Biến rác thành tác phẩm nghệ thuật
Trong nỗ lực làm sạch đỉnh Everest, các nhà hoạt động môi trường tại Nepal đang biến rác thải thành những tác phẩm nghệ thuật...
Kể từ khi hai nhà leo núi Tenzing Norgay Sherpa và Edmund Hillary chinh phục đỉnh Everest lần đầu năm 1953, đến nay đã có hơn 6.000 người leo lên “nóc nhà của thế giới”.
Hàng nghìn tấn rác thải đã bị du khách và những người leo núi bỏ lại trên vùng núi Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới trong nhiều năm qua. Rác sẽ ngày càng nhiều hơn nếu không được xử lý kịp thời.
Do số lượng du khách đổ về đây ngày càng đông, để lại khối lượng rác khổng lồ nên đỉnh Everest còn được biết đến là “bãi rác cao nhất thế giới”. Năm 2019, chính phủ Nepal và các tổ chức phi lợi nhuận địa phương đã thực hiện Chiến dịch núi sạch, thu gom được hơn 10 tấn rác từ đỉnh Everest.
Từ đống rác khổng lồ…
Tại các điểm bắt đầu chặng leo như Everest Base Camp (Trại căn cứ) cao 5.364m, lều, nhà vệ sinh di động, nhà bếp tại đây được quản lý tốt, rác thải không bị vứt bừa bãi. Nhưng khi đoàn người leo dần lên đỉnh, việc quản lý rác thải trở nên khó khăn hơn. Các bình oxy đã qua sử dụng, lều rách, dây thừng, thang hỏng, các loại lon và giấy gói nylon bị những người leo núi vứt bỏ lại trên đỉnh núi cao gần 8.850m và các khu vực xung quanh.
Để khắc phục tình trạng này và kêu gọi mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, một nhóm nhà hoạt động ở Nepal đã thu gom rác thải do du khách bỏ lại trên đỉnh Everest trong những năm qua.
Ông Tommy Gustafsson - một nhà hoạt động môi trường cho biết, năm 2017, ông cùng với nhóm bạn cùng chí hướng đã xây dựng Trung tâm tái chế rác thải Sagarmatha Next trong Công viên quốc gia Sagarmatha, ngay gần điểm cao nhất của Everest nhằm tận dụng rác thải, biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật nhằm nhắc nhở mọi người về tình trạng ô nhiễm của hành tinh.
Trước đó, vào năm 2011, nhóm đã tổ chức một cuộc nhặt rác quy mô lớn ở Sagarmatha và thu gom được khoảng 10 tấn rác. Đồng thời, nhóm mở các lớp hướng dẫn tạo tác phẩm điêu khắc từ rác thải. Những tác phẩm này sau đó được đưa ra triển lãm và tám tác trong số đó đã được bán đấu giá ở châu Âu. Dự án của Trung tâm Sagarmatha Next đã huy động được nhiều nghệ sĩ cùng tham gia sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật bằng rác thải, và hướng dẫn người dân biến rác thải thành những vật phẩm có giá trị.
Ông Phinjo Sherpa, điều phối viên Trung tâm Sagarmatha Next cho biết: “Thu gom rác và trưng bày là một ý tưởng rất độc đáo. Điều này cũng dẫn đến việc quản lý rác thải tốt hơn”.
…đến tác phẩm nghệ thuật
Rác được thu nhặt từ trên đỉnh Everest đã được biến thành các tác phẩm nghệ thuật và trưng bày tại Phòng triển lãm Sagarmatha Next nhằm nêu bật sự cấp thiết phải cứu đỉnh núi cao nhất thế giới trước nguy cơ biến thành bãi rác. Phòng nằm ở độ cao 3.780m tại Syangboche, trên đường mòn chính dẫn đến Trại căn cứ Everest, cách Lukla, cửa ngõ vào núi khoảng hai ngày đi bộ.
Rác thải từ trên núi, rác thu gom từ các quán trà dọc theo đường lên núi được nhóm bảo vệ môi trường mang tên Ủy ban Kiểm soát ô nhiễm Sagarmatha xử lý và phân loại. Các sản phẩm và tác phẩm nghệ thuật được làm từ rác thải được trưng bày tại đây để nâng cao nhận thức về môi trường, hoặc bán làm quà lưu niệm. Số tiền thu về được dùng tái đầu tư vào bảo tồn môi trường ở khu vực.
Tuy nhiên, làm nhiệm vụ này ở khu vực vùng sâu, vùng xa không có đường sá thuận lợi là một khó khăn rất lớn. Ông Sherpa cho biết, trước kia, rác thải thường được chôn lấp hoặc đốt trong các hố lộ thiên, gây ô nhiễm không khí, đất và nước. “Khoảng 50-60 ngàn khách du lịch đến đây mỗi năm, để hỗ trợ cho du khách, còn có hướng dẫn viên và người khuân vác, rác thải của họ cũng tích tụ dần, vì thế công tác quản lý chất thải là một thách thức”, ông Sherpa chia sẻ.
Trong tổng số rác thải, chỉ có khoảng 10% là có thể được chuyển đổi thành các tác phẩm điêu khắc và tác phẩm nghệ thuật, phần còn lại phải đưa tới Kathmandu để xử lý.
“Thách thức lớn nhất là làm thế nào để loại bỏ số rác thải này. Chúng tôi đã nghĩ ra sáng kiến Mang rác về yêu cầu du khách hoặc hướng dẫn viên khi xuống núi thì mang túi đựng rác đến thị trấn Lukla ở vùng Khumbu, từ đó gửi máy bay đến Kathmandu”, ông cho hay.
Bà Shilshila Acharya, đồng sáng lập Avni Ventures, Công ty tái chế rác thải thu gom từ trên núi, ước tính có khoảng 1.000 tấn rác tại các ngọn núi ở Nepal. Theo bà, việc thiếu cơ chế quản lý hiệu quả ở vùng núi cao Himalaya của Nepal là một nguyên nhân khiến rác ngày càng nhiều.
Từ năm 2021, công ty Avni Ventures đã tái chế hơn 80 tấn rác thải được mang xuống từ các ngọn núi thuộc dãy Himalaya. Rác thu được chủ yếu gồm thủy tinh, kim loại, nhựa và thực phẩm đóng hộp.
Theo bà Shilshila Acharya, công ty chuyên tái chế dây thừng leo núi thành đồ thủ công khi hợp tác với Maya Rai, một đơn vị chuyên thuê các phụ nữ địa phương dệt các mặt hàng thủ công. Việc tái chế dây thừng góp phần mang lại việc làm, thu nhập cho người dân và thúc đẩy nghề thủ công bản địa. Họ sử dụng Macrame - một nghệ thuật tạo nên vật dụng từ các loại dây, thông qua kỹ thuật thắt nút, thay vì dệt hoặc đan, để tạo nên các hoa văn họa tiết tinh tế trên sản phẩm. Việc thắt Macrame không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và máy móc chuyên biệt như dệt hay đan, chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, nắm rõ nguyên tắc thắt và mấy sợi dây là có thể tạo ra sản phẩm.
Nhờ kỹ năng thắt nút Macrame, phụ nữ và trẻ em gái nghèo ở Nepal đã tạo ra ví, giỏ xách, khay đựng, miếng lót ly, và đệm ghế từ những sợi thừng bỏ đi, không chỉ mang lại sinh kế cho người nghèo, mà còn quảng bá văn hóa Nepal ra với thế giới.
Những nỗ lực của các nhà hoạt động môi trường như Dự án Sagarmatha Next và công ty tái chế rác thải Avni Ventures được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao. Dù vậy, các nhà hoạt động môi trường cho rằng, để hạn chế rác thải, cần phải giảm số lượng người leo núi. Đã đến lúc chính phủ Nepal cần hạn chế việc cấp phép đại trà cho các người leo núi cá nhân mà chỉ cho phép một số đoàn leo núi đạt chất lượng.