia đình ở, không được sử dụng cho mục đích thương mại. Tổng diện tích xây dựng sẽ không vượt quá tỷ lệ 1/25 tổng diện tích toàn bộ khu đất và không vượt quá 800m2. Phần còn lại chỉ được sử dụng cho công viên, vườn lót gỗ, vườn rau hoặc chuồng gà, heo, ngựa…, hạn chế nhu cầu nhà ở. Số lượng vật nuôi sẽ phải được khai báo với Thị trưởng (cấp có thẩm quyền ấn định số lượng tối đa vật nuôi phù hợp với diện tích đất)”.

Bản Nghị định cũng quy định rõ ràng, chi tiết đến cao độ của từng tầng lầu, kích cỡ máng xối, đường ranh, hàng rào, khoảng sân hay lối đi công cộng. Ví dụ về cao độ công trình, Nghị định quy định: “Chiều cao tối đa của nhà chính, được đo từ điểm cao nhất của nền đất (bên hông công trình) đến mái đua hoặc máng xối của mái nhà, và không được vượt quá 13m. Số tầng được giới hạn là ba (gồm tầng trệt). Phải xây tường rào bao bọc xung quanh nhà. Mặt ngoài của tường rào này sẽ phải được trang trí. Cầu thang, vọng lâu có thể xây trên mái hoặc sân thượng, phù hợp với tường ngoài và không vượt quá 15m50cm (tức không vượt quá mái đua [rampant] hoặc ống xối thoát nước của mái). Chiều cao tối thiểu của các tầng được tính từ sàn nhà đến trần nhà hoặc dưới rầm nhà; phần không gian từ rầm đến mái cao 3m có thể dùng để ở. Chiều cao tối thiểu của tầng trệt là 2m60cm, nếu đây là nhà phụ hoặc nhà cho người làm ở”.

Toàn cảnh những biệt thự mái dốc nhấp nhô trước ngọn Lang Bian hùng vĩ, nên khu cư xá này còn có tên Cité des Pics, tức Cư xá Những Đỉnh Núi. Ảnh: Tư liệu

Toàn cảnh những biệt thự mái dốc nhấp nhô trước ngọn Lang Bian hùng vĩ, nên khu cư xá này còn có tên Cité des Pics, tức Cư xá Những Đỉnh Núi. Ảnh: Tư liệu

Đối với biệt thự lợp mái, thì “gác xép có thể được sử dụng làm không gian ở; phần không gian này phải có chiều cao khoảng 2m50cm, phần thấp nhất của mái đua là 1m80cm. Chiều cao này phải được đo từ sàn của gác xép đến trần hoặc dưới dầm nhà (les solives)”.

Trong trường hợp là biệt thự có sân thượng, thì “tầng lửng không vượt quá một nửa diện tích quy định của một trong những tầng quy định trong bản vẽ. Mái của tầng lửng tạo với phương thẳng đứng của tường rào một góc 45 độ. Chiều cao bên trong của tầng này được tính từ sàn (của tầng) đến trần nhà, không được nhỏ hơn 2m50cm. Nền tầng trệt khu nhà phải cao tối thiểu 30cm, nền nhà phụ cao 50cm. Chiều cao được tính từ điểm cao nhất của vỉa hè”.

Các công trình phụ không được nằm ở mặt tiền đường công cộng, phải được xây khuất khỏi lối vào trực tiếp hết mức có thể. Chúng chỉ được có tối đa 2 tầng (gồm trệt). Chiều cao tối thiểu của tầng trệt là 2m60cm, của tầng còn lại là 2m50cm”.
Trong các khoản cấm nghiêm ngặt của Nghị định này, có thể kể đến: cấm bất kỳ gia súc nào có thể gây ra các vấn đề về vệ sinh cho khu dân cư; trong thời hạn một năm kể từ ngày công bố dự án quy hoạch và kế hoạch phụ đính, việc san lấp ao vũng đã tồn tại trước đó và xử lý vật nuôi có hại hoặc nằm ngoài quy định sẽ phải được thực hiện, nếu không sẽ bị xử phạt theo khoản 52 của Nghị định” (7).

Trong phần “Quy định đặc biệt” của bản Nghị định, có ba điều khoản đáng chú ý để cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý trật tự xây dựng, sang nhượng đất đai, đó là các điều 37, 38 và 39, cụ thể: “Điều 37: Trên tất cả đất đai của Thị xã Đà Lạt cấm phân chiết, phân mảnh, phóng đường, đốn cậy, xây cất hay tu sửa một kiến trúc mà không có giấy phép minh thị của Thị trưởng Đà Lạt; Điều 38: Mọi hành động bán đất từ việc chia nhỏ hoặc lấn chiếm đất ngoài phân khu hoặc nhóm nhà ở đã được quy định ở trên đều cần sự đồng ý rõ ràng và bằng văn bản của Thị trưởng và được Hội đồng thành phố thông qua. Việc chia nhỏ đất chỉ được phép nếu phù hợp với những quy định liên quan đến diện tích tối thiểu của các phần đất ở từng khu trong phần I của bản kế hoạch này. Việc mua đất chỉ được phép nếu diện tích đất không vượt quá mức tối đa quy định của bản kế hoạch này. Điều 39: Đối với mọi hành vi dẫn đến việc giao quyền sở hữu đất theo các điều kiện quy định trong điều 38, Thị trưởng Đà Lạt sẽ cấp một chứng nhận miễn phí được in thành hai bản về việc hoàn tất các thủ tục theo điều 38 và xác nhận quyền sử dụng đất, như yêu cầu của người bán. Một bản sao sẽ được đính kèm với văn bản gốc nêu rõ tầm quan trọng của chứng nhận, bản sao còn lại do người mua đất giữ”.

Bản Nghị định do Toàn quyền Jean Decoux ký cho thấy sự chuẩn bị về tính pháp lý cho một đô thị được kiểm soát chặt chẽ về quy hoạch phân khu chức năng trong một giai đoạn xây dựng phát triển ồ ạt dưới áp lực của gia tăng dân số. Với quy định hướng tới thành phần các gia đình đông con - thành phần yếu thế và dễ “mất kiểm soát” trong tổ chức không gian sống, Decoux đặt họ vào những không gian tổ chức xã hội mang tính hỗ trợ và hợp lý, dễ dàng trở thành chủ nhân trong một thành phố nghỉ mát, và sẽ là một thủ phủ của Liên bang Đông Dương.

Một trong sáu mẫu biệt thự của khu cư xá. Ảnh: Tư liệu

Một trong sáu mẫu biệt thự của khu cư xá. Ảnh: Tư liệu

Một bản thống kê cho thấy năm 1943, khi chưa hoàn thiện đợt thứ hai của quá trình xây cất, khu cư xá nhà vườn mang tên Quan Toàn quyền đã có 130 đứa trẻ. Điều này cũng là một thực chứng thành công của ý đồ trẻ hóa diện mạo thành phố nghỉ dưỡng Đà Lạt trong tương lai.

Tuy nhiên, chỉ hai năm sau khi nó được ban hành, và một năm sau khi hoàn thiện khu cư xá hoa viên xinh đẹp này, thì xảy ra cuộc chính biến. Sự kiện quá đỗi bất ngờ với chính quyền của Decoux. Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương. Chuyển biến lịch sử diễn ra nhanh chóng hơn mọi hình dung tầm nhìn tối thiểu 30 năm của những nhà hoạch định chính sách chỉnh trang Đà Lạt lần này. Số phận của khu cư xá 51 biệt thự mới được xây mà người Pháp từng ví như những ngôi nhà mái dốc trên dãy Alps phiên bản cao nguyên Lâm Viên đã rơi vào một tình thế kỳ lạ.

Ngày 9.3.1945, sau khi ghế toàn quyền của Decoux bị kéo đổ, quân đội Nhật lập tức vây bủa mọi ngõ ngách thành phố, gây hoang mang với cả những ai ít màng đến những phù phép chính trị. Có đến 600 người Pháp, Âu đã bị quản thúc trong các khu cư xá. Trong đó, Cité des Pics dành cho người Pháp và Cité Bellevue dành cho người Âu đến từ các nước không tuyên chiến với Nhật. Cho đến khi Nhật tuyên bố đầu hàng, người Pháp trở lại Đông Dương, thì số phận của họ mới thoát khỏi những khu tập trung kiểm soát có những cái tên bay bổng trên thành phố cao nguyên Đà Lạt.

Thời Hoàng triều cương thổ, cụ thể là năm 1950, một phần Cité des Pics được dùng làm doanh trại của đoàn ngự lâm quân, một phần khác là khu cư trú của nhà giáo, công chức Trường Bảo Long.

Lịch sử kiến trúc có ghi nhận hai cái tên Việt Nam đầy triển vọng vừa tốt nghiệp Khoa Kiến trúc của Trường Mỹ thuật Đông Dương đã kịp để lại dấu ấn với Cité des Pics, đó là Phạm Nguyên Mậu và Nguyễn Ngọc Chân. Rời cái nôi đào tạo kiến trúc ở Hà Nội, hai kiến trúc sư trẻ này vào Đà Lạt; cùng với ông Lagisquet và các kiến trúc sư Pháp thực hiện bản vẽ các công trình biệt thự cho dự án cư xá hoa viên. Họ tỏ ra nổi trội với phong cách thiết kế khỏe khoắn, vững chắc và thanh nhã. Họ sinh ra những biệt thự xinh đẹp và giản đơn của cư xá hoa viên trong một giai đoạn lịch sử có nhiều dồn nén trước cuộc chính biến nhưng lại không ít khoảng trống.

Những ngôi nhà mái dốc thấp tầng xinh xắn trong khu cư xá hài hòa đầu thập niên 1940 vừa mới dựng lên, nhiều căn chưa kịp mở cửa đón gia chủ, đã phải được sử dụng cho công năng tập trung, giám sát. Sau đó, khu cư trú này đã trải qua những cuộc chuyển giao liên tiếp, lạ lùng...

Cư xá Những Đỉnh Núi. Phải, chúng như những đỉnh núi nhỏ nhắn trên cao nguyên, như định mệnh sinh ra là để đón nhận các cơn cuồng lưu lịch sử vội vã tràn qua và mịt mờ xóa dấu.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

_________________

(1) Dalat Cité-jardin Amiral Jean Decoux
(2) Sau này, thập niên 1950 hồ được đặt tên là Đa Thành (Lac de Da Thanh), về sau nữa, có tên Vạn Kiếp, gắn với tên con lộ chạy qua khu dân cư. Hồ Đa Thành nay đã bị san lấp
(3) Dân số Đà Lạt được ghi nhận: 13.000 người vào năm 1940; 20.000 người vào năm 1942; 21.000 người vào năm 1943 và 25.500 người vào năm 1944. Theo Địa chí Đà Lạt, https://lamdong.gov.vn
(4) Hồ sơ RST69433. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
(5) Theo tờ La Tribune indochinoise, 8 juillet 1942
(6) Phông Bộ Công chánh. Hồ sơ 755. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II
(7) Xử phạt việc vi phạm các quy định của Nghị định hiện hành cũng như các quy chế của dự án quy hoạch chỉnh trang và mở rộng đô thị Đà Lạt sẽ được giao cho Tòa án Tư pháp xử lý và xử phạt theo Điều 10, Nghị định 12, tháng 7 năm 1928

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cu-xa-nhung-dinh-nui-45936.html
Zalo