Cử nhân chạy xe ôm công nghệ
Doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều lao động mất việc, giảm giờ làm phải tìm cách mưu sinh, trong đó không ít người có trình độ cử nhân
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP HCM có hơn 82.500 người lao động (NLĐ) nghỉ việc, làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 5.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, khiến nhiều lao động mất việc, giảm giờ làm, trong đó không ít người có trình độ học vấn, tay nghề.
Chờ cơ hội việc làm
Qua nhiều ngày đi thực tế tìm hiểu về lực lượng lao động có trình độ cử nhân đang làm gì khi mất việc, thiếu việc làm, phóng viên đã ghi nhận được nhiều hoàn cảnh, lý do, suy nghĩ khác nhau. Trong đó, nhiều người chấp nhận mưu sinh bằng nghề xe ôm công nghệ giúp kiếm thu nhập và chờ thời cơ, bởi họ cho rằng không phải ai cũng có đủ điều kiện, khả năng và trình độ để tìm việc phù hợp.
Anh Lê Văn Minh (49 tuổi, TP HCM) đang là kỹ sư cơ điện cho một DN nước ngoài có trụ sở ở quận 5, TP HCM. Giai đoạn cao điểm, công ty nhiều việc, thu nhập của anh hơn 30 triệu đồng/tháng. Nhiều tháng nay, đơn hàng ít, cảm giác không thoải mái khi lên văn phòng chỉ ngồi không nên anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ.
Hằng ngày, sau giờ làm, anh chạy đến 22 giờ, trời mưa thì về sớm hơn. Thu nhập kiếm thêm từ công việc này khoảng 200.000 đồng/ngày. "Nghề này thu nhập phập phù nhưng giúp tôi bớt nhàn rỗi. Công việc ở công ty vốn đi nhiều nơi, giải quyết vấn đề cho khách hàng, nay đa phần ngồi chơi nên tôi không quen" - anh Minh tâm sự.
Còn anh Trần Thiện Khánh (43 tuổi, TP HCM) cũng vừa đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Anh Khánh đã tốt nghiệp đại học và từng là chủ một cửa hàng kinh doanh nội thất tại quận 7, TP HCM. Dịch COVID-19 ập đến, việc kinh doanh buôn bán khó khăn, không thể gồng gánh thêm, anh buộc phải đóng cửa hàng. Khó tìm việc làm, anh quyết định trở thành tài xế xe ôm công nghệ toàn thời gian. Theo anh Khánh, công việc này giúp anh chủ động thời gian, tiện sắp xếp giờ đưa đón con. Bên cạnh đó, ám ảnh việc kinh doanh thất bại khiến anh chưa tìm hướng kinh doanh mới.
Cũng có người đã đi làm ở công ty nhưng vì thu nhập thấp nên vẫn chọn nghề này như anh Thái Văn Thuận (24 tuổi, quê Đắk Lắk). Thuận đã tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin (IT) Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ra trường, khó tìm việc nên anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ để có tiền lo chi phí sinh hoạt.
Sau đó, anh được một DN IT tuyển dụng với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Nhưng chỉ một thời gian, anh Thuận xin nghỉ để quay về với nghề chỉ cần tay lái vững. "Làm ở công ty việc quá nhiều, gò bó mà thu nhập ít. Tôi thấy chạy xe ôm công nghệ thu nhập khá hơn và thoải mái giờ giấc" - anh Thuận nói.
Tập tính nhẫn nại
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, anh Phan Huy Ngọc (32 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) đã thử sức với nhiều nghề trước khi vào làm cho một công ty cơ khí ở TP Thủ Đức, TP HCM, với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Song công việc áp lực, khiến anh thường cảm thấy căng thẳng.
Sau thời gian đắn đo, anh quyết định xin nghỉ để chuyển sang DN khác, chấp nhận mức lương thấp hơn nhưng chỉ làm trong giờ hành chính. Thời gian rảnh buổi tối và cuối tuần, anh Ngọc chạy xe ôm công nghệ - vừa chở khách vừa giao đồ ăn, với tổng thu nhập từ 2 công việc khoảng 20 triệu đồng/tháng. "Nếu ngày đi làm, buổi tối tôi chỉ chạy 4-5 giờ để có thời gian nghỉ ngơi. Khi tích lũy đủ vốn, tôi dự tính 3 năm nữa sẽ về quê làm ăn vì xác định không làm công việc này lâu dài" - anh Ngọc bày tỏ.
Tương tự, anh Phạm Văn Hiếu (29 tuổi, quê Đồng Tháp) cũng chỉ có ý định chạy xe ôm công nghệ tạm thời, nhằm qua giai đoạn khó khăn. Anh Hiếu làm nhân viên bảo trì cho một công ty may mặc tại tỉnh Bình Dương, trước khi nghỉ việc cuối năm 2022. Không tìm được việc làm mới, anh đăng ký chạy xe ôm công nghệ nhưng có thông tin DN nào tuyển dụng vị trí phù hợp đều gửi hồ sơ ứng tuyển. "Làm tài xế xe ôm công nghệ chỉ là đối tác nên không có các phúc lợi khác, rất may rủi. Khi thị trường lao động sôi động hơn, tôi sẽ tìm cách trở lại nghề cũ" - anh Hiếu nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hân (34 tuổi, quê Bình Định) vừa chấm dứt chuỗi ngày chạy xe công nghệ cho một ứng dụng giao hàng có văn phòng trên đường Thành Thái, quận 10, TP HCM. Nhiều tháng qua, mỗi ngày anh dành một nửa thời gian làm công việc này, nửa còn lại phụ vợ việc nhà và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.
Mục đích chính của anh khi chạy xe công nghệ, ngoài kiếm thêm thu nhập còn để thoát khỏi cảm giác bí bách do thất nghiệp. Mới đây, anh đã nhận được công việc đúng chuyên ngành đã học là kỹ sư xây dựng cho một công ty ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Anh Hân cho biết rất vui vì được trở lại làm đúng chuyên môn. Vì thế, anh cũng ngưng chạy xe công nghệ giao hàng để tập trung cho công việc mới.
Không lo thiếu việc làm
Theo ông Nguyễn Hữu Bình, CEO TopDev (TP HCM), thị trường tuyển dụng hiện chưa phục hồi mạnh, chỉ có một số ngành nghề liên quan công nghệ là có nhu cầu lớn. Do vậy, việc nhiều người có trình độ khó kiếm việc làm cũng không ít. "Ở góc độ điều hành trang tuyển dụng chuyên ngành, tôi thấy đây là cơ hội để NLĐ có thể chuyển đổi công việc hoặc học thêm các kỹ năng. Thị trường sẽ ấm lên, nếu có sự chuẩn bị tốt, NLĐ sẽ không lo thiếu việc làm" - ông Bình nói.